Bài liên quan |
Sở Y tế Đồng Nai đề nghị tiêu hủy 2 sản phẩm mỹ phẩm Hanayuki |
Khởi tố hình sự, thu hồi giấy chứng nhận CGMP-ASEAN
Ngày 27/5, Sở Y tế Đồng Nai đã có báo cáo gửi UBND tỉnh, thống nhất đề xuất khởi tố vụ án để điều tra dấu hiệu sản xuất hàng giả đối với sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body, do Công ty CP Nhà máy Y tế EBC Đồng Nai sản xuất và được Công ty TNHH TM-DV VB Group, do ông Nguyễn Quốc Vũ – chồng ca sĩ Đoàn Di Băng – làm tổng giám đốc, phân phối ra thị trường.
Cùng ngày, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng chính thức thu hồi giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm (CGMP-ASEAN) số 53/GCN-QLD, cấp ngày 21/1/2025, đối với EBC Đồng Nai do không duy trì tiêu chuẩn sản xuất phù hợp với quy định. Đồng thời, yêu cầu Sở Y tế Đồng Nai xem xét thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm của doanh nghiệp.
Đây là diễn biến mới nhất trong chuỗi động thái liên tiếp đình chỉ, thu hồi và tiêu hủy các sản phẩm Hanayuki, vốn được thị trường biết đến thông qua hệ thống phân phối rộng khắp của VB Group và sự quảng bá mạnh mẽ từ người nổi tiếng.
![]() |
Văn bản của Cục Quản lý dược |
Doanh nghiệp có “profile” hoành tráng
Theo tìm hiểu, Công ty CP Nhà máy Y tế EBC Đồng Nai là một phần trong hệ sinh thái của Tập đoàn Y dược EBC, do ông Đinh Văn Liên giữ chức Chủ tịch HĐQT. Ông Liên từng chia sẻ về hành trình sự nghiệp bắt đầu từ vị trí biên dịch viên, phát thanh viên, giảng viên tiếng Việt cho người nước ngoài, trước khi chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh. Đến năm 2009, ông gia nhập một tập đoàn công nghệ với vai trò Giám đốc kinh doanh, rồi chính thức rẽ sang lĩnh vực mỹ phẩm năm 2013.
Tập đoàn Y dược EBC hiện sở hữu hệ sinh thái gồm: EBC Farm, EBC Factory, EBC Invest, EBC Healthcare, EBC Media, Viện đào tạo và chuyển giao công nghệ EBC, Viện khoa học mỹ phẩm và sức khỏe EBB, cùng nhiều công ty vệ tinh.
Đáng chú ý, năm 2024, Tập đoàn này tiếp tục được trao Chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao lần thứ 4, và từng nhận giải “Sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng”.
Công ty CP Nhà máy Y tế EBC Đồng Nai tiền thân là Công ty TNHH E.B.C Mỹ phẩm Giang Điền, được thành lập từ tháng 11/2014, với vốn điều lệ ban đầu chỉ 2 tỷ đồng. Hai cổ đông sáng lập là ông Bùi Minh Đăng (49%) và ông Đinh Văn Liên (51%).
Sau hai lần đổi tên vào năm 2017 và 2021, đến tháng 1/2025, công ty chính thức chuyển đổi sang mô hình cổ phần, lấy tên hiện tại và tăng vốn điều lệ lên 60 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Y dược EBC góp 59,1 tỷ đồng, chiếm tới 98,5% vốn, hai cá nhân còn lại là ông Vương Thanh Long và ông Phạm Minh Đức lần lượt góp 1% và 0,5% vốn điều lệ. Người đại diện pháp luật hiện tại là bà Đỗ Thị Lệ Quyên, giữ chức vụ Tổng giám đốc.
Theo giới thiệu, nhà máy tại KCN Giang Điền, Trảng Bom, Đồng Nai, có diện tích 10.000 m², công suất 50.000 tấn/năm, được đầu tư hàng trăm tỷ đồng và là đối tác sản xuất cho nhiều thương hiệu mỹ phẩm đang có mặt trên thị trường.
![]() |
Web chính thức của Công ty CP Nhà máy Y tế EBC Đồng Nai chỉ hiển thị thư xin lỗi liên quan đến việc thu hồi sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body |
Trang web "đóng cửa", niềm tin người tiêu dùng bị lung lay
Tại thời điểm hiện tại, trang web chính thức của Công ty CP Nhà máy Y tế EBC Đồng Nai chỉ hiển thị thư xin lỗi liên quan đến việc thu hồi sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body, trong khi các mục giới thiệu sản phẩm, công ty hay thông tin liên hệ đều bị vô hiệu hóa.
Vụ việc này không chỉ đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, phân phối mà còn cho thấy lỗ hổng trong quy trình kiểm định chất lượng và hậu kiểm của ngành mỹ phẩm, nhất là trong bối cảnh nhiều thương hiệu lựa chọn hình thức OEM để phát triển sản phẩm nhanh chóng nhờ đòn bẩy từ các KOLs và mạng xã hội.
Câu chuyện về EBC Đồng Nai và thương hiệu mỹ phẩm Hanayuki là lời cảnh tỉnh đối với cả doanh nghiệp sản xuất lẫn người tiêu dùng. Trong khi thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và có tiềm năng lớn, việc đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc minh bạch và tuân thủ pháp luật là yếu tố sống còn để bảo vệ niềm tin của người tiêu dùng, tránh để “con sâu làm rầu nồi canh”.