Phú Thọ phấn đấu vì mục tiêu phát triển rừng bền vững

10:16 29/03/2021

Phú Thọ là tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn với gần 190 nghìn ha, chiếm hơn 55% diện tích đất tự nhiên nên công tác bảo vệ và phát triển rừng được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Với chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp, phát triển rừng, là cơ quan chuyên trách thừa hành pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phát huy vai trò tham mưu, tích cực chủ động đề xuất giúp cấp uỷ, chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác bảo vệ, sử dụng, phát triển rừng và quản lý lâm sản tại địa phương.  

Những năm qua, cùng với việc tập trung nguồn lực từ ngân sách đầu tư cho các chương trình phát triển lâm nghiệp, Phú Thọ cũng tranh thủ kêu gọi, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư cho lâm nghiệp; điển hình là chương trình an sinh xã hội cam kết trao tặng 30.000 ha giống keo tai tượng hạt ngoại trong giai đoạn 2020-2025 của một trong những người con sinh ra tại quê hương Cẩm Khê - Phú Thọ: Tiến sỹ Nguyễn Đức Hưởng - nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Bưu điện liên Việt. Năm 2020, Chi cục cũng đã phối hợp với UBND các huyện tiếp nhận, cấp phát cây giống để trồng rừng gỗ lớn theo chương trình an sinh xã hội của Tiến sỹ Nguyễn Đức Hưởng; tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt cơ chế, cấp kinh phí mua bổ sung cây giống trồng rừng gỗ lớn còn thiếu theo kế hoạch năm 2020; hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch trồng rừng đảm bảo tiến độ và diện tích theo kế hoạch của tỉnh. 

Phú Thọ phấn đấu vì mục tiêu phát triển rừng bền vững. Ảnh: Internet
Phú Thọ phấn đấu vì mục tiêu phát triển rừng bền vững. Ảnh: Internet.

Năm 2020, toàn tỉnh trồng mới hơn hơn 9.800 ha rừng, đạt 100,1% kế hoạch, trong đó có hơn 3.000 ha rừng gỗ lớn; chuyển hoá gỗ lớn (theo chương trình hỗ trợ Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh) gần 500 ha. Trong những năm gần đây công tác nghiên cứu, ứng dụng các TBKH công nghệ mới trong sản xuất, lai tạo giống cây trồng lâm nghiệp, trồng, chăm sóc rừng, quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) được tăng cường, kết hợp với đẩy mạnh thâm canh năng suất, chất lượng rừng. Do đó, việc trồng rừng không chỉ tăng về diện tích mà chất lượng rừng trồng được nâng lên rõ rệt.

Xác định trồng rừng phải đi đôi với bảo vệ rừng, hằng năm, Chi cục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh  chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-01-2017 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”; Nghị quyết số 71/NQ-CP  ngày 08/8/2017 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư. Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững từ tỉnh xuống xã được củng cố kiện toàn. Các cuộc diễn tập chữa cháy rừng quy mô cấp huyện, cấp xã được tổ chức nhằm tuyên truyền sâu rộng ý thức bảo vệ rừng, PCCCR cho người dân. Do làm tốt công tác bảo vệ rừng và PCCCR nên trên địa bàn ít có vụ việc nổi cộm, các vụ cháy rừng, phá rừng có xảy ra nhỏ lẻ nhưng phần lớn đều được kịp thời ngăn chặn và xử lý, mức độ thiệt hại không lớn.

Cùng với đó công tác thừa hành pháp luật về rừng được thực hiện nghiêm túc. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh, Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, thành, thị, các cơ quan chức năng tăng cường thực hiện kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm dần. Trong năm 2020, lực lượng Kiểm lâm Phú Thọ đã kiểm tra phát hiện bắt giữ và xử lý vi phạm hành chính 93 vụ vi phạm pháp luật về rừng. Tang vật tịch thu: 15,75 m3 gỗ tròn; 5,77 m3 gỗ xẻ; 165 con động vật hoang dã. Tổng tiền thu nộp 558.026 triệu đồng.

Để bảo vệ và phát triển bền vững, trong thời gian tới Chi cục Kiểm lâm Phú Thọ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; tích cực chủ động tham mưu đề xuất với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp đề ra những giải pháp cụ thể trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản tại địa phương. Trong đó chú trọng bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng, PCCCR đồng thời nâng cao chất lượng rừng vì mục tiêu phát triển rừng bền vững. 

Minh Hải

Tags: