Chiếc phao cứu sinh
Bà Phạm Thị Thịnh, Phó cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, việc cấp giấy chứng nhận với khái niệm “đất ở không hình thành đơn vị ở” khi chưa có Công văn 703/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 14/2/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khiến cơ quan quản lý địa phương lúng túng, bởi nếu cấp phép thì vi phạm quy định pháp luật, còn không cấp phép thì bị phản ánh là gây khó dễ.
Theo bà Thịnh, liên quan đến chế độ sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, Công văn 703 đã áp dụng quy định tại Điều 48, Luật Du lịch. Theo đó, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch là cơ sở lưu trú du lịch và việc kinh doanh dịch vụ lưu trú tại các căn hộ du lịch, biệt thự du lịch thuộc loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch và thuộc nhóm ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống. Trong khi đó, theo quy định, việc sử dụng đất vào mục đích kinh doanh dịch vụ thuộc loại đất thương mại, dịch vụ.
Chế độ sử dụng đất thương mại, dịch vụ được quy định tại Điều 153, Luật Đất đai và thời hạn sử dụng đất được quy định tại Khoản 3, Điều 126, Luật Đất đai. Theo đó, thời hạn cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin thuê đất nhưng không quá 50 năm.
Đối với dự án có vốn đầu tư lớn, nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cần thời hạn dài hơn, thì theo Bộ tài nguyên và Môi trường, thời hạn cho thuê đất không quá 70 năm.
Về việc cấp giấy chứng nhận trong trường hợp các dự án có công trình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch có đủ điều kiện được chuyển nhượng theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, thì việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng cho bên nhận chuyển nhượng được thực hiện theo quy định tại Điều 32, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; khoản 26, Điều 2, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát các dự án đầu tư. Trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan, thì thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và không làm thay đổi quy mô, mục tiêu, quy hoạch của dự án”, bà Thịnh cho biết.
Có thể thấy, Văn bản 703 không phải là “giấy khai sinh”, mà là văn bản “hướng dẫn làm giấy khai sinh” cho condotel, nhưng đó cũng là một tín hiệu tích cực cho thị trường.
Kỳ vọng về việc giải thoát thị trường condotel
Về bản chất, Công văn 703 đã tổng hợp các điều kiện để các nhà đầu tư được cấp giấy phép về sử dụng đất, đồng thời là cơ sở để cấp giấy chứng nhận sở hữu với các căn hộ hình thành trên đất đó. Văn bản này cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước rà soát, xác định đúng loại hình sử dụng đất để các nhà đầu tư đưa ra các kế hoạch, quyết định đúng đắn khi đầu tư.
“Công văn 703 đã đáp ứng được phần nào về sự cấp bách và nóng hổi của thị trường bất động sản liên quan đến chế độ cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với công trình xây dựng không phải nhà ở”, Luật sư Trương Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận xét.
Theo ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa, các nhà đầu tư sẽ an tâm hơn kể từ khi có văn bản này. “Tôi nghĩ đó là tín hiệu tốt cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, khách hàng và thị trường bất động sản. Họ đã chờ đợi hơn 4 năm và rất kỳ vọng về luồng gió mới này”, ông Quý nói.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Đình Khiêm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Địa ốc Vietstar Land cho rằng, Công văn 703 đã tạo cho thị trường tâm lý tốt khi giải tỏa được 2 vấn đề là chủ đầu tư được cấp dự án đất lâu dài, đồng nghĩa sẽ được cấp cho khách hàng một tòa condotel với thời hạn sử dụng dài tới 50 năm.
Các doanh nghiệp cho rằng, Công văn 703 mới là “đốm lửa”, là “kim chỉ nam” cho thị trường condotel, mang tính chất dẫn đường, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Còn để thực sự làm tan băng và bùng nổ phân khúc này, còn cần sự thực thi từ các địa phương.
GS-TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận xét, Công văn 703 đã hệ thống lại các quy định hiện hành liên quan của pháp luật. Tuy nhiên, một số điều cần tiếp tục được hướng dẫn.
Tú Ân