PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Khó khăn về vốn đã khiến nợ xấu tăng nhanh

10:32 18/10/2023

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, khó khăn về nguồn vốn đang ngày càng lớn, dẫn tới nợ xấu tăng nhanh.

Ảnh minh họa
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính

Nợ xấu tăng nhanh, đạt ngưỡng đáng lo ngại

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, thời gian vừa qua, diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có nhiều điểm bất lợi, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng, doanh nghiệp. Những khó khăn đó đã làm gia tăng nợ xấu, gây áp lực trong việc trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu cũng như tiến độ xử lý tài sản bảo đảm tại các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Theo ông Thịnh, nợ xấu hiện đang gia tăng nhanh chóng và đạt đến ngưỡng đáng lo ngại. Đặc biệt, nợ xấu của ngân hàng chưa được thể hiện một cách đầy đủ khi vào cuối tháng 4, NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Và thực tế, những khoản nợ được giãn, hoãn đó gần như là nợ xấu và là một khoản tương đối lớn.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hiện các ngân hàng cũng gặp những khó khăn nhất định nhưng vẫn ở ngưỡng tương đối an toàn. Chúng ta có thể dựa vào những hệ số về an toàn vốn, tỷ lệ vốn huy động, vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn… nên tình hình của các ngân hàng vẫn khá tích cực.

Ông cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 khá yếu, 70% lợi nhuận của hệ thống ngân hàng phụ thuộc vào cho vay tín dụng. Vì vậy, trong năm nay, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ sụt giảm. Đây cũng là khó khăn và thách thức lớn đối với hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.

Vị chuyên gia này phân tích, những khoản nợ xấu tại các ngân hàng nhỏ đang tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận trong năm nay. Với ngân hàng lớn, mức độ ảnh hưởng có thể sẽ không quá lớn nhờ quản trị rủi ro tốt và việc chủ động trích lập dự phòng với những khoản nợ xấu hiện hữu và tiềm tàng. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục theo dõi sát sao nợ xấu và chủ động đẩy mạnh việc trích lập dự phòng lên mức cao hơn. Công tác quản trị rủi ro cần được nâng cao trong hệ thống ngân hàng.

“Tất nhiên, chúng ta cũng nên hy vọng nợ xấu trong thời gian tới sẽ không quá lớn và hệ thống ngân hàng sẽ xử lý được trong mọi tình huống”, ông Thịnh nói.

Ông cho biết thêm, từ năm 2020, nhiều nhà đầu tư “cắt lãi” trên thị trường chứng khoán đã chuyển sang đầu tư vào thị trường bất động sản. Điều này tạo ra một nguồn vốn lớn dồn vào địa ốc, cung vẫn đứng im nhưng cầu tăng mạnh hơn đã làm cho giá bất động sản tăng mạnh.

Chưa dừng lại ở đó, lượng lớn nhà đầu tư cắt lãi ở thị trường bất động sản quay lại đầu tư chứng khoán đã tạo ra các làn sóng ở cả hai thị trường. Và thời điểm đó, cả hai thị trường này đều căng thẳng. Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo những hành động đó của các nhà đầu tư sẽ hình thành nên bong bóng bất động sản và Nhà nước phải có những biện pháp để xử lý.

Ảnh minh họa
Nợ xấu gia tăng cũng đã phản ánh chân thực sức khỏe của doanh nghiệp địa ốc (Ảnh: Minh họa).

Nợ xấu gia tăng phản ánh sức khỏe của doanh nghiệp địa ốc

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh khẳng định, hiện các doanh nghiệp bất động sản muốn huy động được nhiều vốn bằng phát hành trái phiếu cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi thị trường tài chính rơi vào tình trạng trầm lắng do hoạt động chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp và những vụ việc tiêu cực liên tục được phát hiện.

Theo ông, nhiều doanh nghiệp sẽ rất khó vay vốn tại ngân hàng do không đủ điều kiện vay. Chưa kể, không ít doanh nghiệp địa ốc đồng loạt triển khai 5 - 10 dự án, thậm chí lên tới 50 dự án cùng một lúc.

‘Vì vậy, khó khăn về nguồn vốn ngày càng lớn và dẫn tới nợ xấu tăng nhanh. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nợ xấu gia tăng cũng đã phản ánh chân thực sức khỏe của doanh nghiệp địa ốc”, ông Thịnh chia sẻ.

Ông cho hay, trong thời gian qua, Chính phủ đã có sự vào cuộc mạnh mẽ, đưa ra những biện pháp hữu hiệu để từng bước ổn định thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, để thị trường thực sự phục hồi, cần có sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, điều quan trọng đầu tiên là các doanh nghiệp bất động sản buộc phải tái cấu trúc. Các doanh nghiệp phải tính toán chiến lược đúng đắn mới có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn này để tồn tại và phát triển.

Thứ nhất, doanh nghiệp nên lựa chọn những dự án khả thi để tập trung nguồn lực, đầu tư dứt điểm để đưa được sản phẩm ra thị trường. Đây cũng là giai đoạn thanh lọc thị trường bất động sản để có thể bước vào chu kỳ phát triển tích cực hơn.

Thứ hai, cần tái cấu trúc lại mặt bằng giá trên thị trường. Giá bất động sản đã tăng mãi và giữ ở mức cao, đã đến lúc cần hạ giá sản phẩm bất động sản để người có nhu cầu thực có thể tiếp cận được. Nếu giá đã hạ mà khách hàng vẫn không thể mua được, điều này đồng nghĩa với việc mức giá đó vẫn chưa phù hợp với mặt bằng chung của thị trường. 

Thứ ba, tiếp tục tái cấu trúc nguồn cung. Hiện nay, thị trường đang thiếu nguồn cung nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội. Vì vậy, cần tập trung mạnh vào các phân khúc hướng tới nhu cầu ở thực của người dân.

"Có thể thấy, Chính phủ đã khuyến khích và liên tục ban hành những chính sách mới để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản về thủ tục hành chính, đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng, giải quyết khó khăn trong thủ tục đầu tư, có những dòng vốn ưu đãi cho các dự án nhà ở xã hội… Nếu chúng ta đẩy nhanh và thực hiện tốt các chính sách, dòng tiền mới có thể quay trở lại và thị trường bất động sản sẽ phát triển bền vững", ông nói.

Nghệ Nhân