Trong báo cáo mới nhất, Bộ Công Thương cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy ở giai đoạn đầu phát triển, chi phí đầu tư và giá thành sản xuất điện từ các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo thường cao hơn so với các nguồn điện truyền thống.
Để đảm bảo tính khả thi cho các dự án năng lượng mới và năng lượng tái tạo, Dự thảo Luật điện lực sửa đổi đã đề xuất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể cho từng loại hình điện từ năng lượng tái tạo, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Đặc biệt, Dự thảo đề xuất các chính sách đột phá và hỗ trợ cho điện gió ngoài khơi, cùng với các cơ chế khuyến khích khác.
Ví dụ, các bên mua và bán điện có thể thỏa thuận trong hợp đồng về tỷ lệ huy động sản lượng điện tối thiểu hàng năm. Ngoài ra, dự án điện gió ngoài khơi có thể được miễn phí thuê biển, miễn tiền sử dụng đất trong suốt giai đoạn đầu tư xây dựng đến khi nhà máy phát điện đi vào hoạt động, và hưởng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất. Đồng thời, có các chính sách hỗ trợ cho điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo.
Bộ Công Thương cũng đánh giá rằng điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới tại Việt Nam, và chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế để triển khai các dự án liên quan. Hơn nữa, việc phát triển điện gió ngoài khơi còn chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật khác nhau và thuộc quyền quản lý của nhiều Bộ, ngành. Do đó, để hoàn thiện các quy định về phát triển điện gió ngoài khơi, cần xem xét xây dựng và điều chỉnh phù hợp với các Luật liên quan, và chỉ quy định những nội dung thuộc phạm vi của Dự thảo Luật này.
Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) |
Góp ý ý kiến tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nhấn mạnh rằng mặc dù Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII và có những bước khởi đầu cho thị trường điện gió ngoài khơi, nhưng tiến triển vẫn còn chậm.
Ông Jaspaert cho biết, các doanh nghiệp châu Âu đang gặp nhiều khó khăn trong triển khai các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên, bởi mọi thứ hiện chỉ dừng ở giai đoạn lập kế hoạch trên giấy, mà chưa đi vào thực tế.
Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đặt mục tiêu đầy tham vọng trong phát triển năng lượng tái tạo và cần có hành động quyết liệt hơn. Ông Jaspaert chỉ ra, để hoàn thành một trang trại điện gió ngoài khơi cần ít nhất ba năm xây dựng và đưa vào vận hành.
“Cần ít nhất 3 năm để xây dựng một trang trại điện gió ngoài khơi và bắt đầu đưa vào vận hành, đồng nghĩa với việc phải bắt đầu xây dựng vào năm 2027, trước đó cần 3-4 năm phát triển dự án trước khi đóng tài chính. Điều đó có nghĩa là tất cả các giấy phép cần sẵn sàng và mọi trở ngại cần được giải quyết trong vòng 6 tháng tới mới có cơ hội đạt được mục tiêu trên”, Chủ tịch EuroCham lưu ý.
Ông Jaspaert cảnh báo rằng, nếu trong sáu tháng tới không giải quyết xong các thủ tục giấy phép và các trở ngại, mục tiêu này sẽ khó đạt được.
Ông Jaspaert cũng khẳng định vai trò quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước trong việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi thí điểm tại Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học hỏi từ các quốc gia châu Âu. Ví dụ, Đan Mạch đã phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi mạnh mẽ, còn Anh đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhờ năng lượng gió.
Ông Jaspaert kêu gọi Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và có các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy ngành điện gió ngoài khơi. Ông cho rằng sự tham gia của các nhà phát triển nước ngoài không chỉ cung cấp vốn mà còn mang lại các tiêu chuẩn quốc tế trong triển khai dự án, quản trị rủi ro kỹ thuật, đảm bảo tính bền vững lâu dài cho ngành.