Từ "trái vàng" tỷ đô đến "nỗi sầu" nội địa: Sầu riêng đang trượt dốc đến đâu? Ngân hàng OCB tăng vốn, đặt mục tiêu lợi nhuận 5.338 tỷ đồng |
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chịu tác động tiêu cực từ làn sóng thuế quan mới, Việt Nam lại nổi bật như một điểm sáng khi liên tiếp đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài quy mô lớn. Các dự án tỷ USD như Hồng Hạc City của Phú Mỹ Hưng hay AEON MALL Cần Thơ, cùng với cam kết mở rộng đầu tư từ những “đại gia” toàn cầu như SK, Qualcomm hay Warburg Pincus, đang tiếp thêm sức bật cho nền kinh tế Việt Nam.
Không chỉ đánh dấu sự mở rộng của Phú Mỹ Hưng sau ba thập kỷ “đóng đô” tại TP.HCM, dự án Hồng Hạc City tại Bắc Ninh còn thể hiện chiến lược dài hơi của doanh nghiệp trong việc kiến tạo không gian sống chất lượng trên toàn quốc. Với tổng vốn đầu tư lên tới 1,066 tỷ USD, Hồng Hạc City là một biểu tượng mới của dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản và hạ tầng đô thị phía Bắc.
Ông Trương Quốc Hưng, Phó Tổng giám đốc Phú Mỹ Hưng, chia sẻ: “Hồng Hạc City là bước khởi đầu cho sứ mệnh mới – đưa tinh thần và chuẩn mực phát triển đô thị từ Phú Mỹ Hưng tới các địa phương trên cả nước”.
Trong khi đó, AEON – tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản – vẫn liên tục mở rộng hiện diện tại Việt Nam, bất chấp những bất ổn thương mại quốc tế. AEON Hải Dương vừa được khởi công, tiếp nối bằng AEON MALL Cần Thơ với tổng mức đầu tư 5.400 tỷ đồng.
Ông Tezuka Daisuke, Tổng giám đốc AEON Việt Nam, khẳng định: “Chúng tôi coi Việt Nam là thị trường trọng điểm chỉ sau Nhật Bản, với tiềm năng tăng trưởng và tiêu dùng vượt trội trong khu vực”.
![]() |
Ngoại lực tỷ đô tiếp sức Việt Nam giữa tâm bão thuế quan toàn cầu. (Ảnh: Minh họa) |
Tương tự, Tập đoàn SK của Hàn Quốc – sau khi rót 3,5 tỷ USD vào Việt Nam – đang chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư mới hàng tỷ USD vào các lĩnh vực LNG, hydrogen, AI và đổi mới sáng tạo. Đây là minh chứng cho niềm tin dài hạn vào môi trường đầu tư và tiềm năng phát triển công nghệ của Việt Nam.
Không chỉ có vốn, những tập đoàn công nghệ như Qualcomm còn mang theo tri thức và công nghệ hiện đại. Việc mua lại MovianAI – công ty con của VinAI – là động thái thể hiện rõ cam kết của Qualcomm trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) tại Việt Nam. Trung tâm R&D mới mà Qualcomm dự định xây dựng sẽ là trung tâm AI lớn thứ ba của họ trên toàn cầu, sau Ấn Độ và Ireland.
Ông Jilei Hou, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách kỹ thuật Qualcomm, nhận định: “Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm AI của khu vực nhờ nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và sự hỗ trợ từ chính phủ”.
Không chỉ quan tâm đến công nghệ và bán lẻ, các nhà đầu tư lớn còn hướng tới hạ tầng – trụ cột phát triển lâu dài. Warburg Pincus, sau khi đầu tư hơn 2 tỷ USD vào Việt Nam, đang xúc tiến dự án cao tốc nối Sân bay Long Thành với Hồ Tràm, với tổng mức đầu tư khoảng 17.300 tỷ đồng. Tuyến đường này sẽ “cởi trói” hạ tầng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và gia tăng giá trị cho tổ hợp nghỉ dưỡng mà tập đoàn này đã đầu tư từ hơn một thập kỷ trước.
Dù Mỹ vừa công bố mức thuế đối ứng lên tới 46% với một số mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam, điều này vẫn chưa ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại đổ vào. Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham, nhấn mạnh: “Thuế đối ứng không thể ngăn cản nhà đầu tư tiếp tục đến Việt Nam. Họ đã nhìn thấy tiềm năng dài hạn ở đây”.
Đồng quan điểm, ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam, phân tích: “Việt Nam vẫn hấp dẫn nhờ chi phí sản xuất cạnh tranh, nguồn nhân lực chất lượng, vị trí địa lý chiến lược và chính sách mở cửa đầu tư hiệu quả. Những yếu tố này giúp Việt Nam trụ vững trong bối cảnh bất ổn toàn cầu”.