Năm 2024 được xem là năm vàng son của sầu riêng Việt Nam, khi mặt hàng này ghi dấu mốc xuất khẩu kỷ lục 3,3 tỷ USD, vượt qua các loại trái cây truyền thống như thanh long, chuối để trở thành "ngôi sao sáng" của ngành rau quả.
Tuy nhiên, bước sang năm 2025, chỉ trong hai tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt hơn 52,7 triệu USD, giảm mạnh tới 69,4% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng thị trường Trung Quốc – nơi tiêu thụ sầu riêng lớn nhất – ghi nhận kim ngạch giảm tới 83%, xuống còn 27 triệu USD. Sầu riêng từ vị trí dẫn đầu, nay đứng hạng ba, sau thanh long và chuối.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nguyên nhân chính khiến sầu riêng "quay đầu" là do siết chặt kiểm định từ phía Trung Quốc. Cụ thể, tất cả lô hàng sầu riêng phải có giấy kiểm nghiệm Cadimi và chất vàng O – hai chỉ tiêu được Trung Quốc kiểm soát nghiêm ngặt kể từ năm 2024. Nếu không đạt yêu cầu, hàng sẽ bị trả về hoặc tiêu hủy, khiến rủi ro với doanh nghiệp tăng vọt.
Tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu, cộng với kiểm tra kéo dài 7-10 ngày khiến doanh nghiệp xuất khẩu "ngại rủi ro". Nhiều doanh nghiệp lớn đến nay vẫn chưa nối lại xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, dù đang trong giai đoạn chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng hàng hóa.
![]() |
Từ ‘trái vàng’ tỷ đô đến ‘nỗi sầu’ nội địa: Sầu riêng đang trượt dốc đến đâu? |
Cũng chính vì doanh nghiệp “dè dặt ăn hàng”, giá sầu riêng trong nước lao dốc không phanh. Trên các nhóm chợ online, sầu riêng loại thùng 10kg đang được bán chỉ với giá 540.000 đồng – mức giá dưới cả giá thành, chỉ nhằm thu hồi vốn. Tại nhiều vùng trồng, thương lái thu mua cầm chừng, lượng mua giảm chỉ còn 1/10 so với cùng kỳ năm 2024.
Thị trường sầu riêng ngày 22/4 dù đã nhích tăng một vài giá so với mấy ngày trước. Tuy nhiên, vẫn đang đứng ở mức thấp so với năm ngoái khiến người trồng lo lắng, nhất là khi vụ thu hoạch đang đến gần. Hiện giá sầu riêng Ri6 tại Đồng bằng sông Cửu Long dao động từ 25.000 – 70.000 đồng/kg, tùy loại. Sầu riêng Thái và Black Thorn giữ mức 40.000 – 125.000 đồng/kg, vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2024. Tình hình tương tự cũng ghi nhận ở Đông Nam Bộ.
Một trong những "điểm nghẽn" lớn hiện nay là thiếu phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc kiểm nghiệm không được thực hiện thường xuyên, minh bạch, gây chậm trễ cho các lô hàng xuất khẩu. Đặc biệt, các tỉnh Tây Nguyên – vùng trồng có lợi thế cạnh tranh do mùa vụ trễ hơn so với Thái Lan, Malaysia – hiện vẫn chưa có đơn vị kiểm tra cadimi và vàng O.
Hiện cả nước có khoảng 150.000 – 170.000 ha trồng sầu riêng, sản lượng ước tính hơn 1,2 triệu tấn. Trong đó, diện tích được cấp mã số vùng trồng chỉ khoảng 20% – chưa tương xứng với tiềm năng xuất khẩu. Từ tháng 9/2023 đến nay, các hồ sơ giới thiệu vùng trồng mới của Việt Nam liên tục bị Trung Quốc từ chối, trong khi nhiều mã số đã cấp bị thu hồi do không đáp ứng yêu cầu về dư lượng kim loại nặng.
Trước tình hình này, ngày 19/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành văn bản chỉ đạo hỗ trợ kiểm soát chất lượng sầu riêng phục vụ xuất khẩu tại tỉnh Lâm Đồng. Bộ sẽ cử các trung tâm phân tích trực thuộc phối hợp lấy mẫu, kiểm nghiệm, đồng thời nghiên cứu thành lập chi nhánh tại địa phương theo cơ chế xã hội hóa.
Đến nay, tổng cộng đã có 49 phòng kiểm nghiệm được chỉ định, trong đó 15 đơn vị kiểm nghiệm vàng O, 33 đơn vị kiểm nghiệm Cadimi trong nông sản. Danh sách này được thông báo rộng rãi tới các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở bao gói.
Trong bối cảnh xuất khẩu chững lại, một số hợp tác xã như HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch (Đắk Lắk) đang chuyển hướng đẩy mạnh cấp đông sầu riêng, đưa sản phẩm vào hệ thống bán cho khách du lịch nội địa. Theo đại diện HTX Dịch vụ nông nghiệp sạch (Đắk Lắk), thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa, nhưng Việt Nam cần khẩn trương minh bạch thông tin, cải thiện năng lực kiểm nghiệm để tránh nguy cơ “chết trên sân nhà”.
Từng là “trái vàng” mang lại hàng tỷ USD cho ngành nông nghiệp, nhưng sầu riêng Việt Nam đang đứng trước nguy cơ hụt hơi vì các rào cản kỹ thuật. Nếu không sớm tháo gỡ nút thắt về kiểm định, truy xuất nguồn gốc và vùng trồng, mục tiêu xuất khẩu 3,5 – 4 tỷ USD năm 2025 có thể trở thành một bài toán khó. Khi đó, “sầu riêng” sẽ không còn là niềm tự hào, mà trở thành nỗi “sầu chung” của cả ngành.