Tăng lương cơ sở khiến ngân sách ‘hụt hơi’
Đối với khối công chức, tiền lương tính theo hệ số nhân với lương cơ sở, nên nếu lương cơ bản tăng, đồng nghĩa với thu nhập tăng. Phần chi lương tăng thêm sẽ do ngân sách nhà nước cấp, do đó, tăng thêm gánh nặng cho ngân sách.
Theo Nghị định 72/2018/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2018, mức lương cơ sở áp dụng là 1,39 triệu đồng/tháng. Mức lương cơ sở được điều chỉnh qua các năm như sau:
Trong 14 năm, từ năm 2004 đến năm 2018, lương cơ sở được điều chỉnh tăng 379%.
Về lý thuyết, mức lương cơ sở được điều chỉnh trên cơ sở khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, thực tế, với tỷ trọng lớn, tăng cao, chi thường xuyên (chủ yếu là chi lương) lại trở thành nguyên nhân chính khiến tình hình ngân sách trở nên căng thẳng.
Theo Bộ Tài chính, từ năm 2006 đến năm 2010, tổng chi ngân sách nhà nước bình quân ở mức 29,8% GDP, tăng trên 20%/năm, quy mô chi ngân sách năm 2010 cao gấp 2,5 lần so với năm 2005. Cơ cấu chi bắt đầu dịch chuyển từ chi đầu tư phát triển sang chi thường xuyên. Bình quân cả giai đoạn trên, chi đầu tư phát triển chiếm 28,8% tổng chi NSNN, giảm so với mức bình quân 30,8% giai đoạn 2001-2005. Tỷ trọng chi thường xuyên có xu hướng tăng, từ mức 52,5% tổng chi NSNN năm 2006 lên 58% năm 2010.
Từ năm 2011 đến năm 2015, chi đầu tư bình quân khoảng 23,6%. Trong khi đó, chi thường xuyên bình quân chiếm khoảng 63% tổng chi NSNN.
Năm 2016, chi thường xuyên chiếm khoảng 61,7% tổng chi ngân sách (chi đầu tư chiếm khoảng 24%). Năm 2017, chi thường xuyên ước thực hiện cả năm là 907,89 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6 nghìn tỷ đồng (1,3%) so với dự toán.
Năm 2018, dự toán chi thường xuyên (bao gồm cả chi tạo nguồn cải cách tiền lương và tinh giản biên chế) là 976,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,1% tổng chi NSNN, thấp hơn dự toán năm 2017 (64,9%).
Trong cơ cấu chi thường xuyên, bình quân chi lương tăng với tốc độ 11,7% mỗi năm (do tăng lương và tăng biên chế). Trong 10 năm, từ năm 2004 đến năm 2015, số chi quản lý hành chính cho các cơ quan trung ương đã tăng hơn 12 lần, từ 3.000 tỷ đồng lên 37.395 tỷ đồng.
Giai đoạn 2001-2005, tốc độ tăng khoản chi cho lương hưu và đảm bảo xã hội là 11,1% mỗi năm. Tới giai đoạn 2010-2015, tốc độ chi cho khoản này tăng lên tới gần 18% mỗi năm (cùng giai đoạn, chi cho khoa học công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,9% trong tổng chi thường xuyên).
Mặc dù vậy, theo lộ trình cải cách tiền lương của Chính phủ, từ năm 2018 đến 2020, nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương cơ sở. Từ năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp…
Tăng lương tối thiểu, tiền từ khối doanh nghiệp chảy sang túi nhà nước
Đối với khối lao động doanh nghiệp, tăng lương tối thiểu cơ bản không tác động đến thu nhập vì chủ lao động và người lao động đã có mức lương thoả thuận theo hợp đồng. Thông thường, mức lương trong hợp đồng đã cao hơn mức lương cơ bản, nên doanh nghiệp không phải điều chỉnh hợp đồng sau mỗi lần tăng lương tối thiểu của Chính phủ.
Nhưng do lương tối thiểu là căn cứ để Nhà nước trích thu các khoản bảo hiểm, phí công đoàn, tính tiền làm thêm giờ… từ doanh nghiệp và người lao động, nên các khoản đóng góp từ doanh nghiệp và người lao động sẽ tăng lên.
Thông thường, các doanh nghiệp không đóng bảo hiểm cho cán bộ theo thu nhập, mức lương đóng bảo hiểm xã hội sẽ ghi thấp hơn, tương ứng với ngach bậc tối thiểu của ngành nghề đó do Bộ LĐTBXH quy định.
Khi lương tối thiểu tăng, thì mức lương đóng bảo hiểm xã hội tăng, doanh nghiệp và người lao động phải đóng thêm phần trăm tăng thêm. Để người lao động không bị sụt lương sau mỗi lần tăng lương tối thiểu (để giữ chân người lao động) thì doanh nghiệp phải bù phần tăng thêm của mình và của người lao động. Dù phần doanh nghiệp phải đóng được tính vào chi phí doanh nghiệp để trừ đi khi tính lợi nhuận nộp thuế, mỗi lần điều chỉnh tăng lương làm tăng chi phí của doanh nghiệp từ vài tỷ đồng tới vài trăm tỷ đồng mỗi năm. Việc tăng lương tối thiểu liên tục làm tăng gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động (như dệt may, da giày, điện tử, chế biến thủy sản…)
Trong khi chi phí doanh nghiệp tăng thêm, ngược lại, Quỹ Bảo hiểm xã hội – một quỹ an sinh do người dân đóng góp, nhà nước quản lý, và thường cho Chính phủ vay tiền – lại tăng thêm tổng thu. Thực tế, mức đóng bảo hiểm tối thiểu qua các năm không chỉ tăng theo lương tối thiểu mà còn theo mức tăng của tỷ lệ trích đóng bảo hiểm. Từ năm 2007 đến 2018, tỷ lệ đóng bảo hiểm đã tăng 9 điểm phần trăm, từ 23% lên 32% mức lương tối thiểu vùng, trong đó, tỷ lệ đóng bảo hiểm của DN tăng từ 17% lên 21,5%, của NLĐ tăng từ 6% lên 10,5%. Mức đóng này đang cao nhất trong khu vực ASEAN.
Ngoài ra, theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tại Việt Nam có khoảng 50% lao động không có hợp đồng lao động, làm việc trong khu vực phi chính thức. Về lý thuyết, những người lao động trong khu vực phi chính thức sẽ không bị tác động bởi chính sách tính lương của nhà nước. Mặc dù khong nhận được lợi ích gì từ việc tăng lương cơ sở/tăng lương tối thiểu nhưng đây lại là đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao sau mỗi lần tăng lương.
Tựu chung lại, điều chỉnh tăng lương tối thiểu sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Nhưng tiền đó “chảy” vào Quỹ Bảo hiểm xã hội và quỹ công đoàn chứ không phải cho người lao động.
Lương cơ sở liên tục được điều chỉnh tăng qua các năm cũng khiến ngân sách căng thẳng khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang nhân theo hệ số. Dư thừa biên chế càng khiến ngân sách thâm hụt, mà thực chất là làm tăng gánh nặng thuế, phí lên người dân.
Trong khi đó, mức lương thực tế của người lao động không đổi, thậm chí giảm do giá cả tăng, giảm việc làm.
Vĩnh Long