Nhưng rất ít người biết đến một “nghệ thuật” phá rừng kiểu mới, có lẽ mới có từ thời “mở cửa” và hiện đang phát triển rầm rộ, có sức tàn phá rừng ghê gớm không kém nạn phá rừng do lâm tặc gây ra. Đó là nạn biến cây cổ thụ ở rừng thành cây cổ thụ ở vườn nhà “đại gia” và những nhà hàng hay những nơi vui chơi giải trí…
Theo điều tra của nhiều nhà báo, thì tại các tỉnh có rừng, muốn hô biến một cây cổ thụ ở rừng sâu thành cây cảnh rồi vận chuyển qua hàng trăm cây số ra tận Hà Nội, vào thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác… phải lần lượt qua các bước : thứ nhất là bứng nguyên cả gốc cây đó từ rừng về nhà, thường là các nhà dân ở ven rừng, đào một cái hố chôn cây xuống đó. Không ít những tay trùm buôn cây cổ thụ cảnh có hẳn những “bãi tập kết” loại cây này, nhưng nhờ có “quan hệ tốt” với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, nên vẫn ung dung tồn tại. Bước hai, “nhờ” kiểm lâm địa bàn, chính quyền hay công an địa phương ký tên, đóng dấu xác nhận rằng cây đó đã có từ lâu ở “vườn nhà”. Thế là cây rừng đã được hợp thức, trở thành “cây của nhà”. Tất nhiên “nhờ” ông nào là mất tiền cho ông ấy. Thậm chí có cả đội ngũ “cò” được thuê làm trọn gói những loại giấy tờ trên. Bước ba, khi có người mua cây thì “bứng” cây lên xe, chở đến giao cây. Dọc đường, bị chặn ở chỗ nào thì “làm luật” ở chỗ đó. Giá mỗi cây cảnh cổ thụ, tùy độ tuổi và độ quý hiếm, thế cây, có thể từ một vài trăm triệu đến cả tỷ bạc.
Nhu cầu cây cổ thụ cảnh càng ngày càng cao. Mỗi khách sạn bốn, năm sao, mỗi nhà hàng sang trọng, mỗi khu vui chơi giải trí, mỗi công viên, mỗi sân golf…nơi nào cũng cần có những cây cảnh cổ thụ. Bới chính những loại cây này mới làm nên vẻ đẹp của những khu đó. Còn nếu trồng cây mới, thì phải mất hàng chục năm. Ngoài những khu vực đó ra, rất nhiều đại gia khi xây xong biệt phủ, cũng cần có những cây cảnh cổ thụ để trang trí…
Và thế là hàng ngàn cây cổ thụ gồm đủ các chủng loại, đủ kích cỡ to nhỏ, đang ngự tại các bờ sông bờ suối, những thung lũng trong rừng già sâu thẳm, bỗng dưng bị nhổ bật khỏi mặt đất để lên đường “xuống phố”, mang lại những nguồn lợi khổng lồ cho những tay trùm buôn cây. Những khu rừng bị khoét rỗng ruột một cách “hợp pháp”.
Không thể chần chừ được nữa. Cần có ngay những văn bản quy phạm pháp luật để bịt kín những kẽ hở này lại, ngăn chặn nạn “chẩy máu” cây cổ thụ khỏi rừng./.
Bút Thép