Trò chuyện với nghệ sỹ Tuấn Hùng, chúng tôi không khỏi bất ngờ với tư duy hiện đại, văn minh cùng những triết lý sâu sắc về cách tiếp cận cuộc sống của ông. Gần đây, khi gặp một người bạn doanh nhân – người cứ vài tháng lại đi một đất nước nào đó, đến một người thầy nào đó để tìm kiếm sự thanh tịnh, ông Hùng tự đặt ra câu hỏi: “Liệu những người dạy cho chúng ta sự thanh tịnh thì họ đã biết thanh tịnh ở những nơi hỗn độn hay chưa?”

Theo quan điểm của ông, tìm một nơi hoang vắng thanh tịnh rất dễ nhưng để thanh tịnh ở những nơi hỗn độn mới là điều cần thiết. Bởi khi quay trở lại cuộc sống bình thường, nhất là với doanh nhân thì sẽ phải đối diện với sự hỗn độn hằng ngày. 

“Phương pháp sống của tôi rất đơn giản, tôi đặt 99.9% nền tảng triết học của trường phái Khắc Kỷ vào cuộc sống, tức là thấy được trật tự của mớ hỗn độn, thì đó mới là thanh tịnh”, ông Hùng chia sẻ. 

Ông nói thêm: “Doanh nhân Việt Nam có thói quen bỏ ra 5-10 ngàn đô để tham gia khóa tu thiền, nhưng chưa chắc đã có thể thanh tịnh ngay trong cuộc sống hằng ngày. Mình muốn học làm bác sĩ, mình phải có thầy là bác sĩ, có bằng cấp và có nhiều năm kinh nghiệm. Người có thể giúp chúng ta giữ được sự thanh tịnh ở trong mớ hỗn độn hằng ngày thì người đó mới là người có đầy đủ tố chất để dạy mình thanh tịnh”. 

Trong một cuốn sách mà nghệ sỹ Tuấn Hùng đang viết, có một chủ đề rất hay nói về sức mạnh của sự quan tâm. Ông tâm niệm, muốn thanh tịnh thì cần phải biết quan tâm, nếu một người làm kinh doanh không quan tâm đến đối tác, không quan tâm đến khách hàng thì làm sao có thể thanh tịnh được. Thanh tịnh không phải là cái việc mình cần làm, nhưng là một trạng thái tâm lý.

Nói thêm về chủ đề này, ông Hùng chia sẻ: “Để đưa cơ thể vào trạng thái tâm lý thanh tịnh, chúng ta cần làm việc mỗi ngày. Và điều đó sẽ phải được lập trình làm sao để in vào hệ thần kinh vô thức của mình, lúc đó mới trở thành thói quen. Cơ thể mình có 2 hệ thần kinh, hệ thần kinh ý thức và hệ thần kinh vô thức. Ví dụ những thói quen không tốt cho cơ thể như hút thuốc, để nghiện thuốc không phải chỉ qua một lần hút. Khi chúng ta hút thuốc quá nhiều, việc lặp đi lặp lại nhiều năm mới in vào hệ thần kinh vô thức, lúc này chúng ta muốn bỏ cũng không được. Sự thanh tịnh cũng vậy, chúng ta làm điều gì đó in vào hệ thần kinh vô thức thì chúng ta phải đi gắp nó ra khỏi hệ thần kinh vô thức. Vậy bằng cách nào. Mỗi một thao tác chúng ta lặp đi lặp lại 12 lần thì mình sẽ quen thao tác đó, lặp đi lặp lại trong vòng 24 giờ thì sẽ bắt đầu in vào hệ thần kinh vô thức, lặp đi lặp lại đúng 90 ngày thì sẽ thành nếp sống của mình”.

Thanh tịnh không chỉ là sự yên bình bên ngoài mà còn là trạng thái tâm hồn, nơi mà con người cảm nhận được sự đồng nhất và hài hòa trong tất cả mọi thứ xung quanh. Đó là lúc mà tâm trí được giải phóng khỏi sự bận rộn và lo âu, tìm thấy sự yên bình giữa cuộc sống hỗn loạn. Trong mớ hỗn độn của cuộc sống, trật tự chính là chìa khóa mở cánh cửa của thanh tịnh. Đôi khi, việc tạo ra một trật tự nhỏ trong cuộc sống hàng ngày có thể mang lại những lợi ích không ngờ. 

Với nghệ sỹ Tuấn Hùng, ông thường tạo ra cho mình một trật tự riêng, bằng cách tự hình thành nên nghi thức. Ông bộc bạch: “Tôi có thói quen mở mắt ra lúc 5 giờ sáng, việc đầu tiên là tôi sẽ pha 1 bình trà. Bình trà đó như một công cụ neo mình lại cuộc sống, giúp mình thanh tịnh lại và giúp mình cung cấp lại năng lượng”. Ông cho rằng, những người có nhiều sự hỗn độn trong cuộc sống, nhất là người làm kinh doanh thì việc mỗi ngày mở mắt ra tạo lập một nghi thức riêng như vậy là điều vô cùng cần thiết.

Người thành công thường có nghi thức riêng của mình. Với nghệ sỹ Tuấn Hùng, thói quen hằng ngày của ông là xếp chăn gối mỗi sáng thức dậy, một điều mà doanh nhân ít ai làm. Thế nhưng việc xếp chăn gối giúp ông bước vào tư duy hoàn tất một điều gì đó đầu tiên trong ngày . 

Cơ thể mỗi người đều hình thành hai loại năng lượng là năng lượng thể xác và năng lượng tư duy. Có những ngày, cơ thể mỗi người sẽ rất khỏe, không mệt mỏi gì nhưng lại chẳng muốn làm gì, điều đó được ông Hùng lý giải bởi bản thân mỗi cá nhân đang thiếu đi năng lượng tư duy. Và cũng có nhiều ngày, bản thân rất mệt mỏi nhưng lại muốn xông ra ngoài làm việc, đó là bởi năng lượng tư duy cao đã kéo lại cơ thể của mình. “Những thứ đó, mình phải đưa trạng thái từ hệ thần kinh ý thức sang hệ thần kinh vô thức. Mình phải cố gắng làm thế nào mà cứ 5h30 hay 6h mình thức thì lập tức đầu óc mình đi vào trạng thái nghi thức của sự thanh tịnh để từ đó có thẻ đối mặt với một ngày đầy hỗn độn. Đó là lý do chúng ta phải tìm sự thanh tịnh ở trong những nơi hỗn độn, bởi chính những nơi đó mới cần sự thanh tịnh”, ông Hùng chia sẻ.

Kể về những trải nghiệm khi được tiếp xúc với những tỷ phú Mỹ, nghệ sỹ Tuấn Hùng chia sẻ với chúng tôi, ông nhận thấy thông thường một doanh nhân thành công sẽ làm chủ được hai thứ: Thứ nhất là tháp Maslow về nhu cầu con người, thứ hai là dám để người xung quanh vận hành. Đa số những người thành công rất ngại để những người xung quanh vận hành bởi vì họ không tin tưởng, thế nhưng khi tiếp xúc các tỷ phủ ông thấy được rằng họ dám đưa người khác vận hành trong sự kiểm soát của họ. Theo ông, tháp Maslow là cái quan trọng nhất. Tháp nhu cầu Maslow trong kinh doanh là một trong những ứng dụng hữu ích, tạo điều kiện phát triển và đạt được mục tiêu của doanh nghiệp. Thông thường, việc ứng dụng tháp nhu cầu Maslow trong bán hàng giúp doanh nghiệp xác định chính xác tệp khách hàng tiềm năng và phát triển quy trình xây dựng KPI hiệu quả. Chính vì vậy, các doanh nghiệp hiện nay đang ứng dụng rất tốt mô hình tháp Maslow vào quy trình kinh doanh của mình. Từ đó giúp doanh nghiệp hiểu hơn về khách hàng và có các chiến lược thúc đẩy doanh thu tối ưu nhất.

Ông Hùng chia sẻ thêm: “Khi tôi đi đào tạo về kỹ năng mềm và dạy về tháp Maslow, tôi có đưa ra thêm một sơ đồ hình vuông chỉ ra những điều quan trọng khẩn cấp, những điều quan trọng nhưng không khẩn cấp, những điều không quan trọng nhưng khẩn cấp và những điều không quan trọng cũng không khẩn cấp. Tôi thường được đặt câu hỏi là vậy những cái đó là bao gồm việc gì. Tôi sẽ liệt kê ra: Những việc không cần thiết và không khẩn cấp là những hành động như đi chơi, đi nhậu; những việc không quan trọng mà khẩn cấp, có thể ví dụ rất đơn giản như việc tắt điện thoại đi trong mỗi cuộc họp; còn những điều quan trọng nhưng không khẩn cấp có thể kể đến là việc lên kế hoạch; còn chuyện quan trọng mà khẩn cấp là những deadline cần hoàn thành. Chúng ta có thói quen không làm những việc quan trọng khẩn cấp hằng ngày cho nên cuối ngày chúng ta sẽ phải đối đầu với nó, và chúng ta sẽ tự tạo ra áp lực cho mình. Theo tôi, những người thành công họ làm rất tốt tháp Maslow. Đôi khi bạn làm chủ được tháp Maslow đó và sơ đồ hình việc như tôi đề cập, là bạn đã tìm được thanh tịnh, đã sắp xếp được trật tự trong mớ hỗn độn”.

Người thành công như ông Hùng chia sẻ, phải là người có được 3 cái cột là sức khỏe, âm nhạc và dinh dưỡng mới có thể xây dựng được 1 ngôi nhà thành công.

Đầu tiên nói đến âm nhạc. Âm nhạc được xem như món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của con người. Ngay từ trong bụng mẹ, khoa học đã chứng minh âm nhạc có thể giúp ích cho não bộ của trẻ. Đối với người lớn, âm nhạc cũng có thể neo chúng ta lại, giúp chúng ta sắp xếp trật tự lại trong mớ hỗn độn. Ông Hùng quan niệm: “Trong cuộc sống hằng ngày cần có âm nhạc, không cần biết là âm nhạc thể loại gì, miễn sao có thể làm cho chúng ta thoải mái. Bạn có thể thích nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc Bằng Kiều,…  điều đó đều không quan trọng, miễn sao có thể đưa trạng thái tư duy bản thân đi vào trật tự. Khi mình nghe một bản nhạc, đầu mình lúc đó sẽ tập trung vào bài nhạc đó, tự khắc từng tế bào trong cơ thể sẽ lắng đọng lại”. 

“Có những người chạy theo âm nhạc để biến nó thành phương thức kiếm tiền và không phải ai cũng làm được. Khi chúng ta không thể biến âm nhạc thành phương thức kiếm tiền được thì chúng ta phải biến nó thành nơi để neo chúng ta lại, để giúp chúng ta có sức mạnh làm những thứ khác”, ông Hùng nhận định.

Trong cuộc sống, âm nhạc như một nguồn cảm hứng giúp con người làm nhiều thứ khác. Âm nhạc giúp chúng ta trở về chính con người của mình. Âm nhạc sẽ đánh thức những cảm xúc mà con người đang gặp phải, giải tỏa stress. Âm nhạc giúp mỗi chúng ta trở về không gian riêng của mình, giúp bản thân sống lại sau cả một ngày dài phải mặc lên những chiếc “áo giáp” để chống trọi với cả mớ hỗn độn. “Một bản nhạc hay là một bản nhạc có thể giúp chúng ta nâng cao thêm giá trị chân - thiện - mỹ vốn có của mỗi con người”, ông Hùng chia sẻ. 

Nói về vấn đề dinh dưỡng, nghệ sỹ Tuấn Hùng đã bàn thêm những kiến thức về chế độ nạp và đào thải vận hành trong cuộc sống mỗi con người. Ông nói: “Từ nhỏ chúng ta đã được giáo dục ở chế độ nạp, chứ không phải ở chế độ đào thải. Ông bà, bố mẹ dạy chúng ta là 6 giờ phải đi ăn sáng, đến 9 giờ là chỉ ăn nhẹ gì đó rồi đến 11 giờ phải ăn cơm trưa , đến 15-16 giờ lại ăn đệm gì đó và 19 giờ là phải ăn cơm tối, chúng ta thường chỉ chú ý đến việc nạp. Cho đến khi chúng ta có vấn đề về tiêu hóa thì mới phải đi gặp bác sĩ. Bác sĩ cho chúng ta thuốc để chúng ta đào thải. Cơ thể chúng ta có 2 chu kỳ, chu kỳ nạp và chu kỳ đào thải. Chúng ta chỉ thường được giáo dục về việc nạp, hoặc nếu muốn đào thải thì dùng detox. Tôi cho rằng đấy không phải là đào thải tự nhiên. Cơ thể chúng ta, sau 12 giờ đêm sẽ không làm được gì hết, nếu chúng ta đưa cơ thể chúng ta vào đúng chế độ đào thải thì tự khắc sau 2-3 tuần não bộ chúng ta sẽ tỉnh hơn. Tự khắc chúng ta sẽ không bị mất cân bằng giữa năng lượng tư duy và năng lượng thể xác, từ đấy chúng ta sẽ điều hòa được cân nặng mà không cần phải nạp quá nhiều”.

Nhìn nhận về tầm quan trọng của sức khỏe đối với mỗi một người doanh nhân, ông Hùng cho rằng, sức khỏe không chỉ là một khía cạnh quan trọng mà còn là nền tảng cơ bản đối với sự thành công cá nhân và sự phát triển của doanh nghiệp. Sức khỏe tốt giúp doanh nhân duy trì một nguồn năng lượng ổn định, giúp họ đối mặt với những thách thức khó khăn và áp lực công việc hàng ngày. Một cơ thể khoẻ mạnh sẽ giúp doanh nhân giữ vững sự tập trung và chăm chỉ. Nhìn lại thực tế hiện nay, ông Hùng nhận định, việc đóng góp cho hệ sinh thái doanh nghiệp, giúp cho nhân viên của mình chỉ là một phần, phần sâu hơn là mỗi một người doanh nhân phải biết mình đủ khỏe chưa, đủ tích cực chưa, đủ quan tâm chưa. Vì nếu người doanh nhân đó gặp vấn đề thì những người xung quanh cũng sẽ ảnh hưởng theo. 

Thông thường, doanh nhân sẽ phải đối mặt với áp lực và căng thẳng từ công việc. Sức khỏe tốt không chỉ giúp họ chịu đựng được những thời kỳ khó khăn mà còn tạo ra sự kiên nhẫn và sự vững vàng trong quyết định. Chính vì lẽ đó, mà những người thành công họ thường đánh giá cao tầm quan trọng của sức khỏe, bởi có sức khỏe cũng chính là có được sự thanh tịnh. Chia sẻ thêm về câu chuyện sức khỏe và cách vận hành sức khỏe của doanh nhân để áp dụng vào cuộc sống, ông Hùng tâm sự: “Tôi may mắn đã từng được tiếp cận với một vài tỷ phú bên Mỹ, nghi thức của họ đơn giản lắm. Họ thường có thói quen ngủ sớm và dậy từ 4 rưỡi sáng. Người ta thường nói dậy sớm để thành công, và bản thân tôi thấy được, người dậy sớm chưa chắc có thể thành công, nhưng người thành công thì thường dậy sớm. Nếu bạn dậy sớm nhưng bạn không có gì để làm thì cũng không thể thành công được. Tôi thường nói với bạn bè tôi là, không có gì làm thì cũng không nên dậy sớm làm gì cả, vì ngủ thêm còn tốt cho sức khỏe. Vậy dậy sớm để thành công là như thế nào? Ví dụ, thông thường bạn làm một công việc từ 9 đến 17h chiều, những công việc đó gọi là công việc bán thời gian. Mình muốn đột phá được cuộc sống thì mình phải cố gắng thức dậy sớm, hy sinh 3 tiếng không ngủ để đọc sách thêm, để học thêm 1 kỹ năng nào đó. 3 tiếng đó chúng ta dậy sớm không chỉ để uống trà và thanh tịnh không mà còn là thời gian để chúng ta học cách trưởng thành hơn, nhìn lại cuộc sống 1 cách cặn kẽ hơn, để từ đó chúng ta đặt ra con đường đi một cách đúng đắn nhất trong xuyên suốt ngày làm việc. Thức sớm chưa chắc đã thành công, mà thức sớm là phải có kế hoạch thì mới có thể thành công. Việc nghi thức mà người thành công hay làm là thức dậy lúc 4-5 giờ sáng, họ thường làm những gì tốt cho họ, điều này tạo cho họ năng lượng để cả ngày làm việc, lúc này thức sớm mới trở nên có giá trị”. 

Hiện nay, đa phần những người thành công đã có đủ 3 thứ đó, nhưng họ lại không thể sâu chuỗi lại, nhân bản lại và đóng gói được. Với ông Hùng, những nhà lãnh đạo thật sự là những người có thể nhân bản được những điều tốt để truyền tải lại cho nhân viên của mình. 

Ông Hùng chia sẻ: “Việt Nam thường lẫn lộn giữa người hùng và lãnh đạo. Thực chất Việt Nam có rất nhiều người hùng, nhưng nhà lãnh đạo thì chưa chắc đã có nhiều. Người hùng là người luôn muốn đạt được kết quả, càng nhiều thử thách càng muốn vượt qua, nhưng họ lại làm những người xung quanh bị ngộp, bị stress ở nơi làm việc. Còn người lãnh đạo thì ngược lại, lãnh đạo là họ từng là người hùng, đạt được nhiều kết quả và họ quay trở lại vị trí bắt đầu để giúp mọi người xung quanh đạt được kết quả tốt giống họ. Còn người hùng thành công nhờ có những nghi thức như tôi vừa nói nhưng họ chỉ là vô tình thôi. Trong khi đó muốn nhân bản được thì phải trở thành lãnh đạo. Lúc ấy anh tự khắc biến cái riêng của bản thân thành cái chung của mọi người, anh phải biết được mọi người theo anh đang thiếu sót ở điểm gì và giúp đỡ họ”.

Có những câu nói mà nghệ sỹ Tuấn Hùng rất tâm đắc như: "Người thành công là người giúp người khác thành công" hay "Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau". Đó chính là lý do giúp ông nhận thấy tầm quan trọng của việc nhân bản những điều tốt đối với một người lãnh đạo.

Cho đi chính là nhận lại, ông Hùng hy vọng những ai đang có kế hoạch trở thành nhà lãnh đạo có thể hiểu điều này. Thành tựu của người lãnh đạo giỏi chính là sự công nhận từ những người khác. Nhà lãnh đạo giỏi nên là người tiên phong học hỏi và tìm hiểu những kiến thức mới nhất, rồi từ đó truyền lại cho những thế hệ tiếp nối. Ông cho rằng, người lãnh đạo thành công là người nhân bản được những nhà lãnh đạo giống như mình.