Để tăng cường xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu trên địa bàn, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Công Thương tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, khuyến khích mở rộng mạng lưới kinh doanh, phát triển các tổ chức liên kết lưu thông hàng hóa, hình thành các kênh lưu thông hàng hóa ổn định từ sản xuất đến tiêu dùng. Ưu tiên hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trong đầu tư đổi mới thiết bị, chuyển giao công nghệ, xây dựng thương hiệu từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp.
Nghệ An tổ chức Hội nghị đối thoại, bàn giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá năm 2024. |
Đồng thời, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ kết nối cung cầu hàng hóa; thường xuyên tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ triển lãm, các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, hỗ trợ đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị... Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi để các dự án sản xuất công nghiệp hoạt động, đảm bảo cung ứng ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, duy trì và tăng cường các hoạt động kinh tế đối ngoại nhằm đa dạng hóa thị trường và các mặt hàng xuất khẩu; hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cúng với đó, xây dựng kế hoạch và kinh phí để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại có tính liên vùng hàng năm tổ chức trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Khẩn trương hoàn thành phê duyệt Đề án phát triển tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm logistics của vùng Bắc Trung bộ để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp có năng lực kinh nghiệm đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, dịch vụ logistics có quy mô trên địa bàn tỉnh theo phương châm hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Sản phẩm của tỉnh Nghệ An trưng bày tại Hội nghị kết nối cung - cầu tại tỉnh Quảng Ninh. |
Sở NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2021 -2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021 -2030... Chỉ đạo triển khai chuyển đổi cơ cấu vùng nông nghiệp, cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, sinh thái gắn với hình thành các cụm liên kết ngành, mạng lưới sản xuất và hình thành các chuỗi giá trị dựa trên lợi thế so sánh cho từng địa bàn, từng vùng. Đẩy mạnh hoạt động thâm canh, dồn điền đổi thửa để phát triển các cánh đồng lớn; đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp phục vụ sản xuất; phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm có chất lượng.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh tiếp tục phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) lồng ghép các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại theo chương trình hợp tác với các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các hiệp hội doanh nghiệp, đối tác, tổ chức liên quan để nhằm tăng cường đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch và tổ chức có hiệu quả các gian hàng triển lãm sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Nghệ An tại các diễn đàn, hội chợ ở các tỉnh và các hội chợ thương mại quốc tế để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại liên kết quy mô vùng tại Nghệ An nhằm tăng cường hỗ trợ và kết nối các chuỗi cung ứng trong nước, thúc đẩy sự hội nhập...
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá ở cảng Cửa Lò (Nghệ An). |
Sở Tài chính cân đối ngân sách bố trí kinh phí kịp thời, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh phù hợp với các quy định của Luật Ngân sách. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị có liên quan thúc đẩy chuyển đổi số, giới thiệu các nền tảng số, giải pháp số trong các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh. Chỉ đạo huyện, UBND cấp xã tổ chức các hoạt động tuyên truyền thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng về kiến thức công nghệ mới và phương thức kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn.
UBND các huyện, thị, thành tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp phát huy tính chủ động, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp. Hỗ trợ, vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao trình độ quản lý chất lượng sản phẩm, từng bước đáp ứng yêu cầu của các thị trường quốc tế và tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết.