Được tham gia bầu cử là quyền công dân thiêng liêng.

Trước năm 1945, khi đất nước còn chìm trong chế độ phong kiến, rồi ách ngoại xâm của thực dân Pháp, phát-xít Nhật, không có người dân Việt Nam nào có quyền được bầu chọn lãnh đạo Nhà nước. Quyền làm chủ chính mình còn không có, huống hồ là quyền làm chủ đất nước mình. Trong bài thơ Đất Nước, Nguyễn Đình Thi đã viết:

"... Bát cơm chan đầy nước mắt

Bay còn giằng khỏi miệng ta

Thằng giặc Tây, thằng chúa đất

Đứa đè cổ, đứa lột da..."

Đất Nước - Nguyễn Đình Thi

Sau cuộc Cách mạng tháng Tám với nỗi căm hờn dồn nén hàng trăm năm và ý chí tự cường của cả một dân tộc, bằng máu xương, sức vóc của hàng triệu đồng bào và với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân ra đời. Cũng từ đó, người dân Việt Nam mới có quyền hiến định được đi bầu cử tự do, dân chủ.

Ngày bầu cử 23/5 – Lá phiếu và quyền lực Nhân dân - Ảnh 3.

Số báo đặc biệt của Quốc hội ra ngày Tổng tuyển cử. Ảnh Tư liệu

Tuy nhiên, trong các cuộc kháng chiến trường kỳ chống ngoại xâm, thống nhất đất nước, từ năm 1945 đến 1975, quyền bầu cử tự do, dân chủ của người dân, dù vẫn được ghi nhận trong Hiến pháp, nhưng không được thực hiện trọn vẹn trên thực tế bởi bom đạn và sự chia cắt. Trong gần 30 năm kháng chiến trường kỳ đó, hàng triệu người dân Việt Nam, già trẻ, gái trai đã lại phải hy sinh biết bao xương máu để đất nước sạch bóng quân thù, non sông nối liền một dải; trao lại toàn quyền làm chủ đất nước cho Nhân dân.

Từ năm 1975 tới nay, mọi công dân Việt Nam luôn có quyền được đi bầu cử tự do và dân chủ. Trong gần 50 năm qua, dù máu xương phải đổ ít hơn so với thời chiến tranh nhưng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đều đã phải hết sức nỗ lực, cống hiến biết bao trí tuệ, công sức, vật chất mới giữ vững được nền Độc lập, Tự do, Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ như hiện nay. Không giữ được Độc lập và toàn vẹn lãnh thổ thì sẽ không còn chủ quyền, tự do, dân chủ; không còn quyền đi bầu cử của công dân.

Chính vì vậy, quyền bầu cử thật là thiêng liêng!

Ngày bầu cử 23/5 – Lá phiếu và quyền lực Nhân dân - Ảnh 4.

Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là bầu ra người đại diện, thay mặt toàn thể Nhân dân xây dựng Hiến pháp, Pháp luật, giám sát các cơ quan chính quyền và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và của các địa phương sao cho phù hợp nhất với tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, để bộ máy Nhà nước thực sự là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Bầu chọn đúng người có tâm, có đức với Tổ quốc, với Nhân dân thì đất nước phồn vinh, Nhân dân ấm no, hạnh phúc, mỗi nhà, mỗi người đều được an khang, thịnh vượng. 

Mỗi cử tri đi bỏ phiếu, không chỉ là bầu chọn người đại diện cho chính mình mà còn là chọn người đại diện cho Nhân dân cả nước (nếu là bầu Đại biểu Quốc hội), bầu người đại diện cho nhân dân cả tỉnh, thành phố, địa phương của mình (nếu là bầu cử Đại biểu HĐND các cấp).

Một đại biểu được một người bầu chọn thì sự lựa chọn đó có thể còn cảm tính, chủ quan. Nhưng một người cùng được nhiều người dân bầu chọn thì tính đúng đắn của bầu chọn cao hơn rất nhiều; khả năng chọn được đúng người có tài, có đức sẽ cao hơn.

Quyết định bầu chọn của mỗi cử tri là quyết định tương lai, vận mệnh của đất nước và của chính gia đình mình, cá nhân mình. Không ai có thể thay và không ai có quyền thay công dân để thực hiện việc bầu chọn đó.

Ngày bầu cử 23/5 – Lá phiếu và quyền lực Nhân dân - Ảnh 5.

Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển bầu cử sớm. Ảnh: TTXVN.

 

Ngày bầu cử 23/5 – Lá phiếu và quyền lực Nhân dân - Ảnh 6.

Chủ nhật - ngày 23/5/2021 sẽ là ngày hội lớn bởi hôm đó, với niềm hạnh phúc lớn lao, mọi công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên sẽ thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình bầu ra đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Ngày bầu cử 23/5 – Lá phiếu và quyền lực Nhân dân - Ảnh 7.

Ngày 23/5/2021, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức trên phạm vi cả nước, trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta, sau 35 năm, đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Dự kiến tổng số đại biểu Quốc hội khóa XV được bầu là 500 đại biểu. Số lượng đại biểu HĐND đối với từng loại đơn vị hành chính: tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; xã, phường, thị trấn căn cứ vào dân số, đặc điểm vùng miền (miền núi, vùng cao, hải đảo...) và số lượng đơn vị hành chính trực thuộc.

Khác với các địa phương khác, từ nhiệm kỳ 2021-2026, Hà Nội sẽ không tổ chức Hội đồng nhân dân phường; TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, Hội đồng nhân dân phường.

 

Ngày bầu cử 23/5 – Lá phiếu và quyền lực Nhân dân - Ảnh 9.

Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 133/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 quyết định rõ Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là Chủ nhật - ngày 23 tháng 5 năm 2021.

Trong ngày bầu cử đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định, công bố, việc bỏ phiếu sẽ được bắt đầu từ 07 giờ sáng và thực hiện liên tục cho đến 07 giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 05 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 09 giờ tối cùng ngày.

Trường hợp gần đến giờ kết thúc việc bỏ phiếu theo quy định mà vẫn còn cử tri chưa thực hiện xong việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử có trách nhiệm thông báo đến các cử tri còn ở trong khu vực phòng bỏ phiếu về việc chuẩn bị kết thúc thời gian bỏ phiếu và đề nghị cử tri khẩn trương hoàn thành việc bỏ phiếu. Tổ bầu cử thực hiện việc đóng hòm phiếu vào đúng thời gian đã quy định, không phụ thuộc vào việc cử tri đã bỏ phiếu hết hay chưa.

Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu thì Tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cáo cho Ban bầu cử, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.

Ngày bầu cử 23/5 – Lá phiếu và quyền lực Nhân dân - Ảnh 10.

Trường hợp chưa hết thời gian bỏ phiếu theo quy định mà 100% người trong danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu đã tham gia bỏ phiếu thì Tổ bầu cử cũng không được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu và không được tiến hành kiểm phiếu trước thời điểm 07 giờ tối cùng ngày. 

Do đó, về nguyên tắc, các Tổ bầu cử, thành viên các Tổ bầu cử có thể vận động, tuyên truyền để cử tri tích cực tham gia bỏ phiếu, thực hiện quyền bầu cử của mình nhưng không được thúc giục, ép buộc cử tri phải đi bỏ phiếu sớm để kết thúc sớm việc bỏ phiếu.

Địa điểm bỏ phiếu được bố trí ở những nơi công cộng (như nhà văn hóa, hội trường, trường học,...) thuận tiện cho cử tri cũng như thuận lợi cho việc bố trí các trang thiết bị phục vụ cho cuộc bầu cử. Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ở địa phương và căn cứ vào mật độ phân bố dân cư ở khu vực bỏ phiếu, Tổ bầu cử lựa chọn địa điểm bỏ phiếu (phòng bỏ phiếu) cho phù hợp, bảo đảm thuận tiện để cử tri đến bầu cử.

Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát Thẻ cử tri để thực hiện quyền bầu cử. Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú.

Hội đồng bầu cử quốc gia đã ban hành Quy trình 6 bước bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (quy trình 6Đ) như sau: 

Bước 1: Đến khu vực bỏ phiếu trong khoảng thời gian từ 07h - 19h Chủ nhật (ngày 23/5) để tham gia bầu cử.

Bước 2: Đọc bảng danh sách tiểu sử người ứng cử được niêm yết trong khu vực bỏ phiếu để tìm hiểu kỹ thông tin về các ứng cử viên.

Bước 3: Đưa thẻ cử tri để nhận phiếu bầu cử tại bàn hướng dẫn để được Tổ bầu cử hướng dẫn quy trình bỏ phiếu. Sau đó, tại bàn phát phiếu, cử tri đưa thẻ cử tri để nhận phiếu bầu cử. Cử tri được nhận 1 phiếu bầu cử ĐBQH và 3 phiếu bầu cử đại biểu HĐND các cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Bước 4: Điền phiếu đủ và đúng. Đây là bước quan trọng nhất trong quy trình 6Đ. Khi không tín nhiệm người ứng cử nào thì cử tri gạch ngang giữa cả họ và tên người ứng cử đó. Trong quá trình viết phiếu, cử tri cần lưu ý một số quy định sau:

- Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên tổ bầu cử.

- Không được khoanh tròn, gạch chéo, gạch dưới, gạch trên hàng họ và tên người ứng cử.

- Không được đánh dấu những kí tự đặc biệt trên phiếu bầu.

- Không được viết thêm, ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu.

- Không được bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu, hoặc bỏ phiếu bầu trắng.

- Nếu viết hỏng, cử tri có quyền được đổi phiếu bầu khác.

Bước 5: Đích thân bỏ phiếu vào hòm phiếu sau khi cử tri hoàn thành việc viết phiếu bầu cử.

Bước 6: Đóng dấu "Đã bỏ phiếu" do Tổ bầu cử đóng vào Thẻ cử tri.

Sau khi thực hiện đầy đủ 6 bước theo quy trình 6Đ, cử tri đã hoàn thành xong hoạt động bỏ phiếu của mình.

Ngày bầu cử 23/5 – Lá phiếu và quyền lực Nhân dân - Ảnh 13.

Về nguyên tắc, phiếu bầu cử hợp lệ là phiếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

- Phiếu theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra.

- Phiếu có đóng dấu của Tổ bầu cử.

- Phiếu bầu đủ hoặc ít hơn số lượng đại biểu đã ấn định cho đơn vị bầu cử.

- Phiếu không ghi thêm tên người khác ngoài danh sách những người ứng cử hoặc ghi thêm nội dung khác.

Những phiếu bầu cử không hợp lệ là:

- Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra.

- Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử.

- Phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử.

- Phiếu gạch xóa họ, tên của tất cả những người ứng cử; phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách những người ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác.

Đáng chú ý, cử tri không thể tự viết được phiếu bầu cử thì được nhờ người khác viết hộ, người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu cử của cử tri.

Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu bầu cử được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc.

Ngày bầu cử 23/5 – Lá phiếu và quyền lực Nhân dân - Ảnh 14.

Cuộc bầu cử lần này diễn ra trên toàn quốc nhưng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, kịch bản cho từng tỉnh, từng khu vực là khác nhau, thậm chí trong một tỉnh, điểm bầu cử này cũng khác với điểm kia. Do vậy, linh hoạt, chủ động và tuân thủ quy định 5K sẽ góp phần tạo nên sự an toàn và thành công cho Ngày bầu cử 23/5.

Thời gian qua, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, các Bộ, ngành, địa phương vừa tập trung quyết liệt cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa tích cực chuẩn bị cho công tác bầu cử. Các cơ quan liên quan đã chủ động xây dựng phương án phòng chống dịch tại các điểm bầu cử. 

Tất cả để Ngày bầu cử 23/5/2021 diễn ra an toàn, thành công, thực sự là ngày hội của toàn dân, ngày hội của non sông.

Theo VTV.vn