Thời gian gần đây, rất nhiều ngân hàng liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu. Đơn cử như ngày 18/05/2021, HĐQT HDBank (HDB) chấp thuận chủ trương phát hành trái phiếu lần 1/2021 với tổng mệnh giá phát hành tối đa 1,500 tỷ đồng và 10,000 tỷ đồng trái phiếu phát hành lần 2/2021. Trước đó, HDBank thông báo sẽ mua lại 4,000 tỷ đồng trái phiếu đã phát hành. Thời gian dự kiến mua lại từ ngày 25/05-10/06/2021.
Cùng ngày 18/05, một nhà băng khác là SHB cũng vừa phát hành 1,000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm với lãi suất cố định 3.8%/năm cho 2 công ty chứng khoán trong nước. Tiền lãi được trả sau, định kỳ 1 năm/lần. Đây là trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm và không phải nợ thứ cấp của SHB. Ngày phát hành là 18/5/2021, ngày đáo hạn là 18/5/2023. Mục đích phát hành là "tăng quy mô vốn hoạt động" và "bổ sung nguồn vốn cho vay khách hàng".
Trước đó, ngày 10/05, TPBank (TPB) cũng đã phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu trực tiếp cho công ty chứng khoán trong nước. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, trả lãi hàng năm theo lãi suất cố định 4.1%/năm. Ngày phát hành là 10/05/2021 và ngày đáo hạn là 10/05/2024. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không phải nợ thứ cấp, không có bảo đảm bằng tài sản và không kèm chứng quyền.
Tiếp đó ngày 12/05 ngay sau đó, TPBank tiếp tục phát hành 1,000 tỷ đồng trái phiếu cho một công ty chứng khoán, kỳ hạn cũng là 3 năm. Tuy nhiên, lãi suất phát hành là 3.8%/năm, thấp hơn so với lô 600 tỷ đồng trái phiếu trước đó cũng như so với lãi suất huy động cùng kỳ hạn của TPBank. Ngày đáo hạn là 12/05/2024.
Khi Nghị định 81/2020//NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (sửa đổi bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP) bắt đầu có hiệu lực với những quy định khắt khe hơn về phát hành riêng lẻ được coi là một trong những yếu tố làm cho các ngân hàng hạn chế vay vốn qua kênh trái phiếu.
Tuy nhiên nhìn vào thực tế trên có thể thấy mức giảm không lớn bởi nhiều ngân hàng vẫn có nhu cầu vốn trung và dài hạn để cho vay và dự phòng cho rủi ro nợ xấu tăng cao.
Linh Anh