“Muốn nhà tái định cư không bị bỏ hoang thì Nhà nước phải tự làm”

09:30 24/05/2024

Theo TS. Trần Xuân Lượng, Giảng viên Chuyên ngành Bất động sản - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cơ chế giao cho doanh nghiệp thực hiện để đổi lấy dự án, khu đất khác không còn phù hợp.

Ảnh minh họa

Thưa ông, thông tin hiện nhiều căn hộ tái định cư đang bị bỏ hoang (Chỉ tính riêng tại TP. Hà Nội và TP. HCM đã có 18.000 căn) trong khi Chính phủ đang tìm mọi cách để tạo lập quỹ nhà ở vừa túi tiền đáp ứng mong mỏi của hàng triệu người dân đang thiếu nhà ở... gây gây bức xúc dư luận. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

  1. TS. Trần Xuân Lượng: Xây dựng nhà tái định cư cho người dân bị thu hồi đất là chính sách đúng và nhân văn. Tuy nhiên, do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt nên dẫn đến chất lượng dự án chưa đủ tốt và phù hợp.

Nhìn chung, các dự án nhà tái định cư thường có chất lượng không cao, lại thiếu cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm, bệnh viện…Cực chẳng đã người dân mới không thể sống ở căn nhà được phân mà phải đi mua, đi thuê chỗ khác để ở.

Chúng ta cần nhớ rằng, từ trước đến nay các dự án nhà ở tái định cư được triển khai theo cơ chế “Xây dựng- Chuyển giao”, hay gọi tắt là Hợp đồng BT. Theo đó, một doanh nghiệp bất động sản được giao và chịu trách nhiệm làm dự án tái định cư sẽ được Nhà nước trả công bằng một khu đất hoặc có những ưu đãi để làm một dự án khác có giá trị tương đương. Do đó, doanh nghiệp không có trách nhiệm cao với sản phẩm, làm xong giao trả cho Nhà nước và Nhà nước chuyển giao lại cho người dân.

Theo ông, có cách gì để làm “sống lại” hàng chục ngàn căn hộ tái định cư đang bị bỏ hoang như hiện nay?

  1. TS. Trần Xuân Lượng: Như tôi đã nêu ở trên, thiếu gì thì bù đấy. Thiếu cơ sở hạ tầng thì phải làm cơ sở hạ tầng. Chúng ta cần phải giải quyết đồng bộ nhưng chọn những vấn đề ưu tiên để làm triệt để từng.

Đầu tiên phải hoàn thiện điện, đường, trường, trạm...Ví dụ, nếu chưa có đường, phải làm đường vào, đồng thời phải bố trí bến xe bus, phương tiện công cộng.

Thứ hai, khu tái định cư phải có trường học, ít nhất phải có trường tiểu học trở lên, để con cháu của người dân sinh sống tại các khu vực tái định cư học tại đó. Nếu khi chuyển về đó, trẻ không có nơi đi học hoặc phải di chuyển đến chỗ xa, hoặc xin xỏ để được nhận vào học, người dân sẽ không về ở.

Ảnh minh họa
TS. Trần Xuân Lượng, Giảng viên Chuyên ngành Bất động sản - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thứ ba, khu tái định cư phải có chợ dân sinh. Xin nhấn mạnh là chợ dân sinh, không phải siêu thị, trung tâm thương mại. Có chợ dân sinh sẽ giúp cư dân có thêm việc làm mưu sinh, và họ dễ tiếp cận phù hợp với thu nhập của họ.

Thứ tư, phải có trạm y tế sẽ là nơi người dân có thể nhanh chóng tiếp cận khám chữa bệnh khi ốm, đau…

Và còn nhiều các vấn đề khác như môi trường, văn hóa và cơ hội việc làm cho họ… cùng nhiều tiện ích khác để người dân có thể yên tâm chuyển đến sinh sống lâu dài. Tuy nhiên, những vấn đề này có thể giải quyết dần dần.

Các cơ quan Nhà nước cần phải thanh tra kiểm tra, đánh giá lại việc này, để tìm cách khắc phục, nhằm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Đây là giải pháp để giải quyết thực trạng hiện nay của các dự án căn hộ tái định cư.

Thưa ông, nhà tái định cư là để phân cho người bị thu hồi đất, đa phần họ là người không dư dả nên nếu trường hợp không thể ở vì không phù hợp thì họ sẽ bán hoặc cho thuê chứ không thể để không? Vậy có nguyên nhân nào khác dẫn đến nhà tái định cư bị bỏ hoang?  

  1. TS. Trần Xuân Lượng: Những dự án bất động sản mà bị bỏ hoang thường có bóng dáng đầu cơ trong đó. Nhà tái định cư cũng không phải là ngoại lệ. Dẫn đến hệ quả này là do khâu phê duyệt hồ sơ còn chưa đúng và chưa trúng đối tượng, hoặc có trúng nhưng bị chuyển giao “lúa non” cho chủ thể khác. Dẫn đến người cần nhà thì không có, người có nhà thì không cần.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ngoài trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xét duyệt thì cũng có thêm những nguyên nhân khác. Thứ nhất là hiện nay chúng ta không có hệ thống dữ liệu và kiểm soát được mỗi cá nhân sở hữu bao nhiêu căn nhà nên không biết rõ trong số những người bị thu hồi thì thực sự ai không còn nhà ở.

Thứ hai, theo quy định trước đây thì người dân có quá ít sự lựa chọn khi bị thu hồi đất. Trên thực tế họ có thể chọn hình thức nhận tiền đền bù hoặc nhà ở tái định cư. Nhưng do mức đền bù bằng tiền quá thấp nên họ buộc phải nhận nhà, cho dù thực sự không có nhu cầu để ở chỗ đó. Luật Đất đai 2024 đã mở rộng 4 hình thức đền bù, trong đó hình thức đền bù tiền cũng được tính đến yếu tố giá thị trường. Tôi cho rằng, quy định này sẽ góp phần hạn chế việc nhà tái định cư cấp sai đối tượng, gián tiếp hạn chế tình trạng bị bỏ hoang.

Việt Nam đang trong thời kỳ đô thị hóa mạnh, tăng tốc xây dựng hạ tầng giao thông nên số lượng đất bị thu hồi sẽ còn lớn. Vậy theo ông có cần có những thay đổi nào để chính sách nhà tái định cư có hiệu quả hơn ?

  1. TS. Trần Xuân Lượng: Nhà nước đang nỗ lực để tạo lập quỹ nhà ở, đáp ứng hàng hàng triệu người dân, đặc biệt là người có thu nhập mức trung bình trở xuống trong khi lại có hàng chục ngàn căn nhà ở tái định cư bị bỏ hoang thì thật là một nghịch lý rất đau xót. 

Như tôi đã phân tích ở trên, nếu tiếp tục thực hiện theo dạng hợp đồng BT thì vấn đề sẽ khó giải quyết vì doanh nghiệp họ sẽ cố gắng tối ưu chi phí. Do vậy, vấn đề này Nhà nước phải đứng ra chủ trì thì mới có thể giải quyết được.

Nghĩa là Nhà nước sẽ đứng làm chủ dự án, sử dụng nguồn ngân sách đền bù, tái định cư để xây dựng. Xây nhà phải đi kèm với việc phát triển, kết hợp cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, chợ…tạo điều kiện cho người dân tạo lập cuộc sống mới. Phải đúng tinh thần “chỗ ở mới phải hơn hoặc ít nhất bằng chỗ ở cũ” như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói.

 Xin cảm ơn ông!

Nghệ Nhân (thực hiện)