Định vị những “vùng an toàn”
Theo Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, việc xác định những “vùng an toàn” giúp tiêu trừ những dư luận bất lợi và tâm lý e ngại với cả doanh nghiệp thu mua và phía nhập khẩu sầu riêng. Để làm được việc đó, ngành hàng sầu riêng Đắk Lắk phải tập trung tháo gỡ nhiều vấn đề.
Ông Lê Anh Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk - chia sẻ, khái niệm “vùng an toàn” không phải mới nhưng lại rất cần thiết trong bối cảnh đầu tư canh tác và thu hoạch nông sản Tây Nguyên hiện nay.
![]() |
Kiểm tra "vùng an toàn" cho sầu riêng xuất khẩu tại các vườn trồng |
Theo Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, trước mắt, Hiệp hội đã hợp tác cùng đơn vị nghiên cứu khoa học vùng Tây Nguyên tiến hành kiểm tra, giám định các vùng trồng sầu riêng ở địa bàn, phân tích các dư lượng hóa chất và nhất là kim loại nặng tồn dư trong trái cây thu hoạch, cụ thể là sầu riêng. Qua đó các cơ sở chuyên canh, và đóng gói thu mua sầu riêng được xác thực không tồn tại các chất cấm và dư lượng hóa chất nông nghiệp trong trái tươi thu hoạch. Những địa chỉ này được đánh giá lại từ phía đại diện các doanh nghiệp thu mua, đơn vị nhập khẩu, để tiến hành cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói an toàn, làm cơ sở cho việc tổ chức các đơn hàng xuất khẩu.
Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết, quá trình này đã được triển khai trong mấy tháng qua, bảo đảm đến nay có những số liệu cần thiết, công bố rõ ràng về các vùng trồng an toàn, tập trung ở các huyện Krông Pắc, Cư M’gar… là những thủ phủ sầu riêng chính của địa phương. Theo đó, nông dân canh tác có thể an tâm xuất khẩu với sản lượng hàng chục ngàn tấn ở vụ chính.
![]() |
Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk tổ chức các nhóm nhà khoa học tư vấn canh tác sầu riêng cho nông dân |
Đồng thời, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng đang tổ chức công tác kiểm tra, xác định những khu vực tập kết sầu riêng, kho bãi ở các doanh nghiệp thu mua, điểm đóng gói của các hợp tác xã nông nghiệp… nhằm đảm bảo sầu riêng vào vụ “đâu ở yên đó”. Đây là đòi hỏi rất quan trọng tránh tình trạng vận chuyển sầu riêng giữa các vùng trồng khác nhau, trộn lẫn nông sản ảnh hưởng đến chất lượng sầu riêng chung.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phối hợp nông dân đẩy mạnh tự giác tuân thủ các sản lượng theo vùng trồng, cấm tuyệt đối nạn hoán đổi vùng trồng sau thu hoạch, mới bảo đảm các chứng thư chính xác và điều kiện xuất khẩu được an toàn. Qua đó, nguy cơ bị trộn lẫn sầu riêng ngoài vùng vào sẽ không xảy ra, bảo vệ đúng các thương hiệu sầu riêng Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên.
Cần một hành trình dài hạn
Việc định vị những mã hàng sầu riêng xuất khẩu đúng vùng trồng, đảm bảo chất lượng và là “vùng an toàn” sẽ giúp Đắk Lắk chỉnh đốn tình trạng hỗn loạn về phân định sầu riêng lâu nay, nên ngay từ mùa vụ 2025 này, kết quả xuất khẩu sầu riêng chính ngạch của địa phương hứa hẹn sẽ bảo đảm hơn.
Hơn nữa, định vị “vùng an toàn” còn có giá trị đặt ra những yêu cầu mới hơn cho người nông dân canh tác, xây dựng lộ trình dài hạn cho chiến lược phát triển ổn định vùng chuyên canh sầu riêng.
![]() |
Sầu riêng sau thu hoạch được kiểm soát chặt chẽ chất lượng và an toàn thực phẩm |
Thứ nhất, địa phương sẽ xây dựng rõ được các vùng chuyên canh có mã số, có hợp đồng liên kết rõ ràng giữa người nông dân và doanh nghiệp đầu tư thu mua, đảm bảo hai bên hợp tác ổn định và tạo nên nguồn hàng bền vững. Người nông dân sẽ phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về quy trình canh tác, chăm sóc, thu hoạch… đúng theo từng phân kỳ mùa vụ. Doanh nghiệp phải tuân thủ những cam kết đồng hành nông dân, có chính sách đầu tư ngay từ đầu vụ để giúp người nông dân an tâm sản xuất. Các hợp đồng xuất khẩu theo đó sẽ rõ ràng, ổn định và nhất là xác định được ngay yếu tố “vùng an toàn” cho thị trường tiêu dùng.
Thứ hai, căn cứ vùng quy hoạch, địa phương sẽ thúc đẩy chính sách phát triển công nghiệp chế biến, nhất là về mặt hàng sầu riêng cấp đông, giảm phụ thuộc vào thị trường trái cây tươi. Sầu riêng Đắk Lắk vào vụ sẽ có thêm lợi thế xuất khẩu, giá cả gia tăng.
Cuối cùng, bài toán “vùng an toàn” sẽ khẳng định vị thế các thương hiệu sầu riêng địa phương với thị trường trong và ngoài nước, gắn với truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn xuất khẩu, giải quyết tận gốc tình trạng nông sản trôi nổi, làm tăng tầm nhìn vùng quy hoạch canh tác nông nghiệp địa phương và của cả quốc gia. Địa phương càng thuận lợi trong việc mở rộng những tiêu chuẩn và vùng xuất khẩu, có thể hướng đến các thị trường khác ngoài khách hàng Trung Quốc, cũng như liên kết được với các vùng trồng lớn như Thái Lan để đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa mặt hàng…
Lợi thế của sầu riêng Đắk Lắk và Tây Nguyên là có mùa vụ chính trái ngược với các vùng trồng sầu riêng khác, như Thái Lan thường vào mùa xuân, miền Tây Nam bộ vào mùa hạ. Do đó, khai thác được lợi thế vụ mùa này, gắn với các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng cao hơn, ngành sầu riêng Đắk Lắk và Tây Nguyên sẽ càng tăng thêm các cơ hội thị trường, đạt được thêm nhiều tiêu chí phát triển hiệu quả.
Theo ông Lê Anh Trung, những chuẩn bị định vị “vùng an toàn” như thế đang mở rộng hơn cánh cửa xuất khẩu giá trị cao cho sầu riêng địa phương.