PGS.TS Trần Đình Thiên: Kinh tế tư nhân vẫn chưa "đóng đúng vai, tròn vai" PGS.TS. Lê Xuân Bá: Thương hiệu quốc gia không thể mạnh nếu tư duy vẫn cũ |
Hành trình cam kết Net Zero và bối cảnh quốc tế
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường cho biết, từ Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu năm 1992, Nghị định thư Kyoto năm 1997 với trách nhiệm chính thuộc về các nước phát triển, cho đến Thỏa thuận Paris năm 2015 đã tháo gỡ nút thắt khi tất cả các quốc gia, dù phát triển hay đang phát triển, đều cam kết hành động. Việt Nam, ngay từ giai đoạn dự thảo Paris, đã xây dựng Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC) với cam kết giảm phát thải 8% không điều kiện và 25% nếu có hỗ trợ. Các con số này được nâng lên 9% và 27% vào năm 2020. Đặc biệt, tại COP26 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố cam kết Net Zero vào năm 2050 – một cam kết sớm và mạnh mẽ hơn nhiều quốc gia có điều kiện cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc hay Nga.
Cam kết này mang lại cơ hội tái định vị hình ảnh quốc gia có trách nhiệm toàn cầu, nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức to lớn về nguồn lực. Tại COP29, cam kết hỗ trợ tài chính khí hậu toàn cầu đã được nâng lên 300 tỷ USD mỗi năm và dự kiến sẽ tăng lên 1.300 tỷ USD vào năm 2035. Một phần đáng kể trong số đó sẽ đến từ các nguồn tài chính sáng tạo, trong đó thị trường carbon được xác định là công cụ then chốt để huy động nguồn lực này.
![]() |
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường. |
PGS. TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh, từ thực tiễn quốc tế, ba nhóm giải pháp chính được ưu tiên hỗ trợ tài chính là giảm nhẹ phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu và các giải pháp kết hợp, tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, giao thông, nông nghiệp - lâm nghiệp, nước và sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, Việt Nam, dù đã ký kết Thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi Năng lượng công bằng (JETP) và nhận được cam kết hỗ trợ 15,5 tỷ USD, vẫn đối mặt với nhiều khó khăn lớn về năng lực tiếp nhận công nghệ và tài chính xanh – đặc biệt là về nguồn nhân lực có khả năng hấp thụ, triển khai các giải pháp chuyển đổi.
PGS. TS Nguyễn Đình Thọ dẫn chứng bang California của Mỹ, một điển hình về sự tiên phong trong chống ô nhiễm không khí và phát triển cơ chế tín chỉ xe điện từ những năm 1940. Elon Musk với Tesla là minh chứng sống động cho thấy chính sách môi trường đúng đắn có thể tạo ra động lực kinh tế khổng lồ, khi doanh thu từ tín chỉ xe điện mang về hàng tỷ đô la, góp phần lớn vào lợi nhuận và vốn hóa thị trường của Tesla. Điều này khẳng định tài chính khí hậu không chỉ bảo vệ hành tinh mà còn mở ra cơ hội kinh tế đáng kể nếu được tận dụng hiệu quả.
Định giá, thách thức và lộ trình thị trường carbon
Theo cam kết Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022, Việt Nam cam kết giảm 15,8% lượng phát thải khí nhà kính nếu không có hỗ trợ quốc tế, và có thể nâng mức giảm lên tới 43,5% nếu nhận được hỗ trợ 5 tỷ USD, ngoài 1 tỷ USD mà Chính phủ cam kết dành ra. Điều này cho thấy rõ, để thực hiện NDC, không thể thiếu các giải pháp tài chính cụ thể. Vì vậy, thị trường carbon được xem là một trong những giải pháp quan trọng để Việt Nam thực hiện cam kết NDC, thông qua cơ chế thuế carbon và thị trường carbon (tuân thủ và bù trừ).
![]() |
Phát triển thị trường carbon là yêu cầu tất yếu. |
PGS. TS Nguyễn Đình Thọ phân tích về bài toán chi phí và lợi ích trong việc định giá tín chỉ carbon. Ông lấy ví dụ, trong lĩnh vực năng lượng, chi phí cận biên để giảm một tấn CO₂ là khoảng 150 đô la Mỹ. Nếu Việt Nam bán tín chỉ carbon với giá thấp hơn 150 đô, về nguyên tắc, chúng ta phải bù lại bằng chính chi phí đó để thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải. Trong nông nghiệp, chi phí cận biên cuối cùng để giảm phát thải một tấn carbon có thể lên tới 300 đô la, trong khi tín chỉ carbon từ nông lâm nghiệp hiện chỉ được giao dịch trên thị trường quốc tế với giá khoảng 1 đến 1,6 đô la một tấn.
Xu hướng toàn cầu hiện nay là kết nối thị trường tự nguyện với thị trường tuân thủ, thị trường trong nước với quốc tế thông qua Điều 6 của Thỏa thuận Paris. PGS. TS Nguyễn Đình Thọ dẫn ví dụ tín chỉ CORSIA trong hàng không, đang được định giá cao nhất trên thị trường tự nguyện (khoảng 20 USD/tấn), bởi các hãng hàng không buộc phải thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải. Việc ký kết thỏa thuận hợp tác với Singapore, công nhận các tiêu chuẩn quốc tế như VERRA, Gold Standard, là cơ sở quan trọng để Việt Nam tham gia thị trường carbon một cách khôn ngoan, tận dụng hiệu quả các nguồn tài chính khí hậu.
Cục Biến đổi khí hậu đang đề xuất các phương án phân bổ hạn ngạch phát thải, bao gồm miễn phí, dựa trên lịch sử (grandfathering) hoặc theo chuẩn so sánh (benchmarking). PGS. Nguyễn Đình Thọ nhận định, phát triển thị trường carbon không chỉ góp phần giảm phát thải mà còn mang lại lợi ích kinh tế thiết thực. Logic vận hành rất đơn giản: doanh nghiệp giảm phát thải có thể bán tín chỉ cho doanh nghiệp khác. Quyết định đầu tư chuyển đổi công nghệ phụ thuộc vào giá carbon: nếu giá bán tín chỉ cao hơn chi phí chuyển đổi, doanh nghiệp nên đầu tư; ngược lại, có thể mua tín chỉ ngắn hạn và chờ thời điểm thích hợp.
Lộ trình của Việt Nam là đến năm 2028 hoàn tất giai đoạn thí điểm và từ 2029 vận hành chính thức, giống như quá trình hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán. Khi nền tảng được hoàn thiện, doanh nghiệp Việt sẽ làm quen và chủ động tham gia giao dịch, tận dụng cơ hội từ thị trường đầy tiềm năng này.