Bài liên quan |
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Không nên cho phép các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm |
Luật Tín dụng mới: Mở đường tín dụng rẻ, thúc đẩy phục hồi kinh tế |
Tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đang có xu hướng tăng cao, đe dọa đến khả năng đảm bảo an toàn vốn và tính lành mạnh của hệ thống tài chính. Nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố: sự bất ổn của kinh tế toàn cầu, những khó khăn nội tại trong nền kinh tế trong nước, sự phục hồi chậm chạp của thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, và đặc biệt là sự chậm phát triển của thị trường mua bán nợ. Thêm vào đó, một số quy định quan trọng của Nghị quyết số 42/2017/QH14 – văn bản từng tạo cơ chế đặc thù trong xử lý nợ xấu – chưa được luật hóa, dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý, thu hồi nợ.
Ngoài ra, năng lực quản trị của một số TCTD vẫn còn hạn chế, chưa theo kịp tốc độ phát triển và mức độ rủi ro, làm gia tăng nguy cơ tiềm ẩn cho hệ thống.
Trước thực trạng trên, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo mạnh mẽ nhằm thúc đẩy xử lý nợ xấu, trong đó nhấn mạnh yêu cầu sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 11/2/2025, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh vai trò then chốt của hệ thống ngân hàng như một "đòn bẩy" để khai thác tiềm năng, cơ hội và tạo động lực mới cho tăng trưởng. Thủ tướng yêu cầu toàn ngành ngân hàng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính trị để thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định vĩ mô.
Tiếp theo đó, các thông báo và nghị quyết của Chính phủ liên tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương nghiên cứu, luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14, hoàn thiện các quy định liên quan đến xử lý nợ xấu, đặc biệt là thẩm quyền cho vay đặc biệt với lãi suất 0% và không có tài sản bảo đảm. Việc phân cấp thẩm quyền này về cho NHNN là bước đi nhằm đảm bảo việc xử lý kịp thời, hiệu quả và sát thực tiễn, giảm bớt thủ tục hành chính, đồng thời vẫn giữ vững an ninh, an toàn hệ thống.
![]() |
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng: Giải pháp cấp bách để xử lý nợ xấu |
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng nhằm giải quyết các nút thắt pháp lý và thực tiễn đang cản trở quá trình xử lý nợ xấu. Luật hóa các quy định hiệu quả của Nghị quyết 42 sẽ tạo ra một khuôn khổ pháp lý ổn định, thống nhất và có tính lâu dài cho hoạt động xử lý nợ trong nền kinh tế.
Trong đó, hai nội dung quan trọng được tập trung sửa đổi gồm:
Luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu: Bao gồm quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ), quyền kê biên TSBĐ là vật chứng trong các vụ án hình sự, cũng như xử lý TSBĐ là tang vật trong các vụ vi phạm hành chính. Các quy định này từng phát huy hiệu quả rõ rệt khi Nghị quyết 42 còn hiệu lực, do đó việc luật hóa sẽ giúp tháo gỡ rào cản cho các TCTD và tổ chức xử lý nợ, từ đó khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Phân cấp thẩm quyền cho vay đặc biệt: Dự án Luật đề xuất chuyển quyền quyết định cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm từ Thủ tướng Chính phủ về cho NHNN. Đây là bước đi mạnh mẽ nhằm phân quyền, nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của NHNN, rút ngắn thời gian xử lý trong các tình huống khẩn cấp, giúp bảo vệ hệ thống TCTD khỏi các nguy cơ đổ vỡ dây chuyền.
Luật sửa đổi, bổ sung được xây dựng trên tinh thần thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan. Việc xây dựng chính sách tuân thủ nguyên tắc cân bằng giữa quyền lợi của bên cho vay và bên đi vay, minh bạch, hiệu quả, không tạo bất đối xứng trong quan hệ tín dụng.
Đặc biệt, việc hoàn thiện Luật còn nhằm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đảm bảo khả năng hội nhập và phát triển theo chuẩn mực toàn cầu.
Trong bối cảnh nền kinh tế cần động lực tăng trưởng mạnh mẽ hơn và hệ thống ngân hàng đang đối mặt với nhiều áp lực từ nợ xấu, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng là cần thiết, cấp bách và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đây không chỉ là bước đi nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành ngân hàng, mà còn là giải pháp chiến lược để bảo vệ an ninh tài chính quốc gia, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bền vững, an toàn và hiệu quả cho toàn nền kinh tế.