Nhiều “ông lớn” muốn bán trái phiếu không cần tài sản đảm bảo Từ nhu cầu vốn đến quản trị dòng tiền, doanh nghiệp có thêm trợ lực từ gói giải pháp VIB Business |
Trong bối cảnh nền kinh tế đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% vào năm 2025, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) – một đạo luật được đánh giá là “chìa khóa” tháo gỡ điểm nghẽn nợ xấu, khơi thông dòng vốn và tăng cường an toàn hệ thống ngân hàng.
Từ năm 2017, Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã chứng minh hiệu quả trong việc xử lý nợ xấu, nhưng vì chỉ mang tính thời điểm và không có hiệu lực lâu dài, nhiều quy định quan trọng vẫn chưa được luật hóa. Dự thảo luật lần này chính thức đưa các nội dung như quyền thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản của bên phải thi hành án, hoàn trả tài sản là vật chứng trong vụ án… vào khung pháp lý chính thức.
Việc luật hóa những nội dung này không chỉ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các TCTD, tổ chức mua bán nợ xử lý tài sản bảo đảm, mà còn giúp rút ngắn quy trình thu hồi nợ, nâng cao hiệu quả tín dụng, giảm áp lực tài chính cho cả ngân hàng và khách hàng. Đồng thời, dự thảo cũng đảm bảo cân bằng quyền lợi giữa bên cho vay và bên đi vay, khắc phục tình trạng bất đối xứng trong pháp luật hiện hành.
Một điểm đột phá trong dự thảo là phân cấp thẩm quyền phê duyệt cho vay đặc biệt (lãi suất 0% và không yêu cầu tài sản đảm bảo) từ Thủ tướng Chính phủ sang Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Quy định này giúp tinh giản thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và tăng tính linh hoạt trong điều hành tín dụng đặc biệt, nhất là trong các tình huống khẩn cấp như hỗ trợ TCTD gặp khó khăn thanh khoản hoặc rủi ro hệ thống.
![]() |
Luật Tín dụng mới mở đường tín dụng rẻ, thúc đẩy phục hồi kinh tế. |
Đây là bước đi phù hợp với định hướng phân quyền, phân cấp mạnh mẽ được nêu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc trao quyền trực tiếp cho NHNN không chỉ nâng cao hiệu lực quản lý vốn nhà nước, mà còn củng cố vai trò điều tiết và kiểm soát rủi ro của cơ quan điều hành tiền tệ quốc gia.
Theo các chuyên gia kinh tế, sửa đổi Luật các TCTD sẽ tạo cú hích mạnh mẽ trong cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh. Xử lý nhanh nợ xấu sẽ giải phóng lượng vốn đang “chôn” trong các khoản vay không hiệu quả, tái đầu tư vào các dự án hạ tầng, sản xuất, công nghệ. Đặc biệt, khơi thông dòng vốn tín dụng sẽ giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn tài chính với chi phí hợp lý – yếu tố then chốt để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng và đổi mới công nghệ.
Đối với hoạt động đầu tư vốn nhà nước, phân quyền cho NHNN sẽ nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách, giảm thiểu thất thoát, ngăn ngừa tiêu cực và tối ưu hóa dòng vốn đầu tư công.
Áp lực xử lý nợ xấu đang gia tăng nhanh. Nguyên nhân đến từ bất ổn kinh tế toàn cầu, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp phục hồi chậm, năng lực quản trị của một số TCTD còn hạn chế, trong khi thị trường mua bán nợ tại Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển. Nhiều quy định chưa được luật hóa từ Nghị quyết 42 khiến việc thu hồi nợ kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn.
Với mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025 – cao nhất trong nhiều năm trở lại đây – việc sửa đổi Luật các TCTD trở thành điều kiện tiên quyết để bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, duy trì ổn định hệ thống ngân hàng và nâng cao năng lực cung ứng tín dụng cho nền kinh tế.
Theo chương trình kỳ họp Quốc hội, ngày 20/5 tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ – sẽ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD. Quốc hội sẽ thảo luận vào ngày 29/5 và tiến hành biểu quyết thông qua vào ngày 17/6/2025.
Nếu được thông qua, luật sửa đổi sẽ chính thức trở thành một “nền tảng pháp lý mới” giúp hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh, minh bạch và hiệu quả hơn – đúng như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tài chính và toàn xã hội.