![]() |
GS.TS Trần Xuân Tú chia sẻ về nội lực phát triển ngành bán dẫn tại Tọa đàm Chính sách đặc biệt để phát triển công nghệ chiến lược quốc gia. |
Tại Tọa đàm Chính sách đặc biệt để phát triển công nghệ chiến lược quốc gia diễn ra sáng ngày 17/4, GS.TS Trần Xuân Tú cho rằng, để phát triển lĩnh vực bán dẫn – một ngành công nghệ chiến lược – Việt Nam cần tập trung xây dựng nội lực vững chắc, cơ chế chia sẻ nguồn lực và đặc biệt là thiết lập mối liên kết thực chất giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp.
Trong bối cảnh thế giới bước vào cuộc cạnh tranh công nghệ cao ngày càng khốc liệt, Việt Nam đang đứng trước cơ hội – cũng là thách thức – khi xác định bán dẫn là một trong những công nghệ chiến lược quốc gia. Tuy nhiên, theo GS.TS Trần Xuân Tú, muốn phát triển ngành này một cách bài bản và bền vững, điều quan trọng đầu tiên là phải xây dựng được nội lực.
“Nội lực ở đây là năng lực cạnh tranh trong nghiên cứu và cả hạ tầng – cơ sở vật chất. Khi đã có nội lực, chúng ta mới đủ tự tin để triển khai các hoạt động hợp tác một cách hiệu quả,” ông khẳng định.
Trong bối cảnh ngân sách không thể đủ để mỗi đơn vị tự đầu tư toàn bộ hệ thống thiết bị công nghệ cao, GS.TS Trần Xuân Tú cho rằng cần có cơ chế chia sẻ nguồn lực, đặc biệt là thiết bị nghiên cứu – chế tạo.
Theo ông, trong lĩnh vực bán dẫn, việc đầu tư riêng lẻ cho mỗi đơn vị là điều không khả thi về mặt tài chính, bởi chi phí đầu tư các thiết bị công nghệ cao như máy quang khắc, hệ thống chế tạo chip là rất lớn. Do đó, mô hình dùng chung thiết bị giữa các trường đại học và viện nghiên cứu là xu thế tất yếu.
“Ví dụ trong lĩnh vực bán dẫn, nếu đơn vị nào cũng đầu tư máy quang khắc, đầu tư thiết bị chế tạo thì ngân sách không thể đủ. Ở Đài Loan (Trung Quốc) hay Mỹ, Pháp, đều có trung tâm liên kết giữa các trường đại học – viện nghiên cứu, chia nhau đầu tư thiết bị và dùng chung trong toàn khối nghiên cứu. Đây là một điều mà Việt Nam có thể học hỏi,” ông phân tích. |
Một trong những thông điệp xuyên suốt của GS.TS Trần Xuân Tú là cần nhìn nhận doanh nghiệp như trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nhưng không theo cách tiếp cận tự do như môi trường đại học.
“Chúng ta xác định doanh nghiệp là trung tâm hoạt động khoa học công nghệ, nhưng đương nhiên không phải như các trường đại học. sinh viên là trung tâm, thích gì được nấy. thoải mái sáng tạo. Chúng ta cần xác định rõ, trong 5 năm tới, 10 năm tới, doanh nghiệp sẽ tập trung vào công nghệ nào, lĩnh vực nào. Từ đó, lấy đó làm ‘đầu bài’ để đặt hàng nghiên cứu", ông nói.
Theo ông, cần coi việc liên kết đại học – doanh nghiệp là chìa khóa xây dựng ngành bán dẫn Việt Nam. "Đầu tư cho các trường đại học – viện nghiên cứu cần gắn với định hướng doanh nghiệp, giúp hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, tạo ra kết nối hai chiều giữa học thuật và sản xuất, từ đó sinh ra giá trị thực tiễn", GS.TS Trần Xuân Tú nhận định.
Một điểm đáng chú ý trong bài phát biểu của GS.TS. Trần Xuân Tú là đề xuất xây dựng ngân hàng IP (sở hữu trí tuệ) – nơi lưu trữ và phát triển các thiết kế chip của người Việt, giúp quá trình thương mại hóa trở nên khả thi hơn.
"Thực tế hiện nay, trong bán dẫn, giờ vẫn đang hô hào nhiều. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng đây là công nghệ rất khó được thị trường chấp nhận nếu chưa được kiểm chứng. Các doanh nghiệp nước ngoài lớn không thể đặt niềm tin vào một nhà cung cấp mới. Vì vậy, chúng ta cần có ngân hàng IP để hỗ trợ các nhóm nghiên cứu hoàn thiện thiết kế và nhận được phản hồi từ thị trường,” ông lý giải.
Để vận hành ngân hàng này hiệu quả, ông cho rằng cần có một quỹ chuyên biệt hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn – điều mà nhiều quốc gia đã triển khai, như Trung Quốc với Quỹ Học viện Công nghệ Bắc Kinh.
Cũng tại Tọa đàm Chính sách đặc biệt để phát triển công nghệ chiến lược quốc gia, GS.TS Trần Xuân Tú cho rằng, trong chuỗi giá trị bán dẫn, khâu thiết kế là điểm dễ tiếp cận nhất đối với Việt Nam hiện nay.
“Về thiết kế, đây là điều dễ làm nhất. Chúng ta cũng nên tập trung phát triển chip AI cho điện toán biên – đây là xu hướng tiềm năng, không cần hạ tầng quá phức tạp như chế tạo”, ông đề xuất.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng để khép kín chuỗi sản xuất bán dẫn, Việt Nam phải có một nhà máy đóng gói chip – bước đi mang tính chiến lược nhưng đòi hỏi đầu tư bài bản và hợp tác quốc tế sâu rộng.
Liên kết quốc tế cũng là một yếu tố được GS.TS Trần Xuân Tú nhấn mạnh. Ông cho rằng bên cạnh các hợp tác học thuật truyền thống, Việt Nam cần có cơ chế thông thoáng hơn để kết nối các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, cũng như phối hợp giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với các hiệp hội chuyên ngành.
Cuối cùng, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vững vàng hơn trong quá trình hợp tác quốc tế, GS.TS Trần Xuân Tú kiến nghị thành lập hội đồng hỗ trợ doanh nghiệp – với chức năng giúp doanh nghiệp tháo gỡ rào cản, tiếp cận nguồn lực, và mạnh dạn đầu tư vào các công nghệ mới.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế không chỉ giữa giáo sư với giáo sư, mà còn là sự liên kết toàn diện giữa nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, thông qua các cơ chế thông thoáng hơn về quản lý, chia sẻ dữ liệu và phối hợp học thuật.
“Chúng ta không thể có đội ngũ chuyên gia hàng đầu chỉ sau một đêm. Cần sự kết hợp chặt chẽ giữa trường đại học và doanh nghiệp, giữa nghiên cứu và thị trường. Có như vậy, ngành bán dẫn Việt Nam mới có thể trụ vững và phát triển lâu dài”, GS.TS Trần Xuân Tú kết luận.