Theo đó, làn sóng M&A đã thu hút sự quan tâm và vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam được xem là một thị trường tiềm năng với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và môi trường đầu tư thuận lợi. Các nhà đầu tư nước ngoài thấy tiềm năng lớn trong lĩnh vực bất động sản Việt Nam và truyền động lực cho làn sóng M&A đổ bộ, hướng tới việc mua lại các dự án, công ty và quỹ đầu tư bất động sản tại Việt Nam.
Trong các hoạt động M&A cũng giúp các công ty bất động sản mở rộng quy mô và khả năng cạnh tranh. Thông qua việc sáp nhập và thâu tóm, các doanh nghiệp có thể tăng cường nguồn lực tài chính, mở rộng danh mục dự án và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các công ty địa phương cũng có cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài để nắm bắt công nghệ và quy trình quản lý tiên tiến, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Ngoài ra, làn sóng M&A cũng đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi và tái cấu trúc ngành công nghiệp bất động sản. Các công ty có quy mô nhỏ và không có đủ nguồn lực để phát triển dự án có thể lựa chọn sáp nhập hoặc chấp nhận thâu tóm để tạo ra quy mô lớn hơn và tiếp cận tài nguyên. Điều này giúp tăng cường sức cạnh tranh và nâng cao chất lượng dự án bất động sản trên thị trường.
Theo phân tích của giới chuyên gia, làn sóng M&A cũng có thể mang lại lợi ích cho khách hàng thông qua việc nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm bất động sản. Các công ty sáp nhập hoặc thâu tóm thường kỳ vọng có thể cung cấp dịch vụ tốt hơn, sản phẩm đa dạng hơn và giá trị gia tăng cho khách hàng. Điều này tạo điều kiện cho sự cạnh tranh lành mạnh và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc cung cấp những lựa chọn bất động sản đa dạng và phù hợp. Trong bối cảnh thị trường lao dốc, nhiều doanh nghiệp bất động sản trong nước có tiềm lực mạnh vẫn không ngại chi tiền để thâu tóm quỹ đất. Tuy nhiên, lợi thế trong "cuộc chơi" M&A lĩnh vực địa ốc nghiêng hoàn toàn về khối ngoại.
Cushman & Wakefield đưa ra dự báo một lượng vốn lớn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến hoàn tất và đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn 2024 - 2026. Các nhà đầu tư gốc Á từ Singapore, Malaysia... nhiều khả năng sẽ tiếp tục "chiếm sóng" trên thị trường.
Đáng chú ý, nhiều giao dịch đã và đang trong quá trình đàm phán với kết quả khá tích cực. Mục tiêu đầu tư của khối ngoại vẫn nằm ở việc tìm kiếm quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thật cũng như có pháp lý hoàn chỉnh, nhiều tiềm năng phát triển.
Phân khúc nhà ở vẫn là lựa chọn hấp dẫn của cả nhà đầu tư nội và ngoại bởi tỷ suất sinh lời hấp dẫn. Nếu 15 năm trước, dòng vốn FDI chỉ tập trung vào nhà ở cao cấp với những tên tuổi quen thuộc như Keppel Land, Capitaland, thì hiện nay, thị trường có thêm nhiều chủ đầu tư mới tham gia cuộc chơi như Lotte Group, GS, Sumitomo, Hong Kong Land...
Bên cạnh đó, dòng vốn cũng có xu hướng dịch chuyển và gia tăng ở phân khúc bất động sản công nghiệp, khách sạn, văn phòng và bán lẻ.
Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield, đánh giá, năm 2024 là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp tăng cường các hoạt động thâu tóm hoặc liên kết hợp tác, đặc biệt là những chủ đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh. Ưu thế đang nghiêng về phía các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp đang sở hữu dự án 650 căn hộ kèm đất nền tại TP. HCM cho hay "con sóng ngầm" trong thâu tóm quỹ đất, tài sản đang lên cao. Nhiều dự án đã được chuyển nhượng âm thầm với giá thấp do thị trường rơi vào "vùng đáy", lợi thế thuộc về người có tiền.
"Năm 2024, thị trường có thể sẽ chứng kiến nhiều hơn các thương vụ sang tên đổi chủ với giá trị hàng triệu USD, thậm chí chục triệu USD", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Nhận định về xu hướng phát triển của ngành bất động sản trong năm 2024, Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, các hoạt động tái cấu trúc nguồn vốn và M&A dự án bất động sản sẽ sôi động trong năm 2024. Đồng thời cho biết, để vượt qua khó khăn về tiếp cận vốn vay ngân hàng, một số doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã lên kế hoạch huy động vốn trên sàn.
Nguyên An