Hai năm qua COVID-19 đã gây thiệt hai nặng nề về kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Năm 2020 Việt Nam duy trì tăng trưởng dương với 2,91%, năm 2021 để thực hiện nhiệm vụ kép, sáu tháng đầu năm tăng trưởng 5,64%, song dịch bệnh bùng phát gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế - xã hội, quý III tăng trưởng âm 6,17% nên chín tháng đầu năm chỉ tăng 1,42%.
Nhìn ra thế giới, các nước đã tung ra nhiều gói giải pháp và tiền tệ tùy vào khả năng và nguồn lực mỗi nước. Còn tại Việt Nam, tác động của dịch COVID-19 khiến triển vọng năm 2022 của Việt Nam dự báo rất khó khăn. Chính vì vậy, nếu không có chương trình đặc biệt, gói kích thích kinh tế đủ mạnh và kịp thời về tài khóa và tiền tệ thì chúng ta sẽ lỡ nhịp và tụt hậu.
Chuyên môn về y tế mang tính chất quyết định và chủ yếu
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 được tổ chức ngày 5-12, TS Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam đã khái quát bức tranh phục hồi kinh tế của các nước châu Á trong bối cảnh đại dịch, đồng thời, đưa ra những khuyến nghị, hàm ý chính sách cho Việt Nam.
Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho biết, tác động của Covid-19 tới Việt Nam cũng như làn sóng Covid-19 ở châu Á tăng cao trong tháng 5/2021, với tỷ lệ khoảng 105 ca/1 triệu người, giảm xuống 25 ca/1 triệu người vào tháng 6/2021, tăng lên 40 ca/1 triệu người vào tháng 7/2021. Tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 ở châu Á là tương đối nhanh. Độ phủ vaccine của Việt Nam cao hơn mức trung bình ở châu Á.
Tính đến tháng 11, khoảng 55% dân số các nước đang phát triển ở châu Á được tiêm chủng, tuy nhiên vẫn thấp hơn các nước ở Mỹ và châu Âu. Vaccine mặc dù không ngăn chặn được sự lây lan của Covid-19 nhưng đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở châu Á và Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Minh Cường, ở nước nào có độ phủ vaccine cao, tốc độ phục hồi kinh tế tương đối nhanh. Về thách thức và rủi ro, Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho biết, tốc độ tiêm chủng nhanh ở châu Á, đặc biệt là Việt Nam, đã hạn chế được lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, Covid-19 vẫn là mối đe dọa với phục hồi kinh tế, đặc biệt là với chủng mới Omicron.
Đưa ra hàm ý chính sách cho Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường cho biết, do khủng hoảng kinh tế-xã hội xuất phát từ đại dịch Covid-19, không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế-tài chính, nên các giải pháp chuyên môn về y tế mang tính chất quyết định và chủ yếu.
Chính sách tài khóa đóng vai trò lớn hơn, phối hợp chính sách tiền tệ nhằm tạo ra nguồn lực hỗ trợ lớn nhất cho nền kinh tế. Trong bối cảnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong ngắn hạn, Việt Nam có thể chấp nhận chi ngân sách nhà nước cao hơn, nợ công tăng trong giai đoạn 2021-2023.
Đầu tư cho các động lực tăng trưởng thấp
Cũng tại diễn đàn ngày hôm nay, PGS,TS Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, khi đặt vấn đề hỗ trợ để phục hồi kinh tế, cần xác định điểm nghẽn và vùng trũng của tăng trưởng.
Theo ông, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong tháng 11/2021 vẫn tăng 27,4% so cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng 3,8%.
Dù đã triển khai Nghị quyết 128-NQ/CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, nhưng chúng ta vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh, chưa bảo đảm độ an toàn. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron, đe dọa quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cấu thời gian tới. "Vấn đề cần quan tâm hiện nay là doanh nghiệp đang "thiếu máu”, cần được "bơm máu” sớm”, PGS,TS Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh những vấn đề ngắn hạn nêu trên, PGS,TS Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh, những vấn đề dài hạn với tăng trưởng của nước ta vẫn đang còn đó, khi chỉ số phản ánh chất lượng tăng trưởng, năng suất tổng hợp, năng suất lao động đều ở "vùng trũng, nguy cơ tụt hậu cục bộ, bỏ lỡ cơ hội phát triển.
Ngoài ra, các yếu tố tạo nền tảng cho tăng trưởng trong dài hạn, như chuyển đổi số, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tăng trưởng xanh đều mới thực hiện ở phần thể chế, chính sách, chưa có thay đổi cụ thể, xanh hóa sản xuất, tiêu dùng bền vững đều chưa làm được bao nhiêu.
Dẫn số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), PGS,TS Bùi Quang Tuấn nhận thấy, nước ta đang ở "vùng trũng của can thiệp", trong khi đó, các nước càng giàu càng sử dụng tỷ lệ GDP nhiều hơn để can thiệp vào nền kinh tế.
"Nói cách khác, vấn đề của chúng ta có lẽ là can thiệp chưa đủ nên rơi vào vùng trũng, đầu tư cho các động lực tăng trưởng thấp nên chưa thoát khỏi mức tăng trưởng trung bình thấp”, PGS,TS Tuấn nêu nhận định như vậy.
Đề xuất tổng gói hỗ trợ tương đương 5,5% GDP
Đối phó với dịch bệnh, theo TS Cấn Văn Lực, các nước tung ra gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ tương đối lớn với bình quân toàn cầu 16,4% GPD, trong đó tài khóa là chủ lực. Còn Việt Nam có mức hỗ trợ tương đồng so với các nước thu nhập thấp quanh mức 4% GDP.
Về kinh nghiệm quốc tế, đa số các nước đều coi dịch COVID-19 là bệnh đặc hữu chứ không coi là dịch bệnh. Nên các nước tung ra giải pháp thực hiện đa mục tiêu tức là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Do đó giải pháp hàng đầu mà các nước ưu tiên là đầu tư mạnh vào hạ tầng y tế, an sinh xã hội; cho phép bảo lãnh của Chính phủ với các khoản vay vốn của doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa… Đây là bài học kinh nghiệm rất đáng quý với Việt Nam trong thời gian tới.
Gợi ý chính sách cho Việt Nam, ông Lực đề nghị phải ưu tiên số 1 là chi cho y tế. Thứ hai là hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động cả về tài chính và tiếp cận vốn, an sinh xã hội trong 2 năm.
Chi tiết hỗ trợ tài khóa, ông Lực đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 1-2%, với 2% thì ngân sách sẽ giảm 60.000 tỉ đồng trong năm 2022. Có bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các quỹ bảo lãnh tín dụng tại các địa phương.
Thứ ba là gói hỗ trợ lãi suất như Bộ Tài chính đề xuất 20-30.000 tỉ đồng. Riêng gói đầu tư cơ sở hạ tầng đề nghị tăng đầu tư bổ sung 150.000 tỉ đồng cho dự án công trình trọng điểm. Tổng gói hỗ trợ tài khóa 278.000 tỉ đồng, tương ứng 3,41% GDP của năm 2021.
Chính sách tiền tệ tiếp tục cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Sử dụng các công cụ khác để hỗ trợ tổ chức tín dụng giảm lãi suất 0,5-1%...
Về chính sách an sinh xã hội, ngoài việc tiếp tục triển khai các chính sách đang thực hiện thì cần triển khai thêm việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động quay về các tỉnh phía Nam làm việc trong 3 tháng với mức 1 triệu đồng/tháng.
Ước tổng chi khoảng 6.000 tỉ đồng. Cùng với mức hỗ trợ đào tạo nghề là 6.800 tỉ đồng. Ngoài ra, giảm tiền điện, đổi mới công nghệ… đối với khối doanh nghiệp khoảng 38.000 tỉ đồng.
"Tổng gói hỗ trợ tất cả các chính sách trên là khoảng 843.000-844.000 tỉ đồng về danh nghĩa, còn về thực chi là khoảng 445.000 tỉ đồng, tương đương 5,5% GDP.
Về nguồn lực, ngân sách nhà nước phải chấp nhận thâm hụt ít nhất 1 điểm phần trăm cho mỗi năm. Về huy động nguồn lực từ tiết giảm chi phí, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, rà soát các quỹ ngoài ngân sách, chấp nhận một phần quỹ dự trữ ngoại hối nếu cần…" - ông Lực kiến nghị.
PV