Các đại biểu đã tham gia thảo luận sôi nổi, chỉ rõ những cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp SME trong tiếp cận và khai thác thị trường nước ngoài cũng như các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. |
Tại Hội thảo tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hiệu quả, thực chất vào thị trường quốc tế tại TP. HCM chiều 26/12/2024, ông Trần Xuân Thủy, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh rằng dù không có quy mô lớn, nhưng các doanh nghiệp SME giữ vai trò cốt lõi trong sự phát triển kinh tế của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực thay đổi để thích ứng với kỷ nguyên mới, song các SME vẫn đối mặt với hàng loạt thách thức như hạn chế về vốn, nhân lực, và kinh nghiệm trong việc tiếp cận thị trường quốc tế.
Vì lý do đó, sự hỗ trợ từ các cơ quan đại diện nước ngoài trở nên thiết yếu, giúp SME mở rộng thị trường và vươn xa trên trường quốc tế. Mạng lưới đại diện toàn cầu có vai trò kết nối, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiến bước vào môi trường kinh doanh toàn cầu.
Chia sẻ quan điểm này, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, khẳng định hội nhập quốc tế không chỉ là một xu thế mà còn là yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp SME.
Ông cũng chỉ rõ rằng các SME đang gặp phải nhiều rào cản như hạn chế về tài chính, kỹ năng quản lý, kinh nghiệm quốc tế, đổi mới công nghệ, cùng với khó khăn trong việc tiếp cận thông tin và chịu tác động từ các biện pháp phi thuế quan cũng như biến động kinh tế toàn cầu.
10 rào cản khiến DNNVV khó vươn ra biển lớn Ông Tô Hoài Nam chỉ rõ 10 thách thức lớn mà các DNNVV đang phải đối mặt trong hành trình hội nhập. 1. Hạn chế về nguồn lực tài chính: Nhiều DNNVV không có đủ năng lực vốn lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng đã làm hạn chế khả năng mở rộng sản xuất, để đầu tư cho hàng hóa, dịch vụ, công nghệ và khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn hơn và các đối thủ nước ngoài khi tham gia vào các thị trường quốc tế. 2. Thiếu kỹ năng quản lý và kinh nghiệm quốc tế: Nhiều DNNVV thường thiếu kỹ năng quản lý hiện đại, thiếu các nhà quản lý có kinh nghiệm và đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản về thương mại quốc tế nên khó khăn trong việc tiếp cận và khai thác thị trường quốc tế, khó khăn trong việc nắm bắt cơ hội kinh doanh, đàm phán hợp đồng và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. 3. Hạn chế trong đổi mới công nghệ và năng lực sản xuất: Nhiều DNNVV chưa chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ, dẫn đến năng lực sản xuất thấp, chất lượng sản phẩm hàng hóa không đồng đều, khó đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế khiến họ trở nên lạc hậu và khó cạnh tranh. 4. Khó khăn trong tiếp cận thông tin thị trường và đối tác quốc tế: Việc thiếu thông tin về thị trường quốc tế, xu hướng tiêu dùng, cũng như các quy định và tiêu chuẩn xuất khẩu, đối tác kinh doanh. "Sự thiếu hụt thông tin này dẫn đến việc doanh nghiệp không thể xây dựng chiến lược xuất khẩu hiệu quả khiến DNNVV gặp trở ngại trong việc mở rộng hoạt động thương mại quốc tế", ông Nam nhấn mạnh. 5. Thiếu bộ phận pháp chế chuyên trách: Nhiều DNNVV không có bộ phận pháp chế chuyên trách, dẫn đến việc thiếu hiểu biết về các quy định pháp lý, hợp đồng thương mại và quyền sở hữu trí tuệ, dễ gặp rủi ro trong giao dịch quốc tế. 6. Hạn chế trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu: do năng lực cạnh tranh thấp, thiếu liên kết với các doanh nghiệp lớn và hạn chế trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế dẫn đến gặp khó khăn trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp không đủ kinh phí hoặc kinh nghiệm để thực hiện các hoạt động quảng bá và xây dựng thương hiệu. DNNVV thường khó cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính và công nghệ vượt trội. 7. Quy trình xuất nhập khẩu phức tạp: Các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu mặc dù đã được cải thiện nhiều. Tuy nhiên vẫn còn rườm rà, mất thời gian và đòi hỏi nhiều giấy tờ, khiến DNNVV gặp khó khăn trong việc thực hiện giao dịch thương mại quốc tế. 8. Rào cản từ các biện pháp phi thuế quan: Mặc dù thuế quan giảm, các biện pháp phi thuế quan như tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, và các yêu cầu khác vẫn là trỏ ngại lớn đối với DNNVV khi xuất khẩu hàng hóa. 9. Thiếu sự hỗ trợ và kết nối từ các cơ quan chức năng: Sự thiếu phối hợp và hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, hiệp hội ngành nghề trong việc cung cấp thông tin, đào tạo và kết nối với thị trường quốc tế cũng là một hạn chế đối với DNNVV. 10. Rủi ro từ biến động kinh tế toàn cầu: DNNVV cũng phải đối mặt với các rủi ro như: biến động tỷ giá, giá nguyên liệu, hay các thay đổi chính sách thương mại quốc tế. Đây là những yếu tố làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của DNNVV. |
TS. Tô Hoài Nam: "Việc đồng hành và hỗ trợ DNNVV không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là trách nhiệm của các cơ quan đại diện ngoại giao trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng ta cần cùng nhau hợp tác và phát triển một hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ, tạo điều kiện cho DNNVV có thể tự tin và mạnh mẽ bước ra vào “biển lớn”, tham gia ở vị trí xứng đáng trên thị trường toàn cầu". |
Dẫu vậy, các doanh nghiệp SME vẫn gánh trên vai sứ mệnh đưa thương hiệu Việt ra thế giới. Vì vậy, TS. Tô Hoài Nam cho rằng đây chính là thời điểm cần đẩy mạnh sự đồng hành của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với cộng đồng doanh nghiệp.
Điều này sẽ góp phần xây dựng một môi trường hợp tác mạnh mẽ, minh bạch và cởi mở, phù hợp với định hướng của Chính phủ về việc nâng cao vai trò của ngành ngoại giao trong phát triển kinh tế. Sự chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ từ các cơ quan đại diện sẽ trở thành động lực quan trọng giúp SME tự tin hơn khi hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, ông Tô Hoài Nam cho rằng, việc chủ động và tích cực của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ DNNVV trong thương mại quốc tế là cực kỳ cần thiết. Điều này sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Không chỉ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.
Để phát huy tối đa trách nhiệm và vai trò đồng hành với DNNVV, theo ông Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam cần thực hiện một số biện pháp thiết yếu sau nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV trong thương mại quốc tế.
Thứ nhất, cải thiện hệ thống thông tin và tư vấn: Cần xây dựng và tối ưu hóa các kênh thông tin, tư vấn chính thức trên nền tảng trực tuyến tập trung và chuyên biệt để DNNVV nhanh chóng, dễ dàng tìm kiếm thông tin và dữ liệu cần thiết về các thị trường quốc tế, quy định xuất khẩu và cơ hội kinh doanh tiềm năng.
Thứ hai, tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu: thường xuyên triển khai tổ chức các khóa học, hội thảo chuyên đề và chuyên sâu về thương mại quốc tế, kỹ năng xuất khẩu, xây dựng thương hiệu cũng như các vấn đề pháp lý liên quan. Những chương trình này khi được triển khai sẽ mở ra, tạo ra cơ hội kết nối giữa DNNVV và chuyên gia đây là sự bổ sung rất cấp thiết mà thực tế đang yêu cầu.
Thứ ba, thúc đẩy kết nối giữa các doanh nghiệp, xúc tiến thương mại: thường xuyên tổ chức các sự kiện giao lưu, hội chợ triển lãm cùng chương trình xúc tiến thương mại, từ đó giúp DNNVV tìm kiếm cơ hội hợp tác và đối tác nước ngoài. Việc tạo ra những mục tiêu cụ thể trong kết nối kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn đến các nhà nhập khẩu, nhà phân phối và các tổ chức liên quan. Tìm kiếm hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để khai thác các nguồn tài trợ sẽ là một phương thức hiệu quả để cung cấp ngân sách cho các chương trình này.
Thứ tư, hỗ trợ thương thảo hợp đồng và giải quyết xung đột: Các cơ quan đại diện cần thiết lập một số quy trình để có thể cử chuyên viên pháp lý góp mặt trong quá trình thương thảo hoặc cung cấp hỗ trợ pháp lý khi có yêu cầu từ DNNVV.
Thứ năm, ứng dụng công nghệ vào hoạt động hỗ trợ gắn kết chặt chẽ với nghiên cứu phát triển thị trường: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu, phân tích thị trường và xây dựng nền tảng trực tuyến cho hoạt động hỗ trợ thương mại quốc tế đồng thời kết hợp chặt chẽ với hoạt động hợp tác với các tổ chức hội, các viện nghiên cứu và trường đại học để tiến hành các nghiên cứu về xu hướng quốc tế để hỗ trợ DNNVV cập nhật thông tin mới nhất và điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp, góp phần tăng cường sự hiện diện của DNNVV trên thị trường toàn cầu.
Thứ sáu, hỗ trợ nguồn tài chính: đẩy mạnh tìm kiếm, tư vấn và kết nối DNNVV với các nhà đầu tư, tổ chức tài chính và các chương trình hỗ trợ tài chính, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn cần thiết để mở rộng quy mô xuất khẩu.
Thứ bảy, tăng cường mối quan hệ với các cơ quan chức năng: Cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các tổ chức đại diện doanh nghiệp trong nước để tạo nên một hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ cho DNNVV. Để đảm bảo rằng các chính sách và chương trình hỗ trợ triển khai một cách hiệu quả và thống nhất.
"Cuối cùng, xin được nhấn mạnh rằng, việc đồng hành và hỗ trợ DNNVV không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là trách nhiệm của các cơ quan đại diện ngoại giao trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng ta cần cùng nhau hợp tác và phát triển một hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ, tạo điều kiện cho DNNVV có thể tự tin và mạnh mẽ bước ra vào “biển lớn”, tham gia ở vị trí xứng đáng trên thị trường toàn cầu", ông Nam nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Bích Thủy, Giám đốc Ban Quản lý Dự án, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương, Bộ Ngoại giao, khẳng định rằng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thể đóng vai trò cầu nối quan trọng, đồng hành cùng các doanh nghiệp SME. Nhờ đó, các doanh nghiệp không chỉ nhận được sự hỗ trợ để tiếp cận môi trường quốc tế mà còn có cơ hội mở rộng hợp tác, tiến xa hơn trên con đường hội nhập và phát triển, giúp họ “vươn ra biển lớn”.
Ngược lại, bà Thủy cũng cho rằng thông qua các hoạt động trao đổi, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ có cơ hội nắm bắt rõ hơn về thực trạng và nhu cầu của các hiệp hội doanh nghiệp. Từ đây, họ có thể đề xuất và triển khai các chính sách, giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, mở rộng thị trường một cách hiệu quả và thiết thực.