Ảnh minh họa
Khó khăn nằm ở quý II
Đại dịch Covid-19 là nhân tố chính yếu khiến GDP toàn cầu sụt giảm tới 3% trong quý đầu tiên năm 2020. Trong đó, GDP quý I của các siêu cường là đối tác kinh tế lớn của Việt Nam giảm rất mạnh, bao gồm Mỹ (giảm 4,8%), Trung Quốc (giảm 6,8%), EU (giảm 3,5%), Anh (giảm 1,6%). Đặc biệt, Trung Quốc lần đầu tiên trong hơn 40 năm cải cách, có mức tăng trưởng lao dốc trong quý lớn như vậy.
Trong bối cảnh đó, tăng trưởng đạt hơn 3,8% trong quý I của Việt Nam rất đáng khích lệ. Nhưng tăng trưởng này có tính thêm cả yếu tố Tết Âm lịch, tác động từ chính sách cấm rượu bia...
Hơn nữa, trong quý I, Việt Nam hầu như chưa có tác động của giãn cách xã hội trong diện rộng. Đồng thời, các nước là thị trường xuất khẩu của Việt Nam chưa chịu tác động nhiều. Các đầu vào nhập khẩu của Việt Nam tuy bị hạn chế hơn, song không đến nỗi trầm trọng do doanh nghiệp (DN) có dự phòng.
Một động lực quan trọng nữa là FDI trong quý I vẫn tăng trưởng. Đặc biệt, Samsung Electronics Việt Nam tăng trưởng tốt vì họ đã kịp rút ra khỏi Trung Quốc. Họ chỉ có cơ sở ở Việt Nam và vài cơ sở ở Hàn Quốc, vì vậy dù có chịu tác động nhưng không lớn và đạt kết quả kinh doanh đáng khích lệ, góp phần cho tăng trưởng/xuất khẩu của Việt Nam.
Đánh giá khái lược kết quả kinh doanh quý I-2020 của DN niêm yết trên thị trường chứng khoán cho thấy, nhiều ngành gặp khó khăn nhưng cũng có ngành gặp thuận lợi hơn.
Đó là những ngành phục vụ trực tiếp cho phòng chống bệnh dịch và sinh hoạt thời đại dịch, như DN chuyển đổi kịp thời sang sản xuất vật tư/công cụ y tế, nhất là khẩu trang; DN y dược, phục vụ giáo dục trực tuyến (như máy tính, laptop); thương mại điện tử, và một số ngành kinh tế số khác; các ngành kinh doanh viễn gián (giao hàng, chuyển phát nhanh…). Một số ngành cũng hưởng lợi gián tiếp từ việc giá dầu giảm bao gồm nhựa, phân đạm…
Song vấn đề nghiêm trọng hơn từ quý II, khi Việt Nam thực hiện giãn cách/cách ly trên diện rộng và các thị trường xuất khẩu lớn (đóng cửa trên diện rộng) gặp khó khăn hơn, nhất là hàng hóa không quá cần thiết đối với những nước sa vào đại dịch.
Trong tình hình đó, Việt Nam đã có những gói kích thích kinh tế lớn và đa dạng chưa từng có, với những gói kích thích về bản chất là kích cầu. Các gói kích thích này đang được xây dựng, chi tiết hóa và triển khai nên chưa thể đánh giá tính hữu hiệu của chúng.
Chính sách kích thích đặt trong bối cảnh toàn cầu
Việc kích thích kinh tế ở Việt Nam cũng cần đặt giữa các yếu tố mới lần đầu tiên có trong lịch sử, như chính sách kích thích kinh tế, kích cầu toàn cầu. Bởi điều này ảnh hưởng đến sự tác động qua lại giữa các chính sách tiền tệ giữa các quốc gia với nhau. Việt Nam cũng thực hiện kích thích trong bối cảnh chằng chịt mạng lưới sản xuất/chuỗi giá trị khu vực và hệ thống hiệp định thương mại tự do (FTA) toàn cầu.
Chuỗi giá trị này có ảnh hưởng rất mạnh đến sự lan truyền chính sách tiền tệ (nhất là tỷ giá), so với việc trước đây chỉ có 2 nước quan hệ với nhau.
Yếu tố nữa cần quan tâm khi triển khai các gói kích thích, là Việt Nam đã rất mở về kinh tế/thương mại, có độ mở hơn về chính sách tỷ giá, độ mở tài chính vượt xa trình độ phát triển tài chính. Vì thế, vấn đề ở đây phải xác định rõ nguyên nhân gây bệnh và gây suy giảm kinh tế Việt Nam, suy thoái toàn cầu, không phải yếu kém của các định chế tài chính, nền kinh tế hay cấu trúc nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các nhân tố mới hỗ trợ tăng trưởng (đầu tư, thương mại, cải cách thể chế) bao gồm CPTPP, EVFTA, đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và chính sách hướng Nam của Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản, cũng như chiến lược rút đầu tư khỏi Trung Quốc, phải được tính đến đầy đủ khi thiết kế dung lượng và đối tượng kích thích kinh tế/kích cầu.
Điều này sẽ giúp chúng ta đỡ bỏ phí các nguồn lực. Đại dịch Covid có thể không được xử lý dứt điểm trong phạm vi toàn cầu, do vậy chúng ta phải chuẩn bị tâm thế cho điều này, để có thiết kế chiến lược, chính sách hỗ trợ tăng trưởng phù hợp trong dài hạn.
Nguyên tắc kích cầu phải đúng thời điểm, đúng liều lượng và đúng đối tượng. Do vậy cần xét trên thực tiễn tác động của đại dịch (mức độ, phạm vi, tính dài, ngắn hạn, tính trực tiếp/gián tiếp/liên đới) của từng nhóm DN theo ngành hàng, đặc điểm ngành hàng và cả mức độ tác động và hiệu quả kinh doanh dự kiến.
Lý tưởng nhất là xác định, phân tích được sớm, đầy đủ các yếu tố này. Việc cào bằng hỗ trợ DN hay không tính đến đầy đủ các yếu tố trên, có thể làm giảm hiệu quả kích cầu, thậm chí bị trục lợi, gây mất lòng tin trong cộng đồng.
Những bất cập trong kích cầu trong lịch sử, hay ở Mỹ hiện nay cũng như những vấn đề nảy sinh ở Việt Nam, cho thấy cần phải có sự chuẩn bị kỹ. Tuy vậy, nguyên tắc kích thích đúng thời điểm đặt ra những khó khăn nhất định cho việc này, đòi hỏi phải phân tích nhanh và có dung lượng/mức ưu đãi phù hợp cho từng đối tượng.
Có thể phải xây dựng hệ thống hậu kiểm/phạt nguội những khai báo không trung thực của người thụ hưởng hỗ trợ của Chính phủ, để vừa bảo đảm tính tức thời, hiệu quả và nghiêm minh của chính sách kích cầu. Tuy nhiên, để thực hiện điều này cũng không dễ.
Yên Lam (ghi)