Khuyến cáo về mua sắm online trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp

16:17 31/07/2021

Đại dịch COVID-19 cùng những yêu cầu về giãn cách, phong tỏa, hạn chế tiếp xúc đã làm người tiêu dùng quan tâm hơn đến mua sắm trực tuyến. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương có một số khuyến cáo với người tiêu dùng để mua sắm trực tuyến hiệu quả và tránh rủi ro.

 Ảnh minh họa.

Tại Việt Nam, theo Sách trắng Thương mại điện tử năm 2021, tỉ lệ người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng từ 77% trong năm 2019 lên 88% trong năm 2020. Sự gia tăng các giao dịch qua thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cụ thể:

Đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của bản thân và gia đình, đồng thời đảm bảo yếu tố an toàn: Trong bối cảnh giãn cách, phong tỏa, gần như “đóng băng” mọi hoạt động thì nhu cầu của người tiêu dùng vẫn hiện hữu, đặc biệt là những nhu cầu cơ bản như ăn, mặc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Mua sắm qua mạng giúp người tiêu dùng đáp ứng được những nhu cầu này mà vẫn đảm bảo yếu tố an toàn do không phải di chuyển đến nhiều địa điểm mua sắm.

Tiện lợi, nhanh chóng: Người tiêu dùng không phải xếp hàng chờ đợi như mua sắm truyền thống. Người tiêu dùng chỉ cần ở nhà, lên mạng chọn mua và chờ vận chuyển hàng đến nhà.

Tạm thời xoa dịu tâm trạng trong bối cảnh nguy hiểm của đại dịch: Khi việc giãn cách, phong tỏa diễn ra trong thời gian dài, người tiêu dùng dễ rơi vào trạng thái tiêu cực như buồn chán, cô đơn, có xu hướng dễ cáu giận, bực bội… mua sắm qua mạng là một trong những phương thức giải tỏa tạm thời những cảm xúc này.

Có thể thấy, bên cạnh lợi ích về việc đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng, mua sắm qua mạng trong đại dịch còn có nhiều lợi ích về mặt tâm lý cho người tiêu dùng. Một số người tiêu dùng còn cho rằng, mua sắm qua mạng khi phải giãn cách quá lâu giống như cảm giác chờ đợi, hy vọng những món quà. 

Những tác hại khi mua sắm quá nhiều trong đại dịch

Tuy nhiên, bên cạnh mặt lợi, sự gia tăng mua hàng qua mạng trong thời kỳ dịch bệnh cũng có nguy cơ mang lại những tác động tiêu cực cho người tiêu dùng, cụ thể như sau:

Mua sắm qua mạng quá dễ và nhanh làm người tiêu dùng dễ chi tiêu quá mức thu nhập của bản thân, gia đình: Với sự phát triển của thương mại điện tử và sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, người tiêu dùng được trải nghiệm những dịch vụ tốt nhất, dễ dàng và nhanh chóng nhất khi mua sắm qua mạng. Chỉ với một vài click chuột, người tiêu dùng đã có thể mua rất nhiều mặt hàng. Điều này cũng làm xuất hiện và gia tăng tình trạng chi tiêu quá nhiều, thậm chí quá mức thu nhập của bản thân và gia đình.

Có xu hướng mua những thứ không cần thiết do quá buồn chán: Do có quá nhiều thời gian rảnh, người tiêu dùng dễ có xu hướng mua sắm những thứ để thỏa mãn sở thích nhất thời như đặt mua quá nhiều đồ ăn khi đang đói, đặt mua nhiều trang phục, thiết bị cho những chuyến đi xa sau khi kết thúc giãn cách, phong tỏa, đặt mua quá nhiều dụng cụ làm bếp có thể không thực sự hữu ích…

Người tiêu dùng đối mặt nhiều hơn với những vi phạm quyền lợi khi mua hàng qua mạng như hàng hóa không giống như quảng cáo, hàng không áp dụng đồng kiểm, hàng giao chậm, đã thanh toán nhưng không giao hàng, bảo mật thông tin cá nhân…

Một số lưu ý cho người tiêu dùng

Bất chấp một số tác động tiêu cực, có một thực tế mà nhiều người tiêu dùng thừa nhận là mua sắm qua mạng vẫn là một lựa chọn tối ưu trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, việc trang bị những kiến thức, kỹ năng để có thể thực hiện các giao dịch thương mại điện tử một cách tốt nhất là rất cần thiết đối với mỗi người tiêu dùng. Trong quá trình này, người tiêu dùng có thể tham khảo một số khuyến nghị sau:

Thứ nhất, ưu tiên mua hàng từ những trang thương mại điện tử uy tín, có đăng ký, thông báo tới Bộ Công Thương. Trong trường hợp mua hàng trên mạng xã hội, lựa chọn những tài khoản uy tín, có lịch sử bán hàng lâu dài.

Thứ hai, chỉ thực hiện các giao dịch khi bản thân, gia đình thực sự có nhu cầu sử dụng sản phẩm: Xác định các nhu cầu cơ bản và quan trọng trong lúc áp dụng giãn cách, phong tỏa và đặt ra mục tiêu chỉ mua sắm để đáp ứng những nhu cầu đó.

Thứ ba, cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn hàng hóa cần mua cũng như số lượng hàng hóa, tránh tình trạng mua hàng không thực sự cần thiết và mua với số lượng quá nhiều.

Thứ tư, ưu tiên mua những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu cơ bản trong đại dịch như nhu yếu phẩm, thực phẩm, đồ dùng gia đình, quần áo phục vụ nhu cầu hàng ngày… Tránh mua những sản phẩm chưa sử dụng được trong thời điểm này như trang phục dự tiệc, trang phục dành cho đi du lịch, đồ dã ngoại, thiết bị điện tử dùng cho những dịp đặc biệt,…

Thứ năm, khi nhận hàng: Đối chiếu thông tin trên biên lai giao hàng với đơn hàng trên mạng nhằm hạn chế tình trạng thanh toán cho đơn hàng mà mình không đặt cũng như nhận hàng không đúng với sản phẩm đã đặt mua.

Thứ sáu, tránh mua hàng qua mạng khi thể trạng và tinh thần mệt mỏi. Tình trạng này có thể dẫn tới việc không so sánh giá cả, so sánh các nhà bán hàng, mua sắm để thỏa mãn nhu cầu lúc đó (mua rất nhiều đồ ăn trong lúc đói dẫn tới tình trạng không thể tiêu thụ hết đồ ăn) hoặc đơn giản là chỉ muốn mua sắm để tâm trạng tốt lên.

Thứ bảy, dành thời gian sắp xếp, dọn dẹp lại đồ đạc trong nhà để biết rõ nhà mình đã có những đồ đạc nào, thực sự cần và không cần đồ gì nhằm tránh tình trạng mua sắm theo cảm hứng, gây lãng phí tiền bạc và làm giảm lợi ích của thương mại điện tử.

Theo Baochinhphu.vn