22.000 ha rừng ở huyện Ea Sup (Đắk Lắk) biến mất, nhưng lãnh đạo 4 công ty lâm nghiệp ở huyện Ea Sup là Cư Mlan, Rừng Xanh, Ia Lốp và Ia Mơ, đều có chức năng quản lý và bảo vệ rừng, khi được hỏi, đều lắc đầu: không biết và…không thấy.
Đường dây khai thác than lậu khổng lồ, ước tính hơn 100.000 tấn, trị giá hơn 200 tỷ đồng, tại khu vực Vỉa Dây, Tây Khe Sim, thuộc khai trường quản lý khai thác của Công ty khai thác than Hạ Long (TKV) có vị trí tại phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, vừa bị công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện, bóc gỡ. Đây là đường dây khai thác than lậu lớn nhất từ trước đến nay bị phát hiện, việc khai thác than lậu này đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và tài nguyên. Nhưng từ tổng cục địa chất, TKV đến công ty khai thác than Hạ Long và lãnh đạo địa phương đều…không biết, không thấy.
Đúng là những chuyện “không tin được, dù đó là sự thật”.
22.000 ha rừng là một diện tích rừng khổng lồ, tương đương với 2 huyện vùng đồng bằng. 22.000 ha rừng đó chứa một lượng gỗ hàng chục ngàn khối, trong đó có hàng ngàn khối gỗ nhóm 1, là nhóm đặc biệt quý hiếm, nằm trong quy định phải bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Lâm tặc không thể khai thác, vận chuyển ngày một, ngày hai mà hết. Chúng cũng không thể chặt bằng tay, vác trên vai chừng ấy gỗ ra khỏi rừng, mà phải dùng cơ giới mở đường, dùng cưa máy chặt gỗ, xẻ gỗ rồi dùng cơ giới chở gỗ ra khỏi rừng. Tóm lại, để chặt trụi từng ấy ha rừng, phải là một “đại công trường” khai thác gỗ, hoạt động hết sức rầm rộ cả ngày lẫn đêm. Thế mà 4 lâm trường có chức năng quản lý, bảo vệ rừng, thêm vào đó là một lực lượng kiểm lâm hết sức hùng hậu, cài cắm người đến tận từng xã, chưa kể lực lượng công an từ xã đến tỉnh, tất cả đều…không biết, không thấy?
Còn việc khai thác than? Đã có những quy định hết sức nghiêm ngặt về lĩnh vực này, bởi một khi đã hạ gầu máy xuống múc đất, múc than lên là đụng đến tài nguyên, môi trường. Vì vậy muốn khai thác, trước hết phải lập quy hoạch. Quy hoạch đó phải được Tập đoàn than - khoáng sản trình lên Thủ tướng, và chỉ được phép khai thác sau khi Thủ tướng cho phép. Sau đó mới đến việc đưa được than lên khỏi mặt đất. Việc này cũng hết sức phức tạp. Phải mở hầm, chống hầm. Đào hầm ở chỗ nào? Dùng vật liệu nào để chống hầm? Dùng thiết bị gì để bơm dưỡng khí xuống hầm? Tất cả cần những kỹ thuật hết sức phức tạp. Có được những thước hầm an toàn, đúng kỹ thuật rồi mới đưa người, đưa máy móc xuống lòng đất để cuốc than. Để lấy được một tấn than, phải bóc gỡ hàng chục tấn đất đá. Số đất đá đó cần một bãi rất rộng để chứa, để xử lý. Đào được than lên rồi, cần vận chuyển đi tiêu thụ. Việc vận chuyển cần những chiếc tàu có trọng tải hàng ngàn tấn…Tóm lại, để lấy được một tấn than từ lòng đất lên, cần tổ chức, vận hành cả một đại công trường hết sức nhộn nhịp, nhộn nhịp hơn cả việc làm đường, chặt gỗ xẻ gỗ, vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Ấy thế mà cả một lực lượng hết sức đông đảo, nhưng không hiểu sao tất cả đều không biết.
Chao ôi, nếu cái gì cũng… không biết, không thấy như vậy, thì chẳng bao lâu nữa toàn bộ rừng trên đất nước ta sẽ biến mất, còn tài nguyên dưới lòng đất thì sẽ bị móc không còn một tý gì./.
Vũ Hữu Sự