Tại phiên chuyên đề trực tuyến thương mại điện tử có tên “Chuyển đổi số doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, phát triển thương mại điện tử góp phần thúc đẩy kinh tế số” thuộc chương trình Hội thảo Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ công trực tuyến, phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025 & Giải pháp phát triển đô thị thông minh, thương mại điện tử góp phần thúc đẩy kinh tế số, bà Lương Thị Hồng Hạnh – người phụ trách khối chuyển đổi số của Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã đại diện cho hệ thống ngân hàng cho ý kiến trong việc hỗ trợ các DN nhỏ và vừa.

Bà Lương Thị Hồng Hạnh cho biết, từ góc độ của dịch vụ tài chính ngân hàng, ngân hàng không chỉ hỗ trợ mà còn mong muốn đồng hành với các DN vừa và nhỏ. Theo đó, bà Lương Thị Hồng Hạnh đã đưa ra những ví dụ về giải pháp tài chính giúp DN nhỏ và vừa phục hồi nhanh sau đại dịch. 

Cụ thể theo bà Hạnh, sau khi đại dịch bùng phát, phía ngân hàng đã có một số phương án như: Các giải pháp thanh toán thương mại điện tử phục vụ kênh kinh doanh mới; Các giải pháp thanh toán trực tuyến trong các chuỗi cung ứng; Các hoạt động kết nối tài chính đóng gói với giao thương toàn cầu; Các công cụ dự đoán dòng tiền, sao kê giao dịch được thực hiện số hóa; Tái cấu trúc nợ đối với các nhóm ngành bị ảnh hưởng bởi Covid; Các giải pháp tài chính đa dạng (vay, thanh toán, giao dịch) được đóng gói và kết hợp lợi ích từ các nhà cung cấp dịch vụ khác trong hệ sinh thái cho DN vừa và nhỏ; Cấp khoản vay mới dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về khách hàng; Các hoạt động phi tài chính: đào tạo chuyển đổi số hóa tài chính, quản lý dòng tiền, duy trì kinh doanh liên tục...

Về phía Hiệp hội DN nhỏ và vừa, ông Nguyễn Kim Hùng – Phó Viện trưởng Viện Khoa học quản trị DN nhỏ và vừa, đã đưa ra nhận định về tình hình hiện tại, cùng với đó là đề xuất của Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam.

Theo đó ông Hùng cho biết: Từ năm ngoái tới năm nay, Hiệp hội DN nhỏ và vừa đã có rất nhiều chương trình, tham gia tham mưu cho các Bộ. Thời điểm này, các DN nhỏ và siêu nhỏ đang vô cùng khó khăn, từ vấn đề sản xuất cho tới thị trường. 

Đặc biệt, hiện có một chương trình Hiệp hội đang muốn trình lên Chính phủ trong thời gian ngắn. Cụ thể ông Hùng cho rằng Chính phủ nên có một chương trình mang cụm từ “Giải cứu doanh nghiệp”. "Trước đây ta có giải cứu nông sản thì nay ta cần giải cứu DN nhỏ và siêu nhỏ trong hoàn cảnh này. HH rất mạnh dạn trình đề xuất này lên." - ông Hùng phát biểu tại phiên tọa đàm.

Theo Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8/2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; 30,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%.

Hà Linh