Phạm vi nghiên cứu theo địa giới hành chính huyện Dầu Tiếng với diện tích là 72.109,5 ha; bao gồm thị trấn Dầu Tiếng và 11 xã bao gồm: Định An, Định Thành, Long Tân, Minh Hòa, Long Hòa, Thanh Tuyền, An Lập, Minh Tân, Minh Thạnh, Định Hiệp, Thanh An; tiếp giáp như sau: Phía Bắc giáp Hồ Dầu Tiếng và huyện Hớn Quản, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; Phía Nam giáp sông Sài Gòn (bên kia sông là huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh) và thị xã Bến Cát; Phía Đông giáp huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương và huyện Chơn Thành; Phía Tây giáp hồ Dầu Tiếng, sông Sài Gòn (bên kia hồ Dầu Tiếng và sông Sài Gòn là huyện Tân Châu, huyện Dương Minh Châu và thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh).
Theo đó, cụ thể hoá định hướng quy hoạch vùng Thành phố Hồ Chí Minh, quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương, quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội tỉnh Bình Dương và các quy hoạch ngành của tỉnh Bình Dương.
Định hướng phát triển không gian toàn huyện phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội đã đề ra trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đã phê duyệt, bao gồm sự phát triển của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, định hướng sử dụng đất, các đô thị, các khu chức năng.
Đồ án là cơ sở pháp lý để quản lý về hoạt động xây dựng trên toàn huyện, nhằm đảm bảo sự phát triển không gian của vùng đúng với các định hướng đã đề ra trong đồ án. Đồng bộ quy hoạch xây dựng với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch kinh tế - xã hội; làm cơ sở để triển khai các đồ án quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch chi tiết, lập các dự án đầu tư và thực hiện đầu tư theo quy hoạch được phê duyệt, trong giai đoạn 2021-2025, 2026-2030 và 2011-2040.
Việc quy hoạch được thực hiện theo từng giai đoạn: Giai đoạn 2021 – 2025: tiếp tục phát triển theo hướng nông nghiệp – công nghiệp - đô thị - dịch vụ du lịch; Giai đoạn 2025 – 2030: chuyển dịch phát triển theo hướng công nghiệp - nông nghiệp - đô thị - dịch vụ du lịch; Giai đoạn 2030 – 2040: huyện phát triển theo hướng công nghiệp – đô thị - dịch vụ du lịch – nông nghiệp.
Huyện Dầu Tiếng là vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh, trong đó nông nghiệp ứng dụng công nghệ đóng vai trò chủ lực; Vùng sản xuất công nghiệp mới của tỉnh, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với phát triển đô thị ở các khu vực phía nam đường ĐT750; Vùng cảnh quan, khu vực xanh của Bình Dương phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí.
Huyện Dầu Tiếng có 4 đô thị vệ tinh quan trọng của tỉnh là đô thị Dầu Tiếng, đô thị Thanh Tuyền, đô thị Long Hòa và đô thị Minh Hòa; là khu vực phát triển đô thị và công nghiệp mới ở phía Bắc tỉnh Bình Dương, hình thành nên chuỗi các đô thị vệ tinh, tạo động lực phát triển cho khu vực phía Bắc tỉnh Bình Dương.
Hoàng Thu