HSBC: Lạm phát ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát

23:40 15/06/2022

Chuyên gia HSBC đánh giá lạm phát toàn phần nhiều khả năng sẽ sớm tăng mạnh, nhất là trong bối cảnh giá năng lượng tăng lên. Giá dầu thế giới dù đã “hạ nhiệt” so với đỉnh hồi tháng Ba song vẫn ở mức cao, trong khi giá khí đốt tự nhiên vẫn tiếp tục tăng.

Bộ phận nghiên cứu toàn cầu HSBC vừa đưa ra báo cáo đánh giá tình hình lạm phát tại Việt Nam và các nước khác trong ASEAN với tựa đề “Rủi ro lạm phát lớn tới đâu?”

Theo các chuyên gia của HSBC, khác với nhiều khu vực trên thế giới, lạm phát chưa phải vấn đề đáng lo ngại với châu Á trong vòng một năm qua, tuy nhiên, tình hình đang thay đổi khá nhanh.

Ở các nước thuộc khối ASEAN, rủi ro lạm phát đã có chiều hướng tăng từ đầu năm 2022 khiến cả lạm phát cơ bản lẫn toàn phần đều tăng cao hơn so với mức trước đại dịch. Mặc dù vậy, tác động ở mỗi nước một khác, cụ thể, áp lực lạm phát với Singapore, Thái Lan và Phillipines có phần nặng nề hơn trong khi ở Việt Nam, Malaysia và Indonesia thì lạm phát vẫn ở mức tương đối.

Lạm phát ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát
Lạm phát ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát.

Chuyên gia HSBC đánh giá lạm phát toàn phần nhiều khả năng sẽ sớm tăng mạnh, nhất là trong bối cảnh giá năng lượng tăng lên. Giá dầu thế giới dù đã “hạ nhiệt” so với đỉnh hồi tháng Ba song vẫn ở mức cao, trong khi giá khí đốt tự nhiên vẫn tiếp tục tăng.

Đây không phải một tin vui với các nước trong khối ASEAN. Ngoại từ Malaysia và Indonesia (xét về khí đốt tự nhiên và than đá), các nền kinh tế còn lại đều là những quốc gia nhập khẩu ròng năng lượng.

Đối với Việt Nam, chuyên gia HSBC phân tích lạm phát giá năng lượng cũng đã kéo dài được một thời gian. Giá vận tải tăng cao kỷ lục, vượt qua lạm phát thực phẩm để trở thành động lực chính thúc đẩy lạm phát toàn phần của Việt Nam.

Bên cạnh giá dầu thế giới tăng, nguồn cung xăng dầu trong nước thiếu hụt càng khiến tình trạng khan hiếm năng lượng của Việt Nam nghiêm trọng hơn. Từ tháng Một năm nay, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã giảm công suất và gần như không hoạt động vào tháng Hai, trước khi nâng công suất lên khoảng 80% vào tháng Ba. Tình hình này buộc các cơ quan chức năng phải tìm kiếm nguồn thay thế nhằm giảm nhẹ áp lực năng lượng.

Chính phủ Việt Nam đã cam kết nhập thêm 2,4 triệu mét khối xăng trong quý 2/2022, trong khi đó, kể từ ngày 1/4, Chính phủ cũng đã cắt giảm thuế bảo vệ môi trường, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại thuế phí đánh vào nhiên liệu, xuống 2.000 đồng đối với xăng và 700-1.000 đồng đối với các loại nhiên liệu khác.

“Dù vậy, bất chấp giá năng lượng tăng lên, lạm phát thực phẩm ở mức vừa phải, chiếm tỷ trọng lớn hơn trong rổ CPI, đã giúp kiểm soát mức tăng chung của lạm phát toàn phần tính tới thời điểm này,” chuyên gia HSBC đánh giá.

Bên cạnh giá năng lượng tăng, chuyên gia HSBC cũng chỉ ra hiện giá thực phẩm cũng đang tăng mạnh, đặc biệt là dầu ăn. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là mức độ ảnh hưởng của nhóm hàng năng lượng và thực phẩm lên nhóm hàng cơ bản.

“Theo ước tính của chúng tôi, mức độ ảnh hưởng ở các nước ASEAN là không đồng đều, trong đó Philippines là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất, sau đó tới Malaysia và Indonesia, còn ở Việt Nam và Thái Lan thì ảnh hưởng không nhiều. Ngoại trừ ở Singapore, lạm phát cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát, dao động xung quanh hoặc xuống dưới mức giữa mục tiêu lạm phát hoặc mức dự báo của ngân hàng trung ương. Mức độ gia tăng áp lực giá các mặt hàng cơ bản sẽ phụ thuộc một phần vào sự phục hồi của thị trường lao động mỗi nước,” chuyên gia HSBC nhận định.

HSBC cũng cho biết ASEAN sẽ không tránh được tác động của giá cá tăng lên. Vì vậy chuyên gia HSBC đã nâng mức dự báo năm 2022 với Thái Lan, Singapore, Indonesia và Philippines; giảm nhẹ mức dự báo năm 2022 với Việt Nam do giá thực phẩm trong nước ổn định nhiều khả năng sẽ giúp kiềm chế lạm phát toàn phần.

PV