Hỗ trợ sản xuất kinh doanh phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng

15:35 04/03/2024

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, bên cạnh những chính sách giảm thuế để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phục hồi, vẫn cần thêm những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ để tạo đà tăng trưởng.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, trong 2 tháng đầu năm 2024 kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu có mức tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng hơn 27% so với cùng kỳ, cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp. Do vậy, bên cạnh những chính sách giảm thuế để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phục hồi, vẫn cần thêm những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ để tạo đà tăng trưởng.

Ảnh minh họa
Chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh để doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng. Ảnh: TL.

PV: Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm, cả nước có hơn 41.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhưng có gần 63.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là hơn 49.000 doanh nghiệp, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2023. Những con số trên cho thấy doanh nghiệp đang đối mặt với những khó khăn, thách thức, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Trước hết, các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong năm 2023 bị ảnh hưởng nặng nề bởi nền kinh tế thế giới khi tổng cầu suy giảm mạnh, dẫn đến giao thương quốc tế giảm sút. Cho nên, tăng trưởng của cả nền kinh tế, cũng như lĩnh vực xuất nhập khẩu đều không đạt được mục tiêu đề ra, chính vì vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp không thể chống giữ được và thực tế từ cuối năm 2023 và đầu 2024, số lượng doanh nghiệp xin ngừng hoạt động tương đối cao, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 1/2024 tăng đến 42% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 2 tháng đầu năm 2024 tăng 19,2% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, khi số doanh nghiệp thành lập mới tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023, thì số lượng doanh nghiệp xin ngừng hoạt động tăng hơn 27% so với cùng kỳ.

Tôi cho rằng, nếu so với số lượng doanh nghiệp thành lập mới 2 tháng đầu năm 2023, thì số lượng thành lập mới cũng tăng đáng kể, nhưng so với con số ngừng kinh doanh thì Nhà nước cần xem xét tiếp tục hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

PV: Ông đánh giá thế nào về bức tranh xuất khẩu từ đầu năm đến nay của doanh nghiệp?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi, các hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp tương đối tốt, tháng 1/2024 tăng trưởng 42% so với cùng kỳ. Còn xuất khẩu hàng hóa trong 2 tháng đầu năm 2024 tăng 19,2%. Trong khi đó, tháng 1 là tháng sau Tết Dương lịch và tháng 2 vào Tết Âm lịch có thời gian nghỉ dài, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng 19,2% là cao so với thực tiễn, cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu đang chuyển biến tích cực, tạo thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu vào khả năng phục hồi của thị trường.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất khó khăn. Vậy ông có khuyến nghị gì để tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp sớm phục hồi?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Như đã phân tích ở trên, số doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng vừa qua có chiều hướng tăng so với cùng kỳ, nhưng số doanh nghiệp ngừng kinh doanh cũng tăng mạnh, đây cũng là một trong những điểm mà chúng ta cần quan tâm về mặt chính sách.

Ảnh minh họa
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh.

Theo tôi, Chính phủ nên có những nghiên cứu để tiếp tục thực hiện miễn giảm các loại phí, lệ phí và tiền thuê đất như năm 2023 để giúp cộng đồng doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất kinh doanh, cùng với đó cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hiện nay, các doanh nghiệp đang trong quá trình hồi phục, vì vậy Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét kéo dài thời gian giãn, khoanh nợ, vì theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn có thời hạn đến 1/7/2024, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn. Tuy nhiên, ngân hàng cũng nên cân nhắc cho tất cả doanh nghiệp, hay là một số các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực, ngành nghề nào đó đang gặp khó khăn nhất để đề xuất gia hạn Thông tư 02 cho phù hợp.

PV: Để thúc đẩy tăng trưởng ngay từ các quý đầu năm 2024, theo ông cần những giải pháp gì để tạo động lực?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi, thứ nhất, chúng ta phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung sớm phân bổ hết vốn đầu tư công, đồng thời triển khai đẩy mạnh thi công các công trình trọng điểm, xây dựng cơ bản có tính lan tỏa cao. Việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công tốt chính là đòn bẩy mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và phát triển trong thời gian tới.

Thứ hai, bên cạnh việc miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, cần xem xét giảm phí, lệ phí, tiền thuê đất... Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí hơn cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh, cần tổ chức lại hoạt động logistics xuất nhập khẩu, cũng như tiêu thụ hàng hóa thị trường trong nước.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ chế chính sách để thúc đẩy đầu tư tư nhân cũng như thu hút đầu tư nước ngoài, thực tế trong mấy năm gần đây thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam có nhiều điểm sáng. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, cần rà soát xem xét để có các biện pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài một cách tốt nhất khi Việt Nam đã áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn.

Kinh tế 2 tháng đầu năm có nhiều tín hiệu tích cực PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay, bức tranh kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 có nhiều tín hiệu tích cực, kinh tế vĩ mô ghi nhận nhiều điểm sáng như: Sản xuất công nghiệp tăng 5,7%; xuất khẩu tăng 19,2%, xuất siêu 4,7 tỷ USD; lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 68% so với cùng kỳ. Đây là tiền đề để tin rằng năm 2024 nền kinh tế sẽ có được bước hồi phục và tăng trưởng tốt hơn năm 2023.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đức Việt