Thông tin này mới đây đã được đại diện Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh (Tổng cục Thuế) khẳng định.
Theo đó, hộ kinh doanh lớn sẽ phải nộp thuế theo hình thức kê khai và thực hiện chế độ kế toán như doanh nghiệp là một nội dung mới được quy định tại Luật Quản lý thuế số 38.
Thông thường, thời gian qua các hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn áp dụng thuế khoán, không phải lưu giữ sổ sách kế toán, chứng minh đầu vào, kê khai với Cơ quan Thuế, trong khi đó họ vẫn xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) bình thường. Vì vậy, một số hộ kinh doanh lợi dụng việc này để buôn bán hóa đơn GTGT mặc dù không có hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vì lẽ đó, mục đích chính của quy định quản lý thuế đối với hộ kinh doanh lớn được đưa vào luật là để quản lý chặt chẽ những hộ lớn sử dụng hóa đơn GTGT, tránh buôn bán hóa đơn GTGT để hợp thức hóa đầu vào cho doanh nghiệp. Hiện cả nước có hơn 100.000 hộ lớn, hoạt động tập trung ở các thành phố lớn.
Theo Dự thảo, tùy theo lĩnh vực kinh doanh và quy mô doanh thu, hộ kinh doanh có 10 lao động nộp bảo hiểm sẽ phải thực hiện sổ sách kế toán như doanh nghiệp siêu nhỏ.
Cụ thể, tổng doanh thu của năm từ 3 tỉ đồng đối với hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng; từ 10 tỉ đồng với những hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ...
Nhìn nhận từ các Cơ quan Thuế cho thấy, các cơ quan này vận động hộ cá nhân lên doanh nghiệp nhưng do không có biện pháp bắt buộc nên họ vẫn ở trong mô hình hộ kinh doanh và như vậy họ không phải thực hiện các chế độ kế toán, không bị thanh tra kiểm tra...
Thế nhưng, ở một góc nhìn khác, việc yêu cầu các hộ kinh doanh lớn phải thực hiện sổ sách kế toán là một bước để thúc đẩy các hộ lên doanh nghiệp. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, việc yêu cầu các hộ lớn kê khai thuế theo đúng doanh thu từng được các Cơ quan Thuế thực hiện nhưng thất bại.
Chẳng hạn một hộ kinh doanh đang được khoán doanh thu 1 tỉ đồng/tháng, hộ bên cạnh cũng khoán 1 tỉ, nếu họ kê khai lên 1,5 tỉ, nhưng hộ bên cạnh chỉ kê khai 1 tỉ, họ sẽ thấy rõ... bị thua thiệt. Khi đó, họ phải nộp thuế nhiều hơn, khó cạnh tranh được với hộ kinh doanh khác trong khi nếu vẫn kê khai và nộp thuế với doanh thu như cũ thì họ cũng không bị gì.
Theo sự thay đổi lớn này, tới đây các hộ kinh doanh lớn phải thực hiện sổ sách kế toán và kê khai định kỳ với Cơ quan Thuế về các chi phí liên quan đến hàng hóa dịch vụ.
Được biết, về chế độ kế toán với đối tượng này, Bộ Tài chính đang hoàn thiện Dự thảo thông tư với nguyên tắc rất đơn giản và không phải quyết toán thuế, báo cáo tài chính như doanh nghiệp. Hộ không bị tính thuế doanh thu trừ chi phí, không hạch toán các tài khoản như doanh nghiệp mà chỉ có 4 sổ để theo dõi doanh thu, tiền lương, thu chi và hàng hóa dịch vụ mua vào.
Như vậy, thời gian tới, hộ kinh doanh vẫn phải có sổ theo dõi. Với quy định mới, chỉ hợp thức hóa bằng quy định và buộc họ phải lưu giữ và xuất trình, với hình thức hết sức đơn giản.
Hộ kinh doanh lớn sẽ không được xuất hóa đơn GTGT do họ tự phát hành mà chỉ được xuất hóa đơn bán hàng và hóa đơn GTGT do cơ quan thuế in.
Về tính thuế đối với hộ lớn, đại diện Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh cho hay vẫn tính thuế trên doanh thu chứ không phải doanh thu trừ chi phí.
"Số thuế nộp sẽ kê khai theo thực tế doanh thu chứ không khoán nữa. Thực tế bao nhiêu, trên hóa đơn bao nhiêu thì nộp thuế bấy nhiêu. Họ sẽ phải lưu giữ hóa đơn chứng từ đầu vào để chứng minh nguồn gốc đầu vào hàng hóa là hợp pháp, dịch vụ là có thật.
Còn trước đây, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn sẽ phải nộp thuế theo mức khoán và nộp thêm một lần nữa trên hóa đơn" - vị đại diện Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh thông tin thêm.
Bất cứ hộ kinh doanh cá thể nào cũng muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp với hi vọng đạt được lợi nhuận cao hơn, mở rộng được quy mô sản xuất, làm ăn phát đạt.
Nhưng nhiều hộ kinh doanh vẫn còn nhiều nỗi lo. Đầu tiên chính là thuế, thứ 2 là phương hướng cho sự tồn tại phát triển của chính cơ sở sản xuất đó, thứ 3 là vốn. Đặc biệt, thủ tục hành chính về thuế quá rườm rà, mất rất nhiều chi phí và thời gian qua từng khâu khiến doanh nghiệp phải đối diện với nhiều vấn đề “đau đầu” như thanh tra, kiểm tra, chi phí ngầm.
Thực tế cho thấy, những trở ngại về thủ tục hành chính, điều kiện hoạt động kinh doanh không thuận lợi đang là những vướng mắc cơ bản. Thậm chí vì những trở ngại này đã khiến nhiều doanh nghiệp tình nguyện chuyển thành hộ kinh doanh cá thể.
Theo một nghiên cứu điều tra được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thực hiện với hơn 400 hộ kinh doanh tại 6 tỉnh thành, có đến 11% hộ kinh doanh thuộc diện phải chuyển thành doanh nghiệp, tức là sử dụng lao động thường xuyên từ 10 lao động trở lên, nhưng chỉ có 5,6% hộ kinh doanh dự kiến sẽ chuyển đổi. Trên thực tế con số chuyển đổi là rất ít.
Đáng nói là nhiều hộ kinh doanh cũng đã nhận thức được việc chuyển đổi lên thành doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều ưu đãi về thuế, vay vốn và thuê lao động.
Tuy nhiên, những lo lắng như nộp thuế nhiều hơn, thực hiện nghĩa vụ với người lao động cao hơn, phải thực hiện các quy định về môi trường, giảm tiếng ồn, phòng cháy chữa cháy và nghiệp vụ kế toán…của hộ kinh doanh đã có phần lấn át các ưu đãi khi chuyển thành doanh nghiệp. Kết quả khảo sát của VCCI thực hiện cũng không có nhiều thay đổi, vẫn là các vấn đề về thủ tục hành chính, thuế…
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để giải đáp những băn khoăn của các hộ kinh doanh nhà quản lý không thể dùng mệnh lệnh hành chính để khuyến khích hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, thay vào đó phải khuyến khích động viên bằng đòn bẩy kinh tế, tạo môi trường kinh doanh đơn giản, hợp lý và phù hợp với quy mô và tính chất kinh doanh. Nếu để người kinh doanh thấy có lợi ích sẽ tự khắc chuyển đổi.
Bên cạnh đó, nên đưa ra các hình thức hỗ trợ, làm sao để các chủ hộ cảm thấy nếu trở thành doanh nghiệp họ sẽ được lợi hơn rất nhiều so với khi là hộ kinh doanh.
Trần Linh (T/h)