Dự thảo do Bộ Xây dựng trình Chính phủ nhằm thay thế luật hiện hành, kế thừa những quy định đã ổn định và hiệu quả, đồng thời bổ sung các nội dung mới theo chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Mục tiêu là tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, tạo động lực phát triển ngành hàng không trong giai đoạn tới.
![]() |
Dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi) được xây dựng theo hướng linh hoạt, tiệm cận mô hình quốc tế, nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư. |
Một nội dung quan trọng trong dự thảo là xác định rõ Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an ninh hàng không. Đồng thời, dự thảo phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn giữa các nhà chức trách hàng không và an ninh hàng không.
Bên cạnh đó, dự thảo mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các hoạt động hàng không dân dụng của lực lượng vũ trang và các cơ quan nhà nước, trong trường hợp chưa có quy định riêng, phù hợp với Công ước Chicago 1944. Điều này tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các hoạt động bay công vụ trong bối cảnh hiện đại hóa.
Dự thảo điều chỉnh các quy định liên quan đến hợp đồng lao động giữa nhân viên hàng không và tổ chức sử dụng lao động để đồng bộ với Bộ luật Lao động, đồng thời tăng tính linh hoạt trong tổ chức nhân sự theo chuẩn quốc tế.
Về quản lý và khai thác tàu bay, các sửa đổi nhằm đảm bảo tuân thủ điều ước quốc tế và khuyến nghị từ Nhóm công tác hàng không (AWG), qua đó cải thiện chỉ số tín nhiệm quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp hàng không Việt tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn khi thuê hoặc mua máy bay.
Dự thảo tiếp tục nhấn mạnh chủ trương xã hội hóa đầu tư cảng hàng không. Mô hình đề xuất cho phép mọi thành phần kinh tế tham gia nhưng Nhà nước vẫn thống nhất sở hữu hạ tầng trọng yếu. Nhà đầu tư chỉ được quyền quản lý, khai thác theo hợp đồng, và việc lựa chọn sẽ tuân theo các quy định hiện hành về đầu tư, đấu thầu, xây dựng. Tất cả nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh và chủ quyền.
Ngoài ra, dự thảo cũng làm rõ nghĩa vụ của người vận chuyển nhằm tăng trách nhiệm, bảo vệ quyền lợi hành khách, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm tình trạng chậm, hủy chuyến.
Cuối cùng, dự thảo sửa đổi các quy định liên quan đến phân loại hoạt động hàng không, bao gồm hàng không chung, hàng không chuyên dùng và vận chuyển thương mại. Việc này nhằm đồng bộ với Công ước Chicago, giúp nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo an toàn và khai thác hiệu quả không phận tầm thấp, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội.