Hậu Covid-19: Hộ kinh doanh nhỏ khó trụ vững

00:00 12/10/2020

Khủng hoảng dịch Covid-19 chính là bài học để có những điều chỉnh và cải cách mô hình hoạt động hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam trở nên phù hợp hơn nhằm tránh những rủi ro và phát huy tiềm năng to lớn.

Tại TP. HCM, thời kỳ hậu Covid-19 giá thuê sạp tại một số ngôi chợ “nhà giàu” như Bến Thành (Quận 1), An Đông (Quận 5), Bình Tây (Quận 6)... giảm không đáng kể so với trước khi có đại dịch và nếu có giảm thì chỉ giảm cho các sạp nằm phía trong.

Giá thuê cao vẫn không có khách

Hiện nay, mặc dù chi phí thuê mỗi một quầy hàng này vẫn xấp xỉ 35 triệu đồng/tháng nhưng các sạp ở những ngôi chợ này vẫn không thoát khỏi cảnh “ế” khách, hàng loạt sạp treo biển cho thuê, sang nhượng.Trước thực trạng này, khá nhiều hộ kinh doanh cá thể ở các ngôi chợ đã rút lui, ngưng hoạt động vì không kham nổi giá mặt bằng trong khi buôn bán ế ẩm.

Nhiều ý kiến cho rằng giá hàng hoá ở chợ hay của các hộ kinh doanh đắt hơn giá bán hàng trên mạng của các đơn vị bán hàng tại kho.Trong khi hộ kinh doanh chịu áp lực trả chi phí mặt bằng thì việc bán hàng qua mạng không tốn tiền mặt bằng, nhân viên, điện nước, khấu hao, bảo trì, bảo hiểm các loại...nên giá cả rẻ hơn. 

Con số đánh giá từ Cục Thuế TP.HCM mới đưa ra rất đáng lưu tâm khi trong 4 tháng đầu năm nay có đến 18.627 hộ kinh doanh ở thành phố xin ngừng, nghỉ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm gần 7,5% số hộ kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn.

Số thu thuế từ các hộ kinh doanh đã giảm mạnh do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Ngoài ra, có trên 200.000 hộ kinh doanh cá thể bị thiệt hại bởi ảnh hưởng Covid-19 đang được ngành thuế TP.HCM khảo sát để hỗ trợ kịp thời. 

Không riêng gì TP. HCM, đây là khó khăn chung của nhiều hộ kinh doanh trong cả nước nên, trước thực trạng này, mới đây Tổng cục Thuế có công văn gửi cục thuế các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát hộ kinh doanh được hưởng hỗ trợ thuế do dịch Covid-19.

Nói đi cũng phải nói lại, chính tính “ăn xổi ” của nhiều hộ kinh doanh hay các doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ là một trong những nguyên nhân chính khiến việc kinh doanh của khu vực này đi vào "ngõ cụt" khó tránh khỏi khi gặp rủi ro lớn như đại dịch Covid-19.

Phân tích về hiện tượng trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nói rằng, khu vực kinh tế này vẫn làm theo lợi ích ngắn hạn, không có chiến lược dài hạn, không có chương trình bài bản, không có đào tạo về nhân lực mang tính chất tư duy hệ thống để phát triển bền vững.

“Việc xây dựng hạ tầng cho cơ sở sản xuất kinh doanh của họ cũng quá nhiều hạn chế. Từ tổ chức sắp xếp quy trình công việc cho đến việc thực thi những vấn đề về luật và tận dụng những cơ hội thì họ chưa làm được”, ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, ý thức và tính kỷ luật của hộ kinh doanh còn thấp, khi có khủng hoảng như dịch Covid-19 thì thụ động về mặt giải pháp, chậm chạp trong việc ứng phó và dường như không có giải pháp thay thế.

HINH-2998-1589279103.jpg

Mô hình hộ kinh doanh cần điều chỉnh để tránh rủi ro trước những đợt khủng hoảng

Bài học cải cách mô hình

Ước tính hiện nay trên toàn quốc có khoảng 5,3 triệu hộ kinh doanh cá thể, gồm 4,6 triệu cơ sở có địa điểm ổn định và 0,7 triệu cơ sở không ổn định. Tỷ trọng các cơ sở có đăng ký kinh doanh chiếm 25,9% và còn lại các cơ sở chưa có đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh thu hút khoảng 10 triệu lao động, trong đó  khoảng 1,7 triệu hộ nộp thuế.

Điểm đáng lưu ý là dù lộ rõ nhiều mặt hạn chế nhưng hình thức hộ kinh doanh vẫn được nhiều người đặc biệt ưa thích khi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh do đơn giản hơn về chế độ sổ sách kế toán và thuận lợi hơn về chế độ nộp thuế.

Quan trọng nhất là hộ kinh doanh có thể áp dụng hình thức thuế khoán và do vậy có khả năng “Thỏa thuận với cơ quan thuế” và nhờ đó mức thuế thực tế phải đóng thường rất thấp. Do vậy, mặc dù chiếm tới 30,4% GDP nhưng theo ước tính của Tổng Cục thuế, khu vực này chỉ đóng góp khoảng 1,56% cho thu ngân sách Nhà nước.

 Qua nghiên cứu và so sánh hình thức về DN cá thể tại EU cho thấy họ không có hình thức hộ kinh doanh như Việt Nam.Tuy nhiên, các DN cá thể, DN một chủ ở EU rất nhiều và khá giống với với hình thức hộ kinh doanh tại Việt Nam, điểm khác biệt là các DN cá thể tại các quốc gia EU đều được đăng ký chính thức.

Điều đó cho thấy, nếu lấy khủng hoảng Covid-19 làm bài học cho các hộ kinh doanh ở Việt Nam thì thiết nghĩ cần những điều chỉnh và cải cách về mô hình DN tư nhân (DN cá thể/DN một chủ) tại Việt Nam. Điều này sẽ góp phần trả mô hình này về đúng vị trí của nó để vừa tránh những rủi ro do khủng hoảng gây ra vừa phát huy hết tiềm năng to lớn. 

Thế Vinh