Hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các Hiệp định Thương mại thế hệ mới

08:32 03/11/2020

Để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước những thời cơ và thách thức từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA), đòi hỏi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) cần thiết thực hơn, nhà nước cần cải cách mạnh hơn để giảm mọi chi phí có thể cho DN và DN cần có một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, một không gian “công khai, minh bạch”… Song song với đó, các DN, ngành hàng trong nước cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản cũng như nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học công nghệ, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh…

Hàng hóa Việt Nam được quảng bá, giới thiệu rộng rãi tại các hệ thống bán lẻ để đến gần với người tiêu dùng hơn.Ảnh minh họa.Nguồn: Internet

Hàng Việt trước thách thức FTA

Hiện nay, các Hiệp định thương mại tự do đã trở thành một trào lưu chung trên thế giới trong xu thế toàn cầu hóa, đồng thời là xu hướng mở rộng hợp tác kinh tế được nhiều quốc gia lựa chọn. Theo thống kê của Ban thư ký WTO, tính đến ngày 17 tháng 01 năm 2020, cả thế giới đã có 303 Hiệp định FTA có hiệu lực trong tổng số 483 Hiệp định FTA được các nước thành viên thông báo lên WTO.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện nghiên cứu Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) năm 2019 cho thấy, có 88% người tiêu dùng được hỏi cho biết họ quan tâm tới Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, 67% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam và 52% người được hỏi cho biết luôn khuyên người thân, bạn bè của mình nên sử dụng hàng Việt Nam.

Cùng với đó, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối hiện đại được duy trì ở mức cao. Cụ thể, hàng hóa Việt ở Co.opmart chiếm 90%-93%, ở Satra 90%- 95%, Vinmart 96%, Vissan 95%, Hapro 95%… còn với các kênh phân phối nước ngoài, tỷ lệ hàng Việt cũng chiếm 65%-96%.

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), sản xuất kinh doanh hàng Việt đã biết khai thác yếu tố văn hóa dân tộc, đặc sản vùng miền để tiếp cận người tiêu dùng trong nước và quốc tế thông qua các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu đặc sản vùng miền sản phẩm OCOP…Hiện nay, cả nước đã có 45 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm với trên 2.049 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có 43 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao. Tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến năm 2020 là trên 3.800 sản phẩm. 

Tuy nhiên, bà Nga cũng thẳng thắn cho rằng, việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là các Hiệp định thế hệ mới như: EVFTA và CPTPP đã tạo ra cơ hội mua sắm cho người tiêu dùng song đây cũng là thách thức cho hàng Việt trong việc cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần. Trong đó, những bất cập về qui mô lẫn kinh nghiệm trên thương trường là một trong những điểm yếu của nhiều doanh nghiệp nội.

“Một số vấn đề có thể thấy ở hàng Việt hiện nay là hàng hóa đa phần còn sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hạn chế, chất lượng không đồng đều, giá cả có những mặt hàng còn cao hơn so với các nước. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng ít được cải tiến mẫu mã, bao bì, hình thức chưa bắt mắt… Khâu trung gian và lưu thông phân phối còn chiếm tỷ trọng cao dẫn đến giá thành chưa chiếm lợi thế”, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước chỉ ra những tồn tại, hạn chế.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có khoảng gần 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, song xét về quy mô, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa. Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư  đánh giá, mặc dù là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế và chiếm tới gần 98% tổng số doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế nhưng đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trong khi các doanh nghiệp vừa và lớn chiếm tỷ trọng quá ít (khoảng 3%) tạo thành chỗ khuyết thiếu cơ cấu nghiêm trọng.

“Do quy mô nhỏ bé nên khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao trình độ quản lý... của doanh nghiệp Việt Nam bị hạn chế”, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho hay.

Chính những tồn tại kể trên đã khiến số lượng các doanh nghiệp 100% vốn trong nước tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài còn ít. Bởi vậy, các chuyên gia lo lắng, tham gia sân chơi FTA, doanh nghiệp Việt đứng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa nhập khẩu ồ ạt vào thị trường nội địa nhờ ưu đãi thuế quan ngay tại chính “sân nhà”.

Đơn cử, theo đánh giá từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), khi FTA Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, đến năm 2035 hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng khoảng 29%, tương đương 15 tỷ USD. Đó là còn chưa kể hàng hoá từ các quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc... đã và đang xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường trong nước

Hay qua con số thống kê của dự án LinkSME, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các công ty Nhật Bản (một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam), mua sắm khoảng 32,4% các dịch vụ và sản phẩm đầu vào từ các nhà cung cấp địa phương. Con số này thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI của Nhật tại các nước như Trung Quốc (67,8%), Thái Lan (57,1%) và Indonesia (40,5%).

Không những vậy, báo cáo của Ngân hàng thế giới nêu rõ, mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp nước ngoài hay giữa các doanh nghiệp nhỏ và các doanh nghiệp lớn là không đáng kể và còn hết sức hạn chế.

Chiến lược xây tổ để có ‘đại bàng' Quốc tịch Việt Nam

Đánh giá từ thực tế, PGS.TS Trần Đình Thiên (Thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ) thắng thắn cho rằng: “Không thể bác bỏ thực trạng yếu kém thực lực của các doanh nghiệp Việt sau 35 năm chuyển sang nền kinh tế thị trường. Trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp phải đặc biệt nỗ lực đạt được “trạng thái bình thường mới”, cần nhanh chóng triển khai các giải pháp “nóng”. Theo đó, nỗ lực xây dựng các nền tảng của kinh tế thị trường, chính là các thị trường đầu vào (thị trường các nguồn lực) đúng nghĩa.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Từ ý kiến đưa ra, chuyên gia này đề nghị áp dụng hệ thống khuyến khích “thưởng người thắng” thay cho cách điều hành nền kinh tế theo nguyên lý “chọn người thắng”, bởi theo ông sự thay thế này sẽ giúp kích thích tinh thần đua tranh giành thắng một cách đàng hoàng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Gợi ý việc xác lập cách tư duy-tiếp cận mới về “mời gọi đại bàng” và “làm tổ cho đại bàng đến đẻ trứng”, ông Thiên cho rằng phải đặt việc xây dựng lực lượng doanh nghiệp Việt thành một Chương trình - Chiến lược hành động quốc gia ưu tiên hàng đầu, trong đó, việc gây dựng đội ngũ “đại bàng quốc tịch Việt” phải là nhiệm vụ mang tính trụ cột.

Ông Thiên đặt vấn đề “Khởi nghiệp quốc gia” cần được thiết kế lại đúng tầm, đúng yêu cầu thời đại để nhanh chóng “thay máu doanh nghiệp” cho nền kinh tế.

“Muốn vậy, cần đặc biệt chú ý đến cách xây dựng hệ thống thể chế phù hợp cho nền kinh tế số-công nghệ cao-trí tuệ. Đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn do tính chất phức tạp của hệ thống phát triển mới và do tính chất “chưa có tiền lệ” trong lịch sử phát triển thế giới,” Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên chia sẻ.

Đặc biệt, từ thực tế của một doanh nghiệp xuất khẩu còn khiêm tốn nhưng phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, lại hoạt động trong lĩnh vực dược - một lĩnh vực dễ bị tổn thương trước những thay đổi bất ngờ của thị trường, ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT của Công ty Dược Việt Nam nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm Việt. EVFTA, CPTPP và các FTA khác khiến các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam ngày một nhiều hơn, doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh nhiều hơn. Trong cạnh tranh, dù chất lượng tốt, giá thành tốt và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng khó tính nhưng quan trọng hơn là hàng tốt, giá tốt phải được người tiêu dùng biết đến.

“Theo Vietnam Report, trong 1 năm từ 11/2017 đến 12/2018, chỉ có 12,6% số doanh nghiệp dược có tần suất xuất hiện tối thiểu 1 lần/tháng trong đó chủ yếu là doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán”, ông Lê Văn Sơn dẫn số liệu. Chủ tịch của Công ty Dược Việt Nam nhấn mạnh, quảng bá thương hiệu tốt cũng là một cách để người tiêu dùng yên tâm hơn về sản phẩm.

Còn bà Nguyễn Thị Đông – Giám đốc một công ty sản xuất hóa mỹ phẩm cho biết, trong khi phải cạnh tranh khắc nghiệt với đối thủ mạnh thì hàng Việt còn phải cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng đội lốt hàng Việt… mà vấn đề này chỉ đơn thương doanh nghiệp thì không thể ngăn chặn được. Doanh nghiệp rất cần nhà nước hỗ trợ cụ thể hơn với các biện pháp mạnh mẽ hơn.

Đồng quan điểm trên, ông Lương Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khóa Việt-Tiệp cho biết, việc tham gia các Hiệp định thương mại thế hệ mới đã mang lại lợi thế và thách thức cho doanh nghiệp cả về kinh tế và pháp luật. Để tận dụng lợi thế từ các FTA và hạn chế được những thách thức mà FTAs đặt ra, cần cần nỗ lực của nhiều bên và của nhiều chủ thể khác nhau”. Ông Lương Văn Thắng chia sẻ và kiến nghị, để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trước thời cơ, thách thức từ các hiệp định thương mại cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo những điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hàng Việt còn những yếu thế về chất lượng và giá cả. Hơn nữa, hoạt động phân phối còn yếu kém và phải đối mặt với nạn hàng lậu, hàng nhái, hàng giả mạo nhãn hiệu...

Do đó, theo các chuyên gia, để không bị mất thị phần ngay tại “sân nhà” thì các doanh nghiệp Việt các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, cần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ. Các doanh nghiệp nên chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất để hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối đến người tiêu dùng.

Thanh Hải