Hà Nội: Diện mạo và tầm vóc mới sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính

09:41 10/10/2023

Hà Nội đã khẳng định vai trò và vị thế là trung tâm kinh tế, động lực phát triển của cả nước khi đóng góp hơn 16% vào tổng GDP, 18,5% thu ngân sách và 20% thu nội địa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họaTrụ sở của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+).

Kinh tế tăng trưởng nhanh, hạ tầng giao thông liên tục được đầu tư, phát triển, đời sống người dân không ngừng được quan tâm và cải thiện... đã thực sự làm Thủ đô "thay da đổi thịt," tạo ra thế và lực mới để Hà Nội bứt tốc trong tương lai.

Kết quả này một lần nữa khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả của nhiều quyết sách mang tầm chiến lược, giúp Hà Nội khẳng định vị thế của một đầu tàu kinh tế, tạo động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng cũng như của cả nước.

Trung tâm kinh tế năng động

Ngày 29/5/2008, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 15/2008/QH12 "Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan," có hiệu lực từ ngày 1/8/2008.

[Hà Nội lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp]

Đây là quyết định mang ý nghĩa lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thủ đô - trái tim của cả nước. Chặng đường 15 năm qua không dài so với lịch sử phát triển của Thủ đô và đất nước, nhưng là một giai đoạn đặc biệt quan trọng trong tạo dựng thế và lực mới cho Thủ đô Hà Nội.

Trong 15 năm, kể từ khi mở rộng địa giới hành chính, kinh tế Thủ đô giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước.

Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2008-2010 (theo quy mô chưa thay đổi) đạt 9,68%/năm. Giai đoạn 2011-2022 (theo quy mô GRDP điều chỉnh) GRDP tăng bình quân 6,67%/năm; trong đó công nghiệp-xây dựng tăng 8,19%, dịch vụ tăng 6,77%, nông nghiệp tăng 2,87%.

Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2011-2022 GRDP tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh được cải thiện, năng suất lao động năm 2022 đạt 291,3 triệu đồng/lao động (giá hiện hành), gấp 2,34 lần năm 2011 (124,5 triệu đồng/lao động) và gấp 1,6 lần bình quân cả nước (181,1 triệu đồng/lao động); tốc độ tăng trung bình giai đoạn 2012-2022 đạt 5,24%.

Du lịch được chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới.

Ảnh minh họa
Người dân mua hàng tại các siêu thị. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+).

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt hơn 58 tỷ USD (gấp 1,93 lần so với năm 2008). Ngành công nghiệp được tích cực cơ cấu lại, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và phát triển công nghệ cao.

Theo bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, thành phố đã thu hút một lượng lớn vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, với việc hình thành nhiều khu đô thị hiện đại, quy mô lớn như Vinhomes Riverside, Park City, Gamuda City, Ciputra, The Manor, The Golden An Khánh...

Sự ra đời của những tổ hợp đô thị mới này đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp thương mại mở rộng hệ thống bán lẻ như Go&Big C, Win Mart, 2 Trung tâm thương mại AEON...

Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro)-với vai trò là một trong những doanh nghiệp lớn của ngành Công Thương thành phố đã tận dụng cơ hội mở rộng địa giới hành chính để phát triển hệ thống bán lẻ mang thương hiệu Hapro Mart, Haprofood/BRGMart, các chợ đầu mối vùng ngoại thành Hà Nội. Nhờ đó đến nay Hapro đã có mạng lưới gần 70 siêu thị, cửa hàng tiện ích, 4 chợ đầu mối ở ngoại thành và chợ truyền thống ở trung tâm thành phố.

“Thông qua việc mở rộng hệ thống bán lẻ, tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn Hapro đã góp phần kiểm soát, điều tiết được giá cả các mặt hàng bảo đảm lợi ích tiêu dùng, phục vụ đời sống Nhân dân đồng thời tiếp sức cho doanh nghiệp sản xuất đưa hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng qua đó quảng bá, tiêu thụ hàng Việt,” đại diện Hapro cho hay.

Trong năm 2018 và 2019, Hà Nội đã dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với số vốn tương ứng là 7,5 tỷ USD và 8,67 tỷ USD. Năm 2020, Hà Nội đứng thứ 3 với số vốn là 3,83 tỷ USD.

Trong năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng, lạc quan với môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội, đã đầu tư vào Hà Nội 1,524 tỷ USD. Năm 2022, vốn FDI đạt 1,692 tỷ USD, tăng 10,3% so với năm 2021.

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn từ năm 2008 đến nay đều hoàn thành và vượt dự toán thu được Trung ương giao. Giai đoạn 2008-2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô huy động trên 4 triệu tỷ đồng, tăng hàng năm 11,04%.

Ảnh minh họa
Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+).

Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết với nhiều quyết sách đúng đắn, các doanh nghiệp của Hà Nội đã vượt qua được những khó khăn, thách thức, đóng góp tích cực cho sự phát triển của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP của Hà Nội tăng 2,92%, năm 2022 là 8,89% và 6 tháng đầu năm 2023 tăng 5,97%.

“GRDP 6 tháng năm 2023 của Hà Nội cao gấp khoảng 1,6 lần cả nước. Dịch vụ tăng 7,54%, đóng góp 4,98 điểm % tăng trưởng GRDP. Khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt, tăng 42% so cùng kỳ, khách quốc tế đạt 2,03 triệu lượt, tăng 7 lần so cùng kỳ; tổng thu từ khác du lịch đạt 44,88 nghìn tỷ đồng...,” Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội nhấn mạnh. 

Kiến tạo các động lực tăng trưởng mới

Với việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị Hà Nội đã và đang được xây dựng đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Diện tích đất dành cho giao thông tăng dần hàng năm.

Đặc biệt, hệ thống hạ tầng khung với các công trình giao thông trọng điểm như: Cầu Vĩnh Tuy và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, đường Vành đai 3 trên cao, cầu Nhật Tân, Quốc lộ 3, cao tốc Hà Nội-Lào Cai… hoàn thiện, đã tạo thêm một diện mạo mới cho Hà Nội.

Theo Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội và 9 tỉnh, thành phố khác sẽ được liên kết, trở thành một vùng siêu đô thị của cả nước cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Một trong những điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu đó là hình thành nên tuyến đường Vành đai 4, liên kết chặt chẽ trong nội bộ và cả Vùng Thủ đô với mạng lưới giao thông quốc gia.

Hiện nay, Hà Nội đang tập trung nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi để có thể tận dụng tốt các tiềm năng và cơ hội cũng như khơi dậy các nguồn lực trong xã hội.

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng Luật Thủ đô sửa đổi lần này nhấn mạnh yếu tố tạo cơ chế vượt trội để Hà Nội thu hút các nguồn lực về văn hóa, con người và nguồn lực tài chính đồng thời chú trọng phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, tạo điều kiện cho việc gia tăng mật độ dân cư, phù hợp với những thành phố lớn).

Ảnh minh họa
Hà Nội đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng giao thông, tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+).

"Định hướng này vừa giúp Hà Nội giải tỏa được các điểm nghẽn liên quan tới hạ tầng giao thông, đô thị, mà còn tận dụng tốt hơn nguồn tài nguyên sẵn có," ông Trần Anh Tuấn nói.

Theo Chương trình Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định đây cơ hội thuận lợi, “cơ hội vàng” định vị lại không gian, mục tiêu, quan điểm phát triển, kiến tạo Thủ đô trong tương lai.

Hơn nữa, đây sẽ là dấu mốc, là nền tảng quan trọng mở đường, đưa Thủ đô tiến lên một tầm cao mới, xứng đáng là hạt nhân, trung tâm hội tụ, lan tỏa vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước./.

Xuân Quảng (Vietnam+)