GS. TS Hoàng Văn Cường: Hà Nội nên phát triển giao thông công cộng thay vì đầu tư những tuyến đường đắt nhất hành tinh

13:40 27/11/2023

Theo GS. TS Hoàng Văn Cường-Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, Thủ đô không nên dành tiền để xây dựng những con đường đắt nhất hành tinh, nhưng cần ưu tiên ngân sách cho các dự án phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng (TOD) trong nội đô.

Ảnh minh họa
GS. TS Hoàng Văn Cường- Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Nên xây dựng mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng

Thảo luận tại hội trường về Luật Thủ đô (sửa đổi) ngày 27/11, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) khẳng định, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là hình mẫu đại diện vị thế quốc gia, do đó cần phải phát triển cao hơn.

Để thực hiện mục tiêu phát triển Thủ đô nhanh hơn, hiện đại hơn, là hình mẫu cho phát triển cả nước, cần tập trung nguồn lực đủ lớn. Do đó, đại biểu Cường đồng tình với những cơ chế chính sách mà trong dự thảo luật đề ra.

Nhấn mạnh về mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD), ông Cường đề xuất không chỉ áp dụng với những đô thị mới mà cả với những khu vực tái thiết đô thị, cải tạo chung cư cũ, nhà ở cũ xây dựng tự phát trong nội đô.

Từ đó, khai thác không gian ngầm cho phát triển thương mại, dịch vụ; không gian trên cao trong phát triển nhà ở và tái định cư người dân tại chỗ; không gian mặt đất dành cho cây xanh và các công trình hoạt động công cộng.

Bên cạnh đó, đại biểu Cường đồng tình với đề xuất có hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) nhưng không theo cơ chế trước đây là đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, mà thực hiện theo hình thức BT thanh toán bằng vốn đầu tư công.

Theo đó, Nhà nước dùng ngân sách mua công trình, sản phẩm quan trọng theo đơn đặt hàng Nhà nước. Trên thế giới, đã có nhiều tập đoàn lớn ra đời nhờ cơ chế đặt hàng của Chính phủ như Hyundai của Hàn Quốc.

Ông tâm đắc với đề xuất của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép Hà Nội, TP.HCM vay 30 tỷ USD làm đường sắt đô thị.

"Với cơ chế này, chúng ta sẽ có ngành công nghiệp đường sắt trong nước mà không phải đi thuê/mua từng dự án đường sắt như nước ngoài hiện nay; hoặc dự án cầu vượt qua sông Hồng sẽ nhanh chóng hoàn thành không bị chậm trễ như các dự án đầu tư công", ông Cường kỳ vọng.

Ngoài ra, có thể triển khai hình thức BT được thanh toán bằng đất/tài sản được thực hiện theo cơ chế thị trường, trao đổi ngang giá. Đây sẽ là cơ chế tương đương trong Luật Đất đai đang đề xuất.

Phát triển đường sắt đô thị để giảm thiệt hại do tắc đường

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn tỉnh Sóc Trăng) cũng đồng tình về phát triển đô thị theo mô hình TOD.

Đại biểu Tô Ái Vang cho rằng, việc phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là cơ hội để Hà Nội phát triển đô thị, góp phần giảm tắc đường, tránh cho người dân - doanh nghiệp bị thiệt hại từ nguyên nhân này khoảng 23.300 đến 23.900 tỷ đồng/năm.

Ảnh minh họa
Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng

"Chính TOD là lối đi, hướng ra để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và giải quyết bài toán khó về phát triển đô thị", bà Vang nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đại biểu đoàn Sóc Trăng cho rằng với mô hình phát triển đô thị mới chưa từng có tại Việt Nam, sẽ không tránh khỏi tình trạng xuất hiện hàng loạt các mối quan hệ và các xung đột lợi ích của nhiều bên có thể nằm ngoài năng lực vận hành của thiết chế hiện tại như giao thông vận tải, kế hoạch và đầu tư, quy hoạch kiến trúc, xây dựng, tài chính…

Từ thực tiễn TP.HCM đã áp dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội khóa 15, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nếu xác định TOD là mô hình giao thông mới, được quy định trong Luật Thủ đô thì phải làm rõ mô hình này có sự khác biệt nào so với quy định trong dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ?

Bên cạnh đó, với mô hình TOD, cần có thiết kế mới nào để có thể chuẩn bị đảm bảo đầy đủ hơn nữa cơ sở pháp lý để điều chỉnh các mối quan hệ mới xuất hiện, đảm bảo năng lực quản lý tốt mô hình.

Nhân Hà (t/h)