Giải pháp nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước

14:50 08/06/2023

Mới đây, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, các đại biểu Quốc hội nêu ý kiến cần có giải pháp để tăng nguồn nhân lực chất lượng cao để nguồn nhân lực có thể đáp ứng được nhu cầu trong và ngoài nước.

Vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo đại biểu Nguyễn Thị Hà: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh nêu vấn đề bao giờ chất lượng nguồn nhân lực có thể tiệm cận được các nước trong khu vực. Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Hà nêu: Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định 176 của Thủ tướng Chính phủ, thị trường lao động Việt Nam bước đầu đã có cải thiện nhưng chất lượng nguồn nhân lực đất nước vẫn ở vị trí thấp với nhiều nước trong khu vực.

Ảnh minh họa
Toàn cảnh phiên chất vấn.

Theo ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Đến quý 1/2023 quy mô lao động độ tuổi từ 15 trở lên khoảng 55 triệu người, số người tham gia thị trường lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,4 triệu người. Thời gian tới, thị trường lao động Việt Nam có một bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về cơ cấu, quy mô, đến sự phát triển vượt bậc so với thời gian trước. Nhưng nhìn chung lao động kỹ năng thấp, có đào tạo cấp chứng chỉ hiện nay là 26,4%), tỷ lệ như trên rất thấp. Thực tiễn, khi các nhà đầu tư đến Việt Nam, bao giờ họ cũng đặt hai vấn đề: thứ nhất hạ tầng như thế nào? thứ hai là nguồn nhân lực chất lượng cao có đáp ứng được hay không?. Hiện nay,  Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội đã triển khai thực hiện Nghị quyết 06 về phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, đồng bộ, hiệu quả và bền vững với 9 nhóm giải pháp căn bản từ việc tuyên truyền đến tổ chức thực hiện.

Ảnh minh họa
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương nêu lên thực trạng phần lớn các trường cao đẳng, trung cấp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đều tuyển sinh, đào tạo cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên có một thực trạng là nhiều học sinh tốt nghiệp THCS lại không thi được vào các trường THPT công lập. Cho nên chọn học các trường trung cấp nghề chỉ với mục đích là có tấm bằng tốt nghiệp THPT rồi lại tiếp tục thi vào các trường đại học. Còn đại biểu Trần Quốc Quân, đoàn Long An đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp cụ thể trong việc đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo tại hệ thống các trường nghề nhằm đáp ứng kịp thời, cung cấp đủ nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của vùng.

Theo ông Đào Ngọc Dung , Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã có nghị quyết và tổ chức hội nghị triển khai, đồng thời đã đề ra nhiệm vụ liên quan đến đào tạo kĩ năng nghề và nhân lực chất lượng cao và phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng bộ, ngành và hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có đề án triển khai các nhiệm vụ được Bộ Chính trị và Chính phủ giao.

Vũ Tiến