Vinaconex đặt mục tiêu lợi nhuận 1.200 tỷ đồng, chia cổ tức 16% năm 2025 Sơn La: Quyết tâm khơi thông nguồn cung bất động sản, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội |
Chiều ngày 21/4/2025, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quan trọng về ngành môi giới bất động sản với chủ đề “Chứng chỉ hành nghề Môi giới Bất động sản: Vướng ở đâu, Gỡ thế nào?”, thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên môn.
Sự kiện do Viện Nghiên cứu Đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam (VARS IRE), Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) và VARs Connect phối hợp tổ chức, nhằm làm rõ thực trạng ách tắc trong tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề – điều kiện bắt buộc theo Luật Kinh doanh BĐS 2023.
![]() |
TS. Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (Ảnh: Phan Chính) |
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS – khẳng định: “Chúng ta đang ở một bước ngoặt lớn để chuyên nghiệp hóa đội ngũ môi giới. Nhưng tiếc thay, các quy định thì đã có, trong khi cơ chế vận hành lại chưa thông”.
“Người học chưa biết học ở đâu là đúng, còn doanh nghiệp thì ‘đỏ mắt’ không tuyển được người đạt chuẩn”, TS. Nguyễn Văn Đính chia sẻ.
Theo khảo sát mới nhất từ VARS IRE với gần 30.000 môi giới, chỉ có 11,3% hiện sở hữu chứng chỉ hành nghề còn hiệu lực. Đáng báo động, có tới 89% môi giới chưa có hoặc đang sử dụng chứng chỉ hết hạn – điều không chỉ vi phạm quy định, mà còn ảnh hưởng đến tính pháp lý trong giao dịch.
Hơn 6.000 học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo theo Thông tư 04 nhưng không thể tham gia kỳ thi do chưa có hướng dẫn thi từ địa phương. Điều này khiến hàng trăm doanh nghiệp báo cáo thiếu hụt nhân sự hợp pháp, làm đình trệ hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng đến quá trình phục hồi thị trường.
Không ồn ào nhưng dai dẳng, vấn đề chứng chỉ hành nghề đã trở thành một "cơn bão ngầm" trong ngành. Bị kẹt giữa mong muốn tuân thủ pháp luật và sự thiếu minh bạch trong tổ chức thi, hàng chục nghìn môi giới chỉ còn cách “gồng mình” tồn tại.
Theo khảo sát, 93% người hành nghề mong muốn tham gia thi sát hạch – điều cho thấy nhu cầu lớn và sự cầu thị của lực lượng này. Song, 88% học viên lại không biết đơn vị nào tổ chức thi ở địa phương mình.
![]() |
TS. Trần Xuân Lượng – Phó Viện trưởng VARS IRE (Ảnh: Phan Chính) |
TS. Trần Xuân Lượng – Phó Viện trưởng VARS IRE – nhận định: “Thiếu cơ chế rõ ràng đang khiến thị trường lâm vào tình trạng 'bế tắc pháp lý'. Đây không còn là một vướng mắc kỹ thuật, mà là điểm nghẽn vận hành toàn ngành.”
TS. Trần Xuân Lượng, đề xuất tháo gỡ những vướng mắc hiện nay trong việc tổ chức kỳ thi sát hạch, tạo điều kiện để lực lượng môi giới bất động sản có thể hành nghề đúng quy định pháp luật. Một trong những kiến nghị quan trọng là việc Bộ Xây dựng cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để UBND các tỉnh, thành phố có cơ sở triển khai kỳ thi một cách đồng bộ và thống nhất. Bên cạnh đó, cần cho phép các đơn vị đào tạo đáp ứng đủ điều kiện được phối hợp tổ chức thi sát hạch, nhằm bảo đảm quy trình thi diễn ra minh bạch, hiệu quả và đúng tiêu chuẩn.
Ngoài ra, các ý kiến cũng nhấn mạnh đến việc cần thiết nghiên cứu hình thức tổ chức thi trực tuyến hoặc liên tỉnh, giúp giảm áp lực cho từng địa phương và phù hợp với xu hướng chuyển đổi số. Đồng thời, việc tăng cường truyền thông về kế hoạch tổ chức kỳ thi, các đơn vị chịu trách nhiệm và quy trình đăng ký cũng được đề xuất, nhằm giúp học viên dễ dàng tiếp cận thông tin và tránh rơi vào tình trạng mơ hồ pháp lý như hiện nay.
![]() |
Toàn cảnh buổi hội thảo “Chứng chỉ hành nghề Môi giới Bất động sản: Vướng ở đâu, Gỡ thế nào?” (Ảnh: Phan Chính) |
VARS nhấn mạnh: thay vì siết chặt kiểm tra khi chưa có giải pháp đồng bộ, cần mở ra lối đi khả thi, tạo điều kiện cho người hành nghề hợp thức hóa hoạt động.
Trong khuôn khổ hội thảo, VARS IRE đã công bố khung chương trình đào tạo môi giới và điều hành sàn giao dịch theo Thông tư 04. Với đội ngũ giảng viên là chuyên gia đầu ngành và hơn 6.200 học viên đã hoàn thành khóa học, Viện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương tổ chức kỳ thi và chuẩn hóa đầu ra.
Đặc biệt, lễ ký kết hợp tác giữa VARS IRE và ba tập đoàn bất động sản lớn: VNR Group, FOUR HOME, và Tâm Thành Group đánh dấu một bước tiến mới trong chuẩn hóa đào tạo – tuyển dụng ngành môi giới.
Các bên sẽ cùng xây dựng chương trình đào tạo sát thực tiễn, tổ chức tập huấn, kết nối tuyển dụng sau đào tạo và nâng cao năng lực chuyên môn. Đây là mô hình liên kết Nhà nước – Doanh nghiệp – Thị trường, giúp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.
Cũng tại Hội thảo ông Trần Văn Bình – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VARS kêu gọi: “Hơn bao giờ hết, cần sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Xây dựng, các địa phương và toàn hệ thống để khơi thông dòng chảy nhân lực – mạch sống của thị trường bất động sản.”
Hành trình chuyên nghiệp hóa nghề môi giới đang chờ được thúc đẩy bằng hành động cụ thể, thiết thực và khẩn trương – để không ai bị bỏ lại phía sau trong làn sóng cải cách mạnh mẽ của thị trường.