Hàng chục ngàn tấn cà rốt, xu hào, xúp lơ, hành tỏi… để ngổn ngang đầy đồng, nhà nông chịu tổn thất vô cùng lớn. Rất nhiều người đã phải bật khóc trước đống sản phẩm có nguy cơ bị vứt bỏ, có bán thì cũng chỉ rẻ như cho, bỏ ra 10 đồng không thu lại được 1.
Trước tình hình đó, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã sắn tay áo xông vào “giải cứu” cho nông dân bằng cách lập các điểm bán hàng rồi kêu gọi cộng đồng mua giúp.
Thực ra, chuyện “giải cứu” không chỉ bây giờ mới có. Nhiều năm trước, dù không có Đại dịch COVID 19 như năm nay, nhiều nông sản của chúng ta như dưa hấu, thanh long…cũng vẫn bị ùn ứ, giảm giá thê thảm do cung vượt quá cầu và thương lái quay lưng, dẫn đến phải “giải cứu”. Điệp khúc “giải cứu” không mấy năm là không phải cất lên.
Chuyện “giải cứu” thể hiện một tinh thần tương thân tương ái “bầu ơi thương lấy bí cùng/tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn” của nhân dân ta. Những đợt “giải cứu” đó đã làm bớt đi một phần sự thiệt hại cho người nông dân.
Nhưng những người tham gia “giải cứu” nông sản, dù có nhiệt tình đến đâu, thì cũng chỉ giúp nhà nông tiêu thụ được một lượng nhất định nông sản, so với lượng nông sản bị ùn ứ, thì chỉ bằng 1/10, thậm chí 1/100. Vả lại, “giải cứu” nghĩa là kêu gọi lòng thương của mọi người, nên dù mọi người có thương tình mà mua giúp, thì giá cũng vô cùng rẻ, nhà nông vẫn chịu đủ mọi thiệt thòi.
Cái mà nhà nông cần hơn cả sự “giải cứu” là những chính sách, có thể mở đường cho nông sản của họ, sau khi thu hoạch, có được chỗ tiêu thụ, mang về cho họ một nguồn thu nhập đủ bù đắp lại những chi phí, công sức bỏ ra và có lợi nhuận, từ đó có thể tái đầu tư cho những vụ sau.
Một chính sách tốt có thể làm thay đổi cả xã hội. Nhớ lại, cách đây vài chục năm, là một nước nông nghiệp nhưng mỗi năm chúng ta phải xin viện trợ hàng triệu tấn lương thực. Cán bộ công nhân viên mỗi người được trên dưới vài chục cân gạo hẩm, gạo mốc. Cả nước phải ăn cả hạt bo bo... Thế mà khi chính sách khoán 100, rồi khoán 10 của Trung ương được ban hành, thì ngành nông nghiệp vụt lớn lên như Phù Đổng Thiên Vương, từ chỗ đói lăn đói lóc trở thành một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Trước năm 1986, xã hội ta là một xã hội trì trệ bởi chế độ quản lý kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp. Doanh nghiệp quốc doanh càng làm càng lỗ, kinh tế tập thể sống thoi thóp, cầm chừng. Cả nước không có bóng một doanh nghiệp tư nhân nào. Thế mà chỉ sau Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ VI (1986) được ban hành, xóa bỏ chế độ quản lý kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, chấp nhận kinh tế thị trường, công nhận kinh tế tư nhân…thì xã hội đã vụt thay da đổi thịt.
Một chính sách cho phép kiềm chế, dập tắt được đại dịch nhưng sản phẩm làm ra vẫn được lưu thông một cách thông thoáng, người sản xuất vẫn có lợi nhuận, chấm dứt vĩnh viễn chuyện “giải cứu”, là điều mà xã hội đang cần.
Vũ Hữu Sự