Vị thế của Việt Nam với dòng vốn ngoại từ Hàn Quốc Vì sao thị trường Ấn Độ vẫn vững vàng giữa căng thẳng với Pakistan ? |
Sau hơn hai năm bán ròng liên tục, nhà đầu tư nước ngoài đang cho thấy dấu hiệu quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam với tốc độ giải ngân ấn tượng. Tuần giao dịch vừa qua ghi nhận dòng vốn ngoại mua ròng gần 3.000 tỷ đồng, trong đó có phiên giao dịch mạnh nhất trong vòng ba năm – một tín hiệu được giới phân tích đánh giá là bước chuyển mình quan trọng.
Tổng giá trị giải ngân của khối ngoại lên tới hơn 17.100 tỷ đồng, trong khi lượng bán ra chỉ khoảng 14.100 tỷ. Dòng vốn này chủ yếu chảy vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhờ đặc điểm thanh khoản cao, ít rủi ro và chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số VN-Index.
Trong tuần qua, MBB là mã được mua ròng nhiều nhất với 1.086 tỷ đồng, theo sau là VPB với 416 tỷ đồng. MSB gây chú ý khi trở thành cổ phiếu có chuỗi mua ròng dài nhất – kéo dài 14 phiên liên tiếp, giúp giá cổ phiếu nhích lên khoảng 4% và có thời điểm vượt mốc 12.000 đồng.
![]() |
Dòng vốn ngoại trở lại, chứng khoán Việt Nam đón tín hiệu đảo chiều mạnh (Ảnh: Minh họa) |
Bên cạnh nhóm ngân hàng, các cổ phiếu đầu ngành trong rổ VN30 cũng bắt đầu hút dòng tiền trở lại. FPT – mã từng bị bán mạnh đầu năm – đã được mua ròng hơn 860 tỷ đồng. PNJ cũng có chuỗi 6 phiên liên tiếp được gom mua, riêng một phiên ghi nhận khối ngoại giải ngân hơn 250 tỷ đồng.
Đây là một bước ngoặt được đánh giá là “tín hiệu đảo chiều rõ rệt” sau gần hai năm bán ròng miệt mài, theo các chuyên gia phân tích thị trường.
Ông Tyler Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc cấp cao Nghiên cứu chiến lược thị trường tại Công ty Chứng khoán HSC, cho biết sự trở lại của dòng vốn nước ngoài phần lớn đến từ các nhà đầu tư tổ chức dài hạn, đặc biệt là các quỹ offshore đặt trụ sở tại châu Âu. Những quỹ này thường giải ngân theo chiến lược phân bổ từng phần, thay vì đổ tiền ồ ạt vào một phiên duy nhất.
Các quỹ này đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang sở hữu nhiều yếu tố hấp dẫn, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro từ các thị trường phát triển như Mỹ gia tăng và xu hướng quay lại các thị trường mới nổi ngày càng rõ nét.
Tổng Giám đốc MSB – ông Nguyễn Hoàng Linh – cũng xác nhận, thời gian gần đây có rất nhiều tổ chức tài chính và quỹ đầu tư nước ngoài đến từ châu Âu bày tỏ sự quan tâm đến thị trường Việt Nam, đặc biệt sau khi ngân hàng này tiếp nhận các khoản vay dài hạn từ các tổ chức lớn như OPEC Fund, Mizuho, Standard Chartered và FMO.
Theo ông Tyler Dũng, bên cạnh dòng vốn toàn cầu đang tái cấu trúc, ba yếu tố nội tại khiến chứng khoán Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài gồm: Đầu tiên, hệ số P/E toàn thị trường đang ở dưới mức trung bình 5 năm, đồng thời thấp hơn nhiều thị trường trong khu vực. Điều này giúp cổ phiếu Việt trở nên “rẻ” tương đối so với tiềm năng.
Thứ hai, việc chính thức vận hành hệ thống KRX là một bước tiến quan trọng, nâng cao minh bạch và hiệu suất giao dịch, tạo kỳ vọng về khả năng nâng hạng thị trường từ FTSE và MSCI trong tương lai gần.
Cuối cùng, bối cảnh chính trị – kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với các chính sách điều hành minh bạch, tạo niềm tin cho dòng vốn dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro thuế quan và chiến tranh thương mại đã hạ nhiệt.
Đại diện AFC Vietnam Fund – quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam từ năm 2013 – cho rằng các chính sách gần đây của Chính phủ như mở rộng ngoại giao, thúc đẩy đầu tư công và đàm phán thuế quốc tế là những yếu tố giúp họ cảm thấy yên tâm hơn.
Tuy nhiên, vị này cũng khuyến nghị thận trọng, bởi khối ngoại vẫn đang ở trạng thái bán ròng tính từ đầu năm và từng rút tới 93.000 tỷ đồng trong năm 2024 – mức cao nhất trong lịch sử thị trường Việt Nam. Ngoại trừ tháng 1/2024, họ liên tục bán ra trong gần hai năm qua.
AFC Vietnam Fund hiện đang cơ cấu danh mục, giảm tỷ trọng các ngành truyền thống như dệt may, gỗ, thủy sản để chuyển sang các cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công và bất động sản – những lĩnh vực đang có dấu hiệu hồi phục sau giai đoạn suy giảm kéo dài.
Theo ông Tyler Dũng, để dòng vốn ngoại thực sự hình thành xu hướng tăng ổn định và lâu dài, Việt Nam cần giải quyết hai "nút thắt" quan trọng.
Thứ nhất là kết quả đàm phán thương mại khả quan, trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu chiếm tới 87% GDP. Thứ hai là cải cách mạnh mẽ cơ chế IPO, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và hoàn thiện điều kiện để sớm được nâng hạng thị trường.
Ông Tyler Dũng nhấn mạnh: “Vốn ngoại không bị ràng buộc bởi kháng cự kỹ thuật trong ngắn hạn. Nếu xu hướng này tiếp diễn, dòng tiền có thể lan tỏa sang nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, mở ra cơ hội tăng trưởng cho toàn thị trường.”