Đồng Tháp: Chính quyền đồng hành, giúp doanh nghiệp vượt khó, tận dụng Hiệp định RCEP để thúc đẩy xuất khẩu

23:50 30/09/2021

Ngày 30/9, khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cơ bản được kiểm soát, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp tổ chức buổi "Họp mặt doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp" với sự tham dự của 30 DN tiêu biểu. Đồng thời, Sở Công Thương tỉnh đã phối hợp cùng VCCI Cần Thơ tổ chức hội nghị trực tuyến để giúp các doanh nghiệp hiểu rõ và tận dụng tối đa Hiệp định RCEP để thúc đẩy xuất khẩu...

Sau gần 3 tháng phòng, chống dịch Covid-19, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, cộng đồng DN, đến nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát. Hiện có gần 190 DN đã dần sản xuất trở lại. Đồng Tháp cũng xây dựng các kịch bản, từng bước nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội và tạo điều kiện để các DN tái sản xuất, kinh doanh và phục hồi kinh tế.

Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Với tinh thần cầu thị, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã trực tiếp lắng nghe, tháo gỡ từng nút thắt cho doanh nghiệp (động lực phát triển kinh tế của tỉnh) tại buổi "Họp mặt Doanh nghiệp và Lãnh đạo tỉnh" vào chiều 30/9. Tại buổi họp mặt, Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa đã nhấn mạnh thông điệp "Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn" với gần 30 doanh nghiệp, đại diện các hội, hiệp hội doanh nghiệp trong tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh cam kết tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó. Ảnh: Văn Khương/ Cổng TTĐT Đồng Tháp.

Ông Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp. Trong điều kiện dịch bệnh, tỉnh buộc phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội ở mức cao. Người đứng đầu UBND tỉnh Đồng Tháp cảm thấy day dứt khi doanh nghiệp phải dừng hoạt động do dịch bệnh.

Ông Nghĩa cho biết, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang giảm dần, song vẫn còn một vài điểm phức tạp. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 của tỉnh Đồng Tháp còn thấp. Chính vì vậy, ông Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu không được chủ quan, sẽ nới lỏng có lộ trình. Tỉnh đã thành lập "Ban Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và hoạt động doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp" để hỗ trợ cho doanh nghiệp một cách thiết thực và nhanh chóng, từng bước tháo gỡ khó khăn; đồng thời tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tiêm vắc xin cho lực lượng lao động tại các doanh nghiệp để khôi phục sản xuất; đề nghị doanh nghiệp sớm có phương án hoạt động trở lại theo lộ trình.

Bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Cánh Đồng Xanh Đồng Tháp phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: Văn Khương/ Cổng TTĐT Đồng Tháp.

Các doanh nghiệp ghi nhận những nỗ lực của chính quyền địa phương trong công tác kiểm soát dịch bệnh, đồng thời bày tỏ niềm tin rằng kinh tế sẽ sớm phục hồi. Với tinh thần “Lợi ích hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”, các doanh nghiệp kiến nghị tỉnh cho hoạt động lại đối với những doanh nghiệp đã tạm dừng trước đó; đối với doanh nghiệp hoạt động “04 tại chỗ”, tỉnh nên cho cơ chế thực hiện “01 cung đường, 02 điểm đến”; giảm lãi suất vay ngân hàng cho doanh nghiệp, thuế thu nhập doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể; tháo gỡ khó khăn về y tế, giao thông vận tải, xây dựng công trình ...

Tận dụng Hiệp định RCEP để thúc đẩy xuất khẩu

Trong buổi sáng cùng ngày (30/9), Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức Hội nghị trực tuyến “Tận dụng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh đại dịch Covid-19”. Hội nghị được kết nối đến các điểm cầu huyện, thành phố và doanh nghiệp trong tỉnh.

Điểm cầu trực tuyến tại Uỷ ban nhân dân tỉnh. Ảnh: Như Ý/ Cổng TTĐT Đồng Tháp.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực được ký vào ngày 15/11/2020, dự kiến chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Sau khi được phê chuẩn, RCEP sẽ trở thành hiệp định thương mại tự do lớn nhất theo sản lượng kinh tế trên thế giới, với tiềm năng tăng trưởng thương mại và hội nhập giữa các nền kinh tế Đông Á; là một Hiệp định nhằm mở rộng và làm sâu sắc hơn sự gắn kết giữa ASEAN và các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, và New Zealand.

Đối với Đồng Tháp, trong 01 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 đã đạt được thì có đến 40% kim ngạch xuất khẩu (tương đương khoảng 440 triệu USD) từ thị trường trong khối RCEP. Do đó, đây là cơ hội để các doanh nghiệp của tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh như: Thuỷ sản, gạo và các sản phẩm sau gạo, dệt may, da giày v.v..

Tại Hội nghị, bà Hoàng Ngọc Oanh - Chuyên gia kinh tế quốc tế thuộc Trung tâm Tư vấn phát triển kinh tế thương mại Việt Nam/Hiệp hội thông tin, tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam đã giới thiệu về Hiệp định RCEP với các nội dung quan trọng như: Các cam kết về thuế quan, lộ trình cắt giảm thuế, xuất xứ hàng hoá, hàng rào kỹ thuật và các thủ tục xuất nhập khẩu; những điểm khác biệt cần lưu ý của Hiệp định RCEP so với các Hiệp định có liên quan; hướng dẫn khai thác thông tin thị trường trọng điểm của RCEP.

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng hướng dẫn các doanh nghiệp về các giải pháp có thể tận dụng Hiệp định RCEP trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cơ hội và thách thức từ Hiệp định cùng các giải pháp tăng cường khả năng cạnh tranh cho nông sản và thực phẩm chế biến v.v..

Với kịch bản sắp tới, Đồng Tháp từng bước nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội và tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong tỉnh tái sản xuất, kinh doanh và phục hồi kinh tế ...

Từ ngày 01/10/2021, Đồng Tháp thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh cho đến khi có thông báo mới. Tình hình dịch Covid-19 tại Đồng Tháp cơ bản được kiểm soát, toàn tỉnh có 114 địa phương cấp xã dự báo mức độ “Bình thường mới”, còn 20 xã dự báo mức “Nguy cơ”, 7 xã dự báo mức độ “Nguy cơ cao” và 2 xã dự báo mức độ "Nguy cơ rất cao”…

PL (Theo Cổng TTĐT Đồng Tháp)