![]() |
Doanh nghiệp nhỏ tại Hồng Kông lao đao vì thuế quan Mỹ - Trung. |
Doanh nhân Danny Lau, người đứng đầu công ty gia công kim loại Kam Pin Industrial với hơn 60 năm hoạt động, đang chứng kiến tác động khốc liệt từ cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung lên toàn bộ chuỗi giá trị của mình. Một phần ba doanh thu của công ty đến từ thị trường Mỹ, nơi các sản phẩm của ông Lau, đặc biệt là tấm ốp nhôm dùng trong xây dựng, từng được sử dụng trong các dự án của Google và Amazon.
Tuy nhiên, từ khi Tổng thống Donald Trump ban hành loạt thuế mới vào tháng 4/2025, bao gồm thuế 25% lên tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, công ty của doanh nhân Lau không còn nhận được đơn hàng mới nào từ phía Mỹ. Ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận tạm hoãn thuế quan trong 90 ngày, nhiều doanh nghiệp như của ông vẫn không dám hy vọng quá nhiều.
Doanh nhân Danny Lau chia sẻ: “Thị trường Mỹ rất lớn, họ có thể chi trả giá cao cho hàng hóa chất lượng và yêu cầu giao hàng nhanh. Vì thế, rất khó để tìm được một thị trường có thể thay thế”.
Mặc dù mức thuế bổ sung cho hàng xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ đã giảm từ 145% xuống còn 30%, nhiều mặt hàng vẫn phải gánh thêm các khoản thuế chồng lên nhau. Đối với ông Lau, sản phẩm nhôm của ông vẫn đang chịu mức thuế tổng cộng gần 80%.
Trong bối cảnh bất ổn kéo dài, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Hồng Kông (Trung Quốc) đang chật vật giải phóng hàng tồn kho để tránh rơi vào khủng hoảng thanh khoản. “Nếu đàm phán đổ vỡ, nhiều nhà sản xuất sẽ không thể trụ nổi. Họ đã sản xuất xong nhưng không có ai mua, phải trả tiền cho nhà cung cấp mà không có dòng tiền vào”, ông Danny Lau cảnh báo.
![]() |
Doanh nhân Danny Lau (trái) kiểm tra chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp của mình. |
Hồng Kông (Trung Quốc) hiện có khoảng 360.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm hơn 40% lực lượng lao động khu vực tư nhân của thành phố. Tuy nhiên, hơn 75% trong số này vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19, theo một khảo sát mới đây của Phòng Thương mại Hồng Kông.
Cuộc chiến thương mại hiện tại được dự báo sẽ càng làm trì hoãn quá trình phục hồi. Không chỉ mất dần lợi thế về chi phí khi sản xuất tại Trung Quốc, các doanh nghiệp Hồng Kông còn đang đối mặt với hiện tượng phân mảnh chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến việc tiếp cận các thị trường thay thế ngoài Mỹ trở nên khó khăn hơn.
“Để nhắm đến các thị trường khác ngoài Mỹ, doanh nghiệp phải tính đến việc chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đại lục, bởi vì áp lực thuế quan có thể lan rộng ra nhiều quốc gia khác trong tương lai”, chuyên gia Gary Ng của Natixis nhận định.
Ngay cả khi doanh nghiệp muốn đẩy nhanh xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian hoãn thuế còn hiệu lực, họ lại vấp phải vấn đề vận chuyển. Theo ông Lau, trong suốt tháng 4 và đầu tháng 5, gần như không có chuyến hàng nào được vận chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ. Khi thỏa thuận tạm thời có hiệu lực, nhu cầu tăng đột biến khiến các hãng tàu không kịp đáp ứng.
Ông Lau nói: “Tôi không nghĩ rằng họ có đủ tàu để xử lý trong thời điểm quan trọng này. Giá vận chuyển sẽ tăng mạnh vì cung không đáp ứng được cầu”.
Ngoài những khó khăn mang tính hệ thống, ông Lau vẫn đánh giá cao tính ổn định trong các dự án của Mỹ – nơi các hợp đồng thường được ký sớm và rõ ràng, giúp lên kế hoạch sản xuất hiệu quả hơn. Tuy vậy, doanh nhân Danny Lau cũng nhấn mạnh rằng tinh thần đổi mới là yếu tố sống còn, khi công ty của ông vẫn duy trì các cuộc họp R&D hàng tháng để đưa ra mẫu thiết kế mới và giảm chi phí. Ông kết luận: “Nếu bạn đứng yên, bạn sẽ bị đào thải”.
![]() |
![]() |
![]() |