Điều chỉnh thuế GTGT tạo môi trường bình đẳng cho doanh nghiệp sản xuất phân bón

14:18 25/11/2020

Đối với một đất nước mà tỷ lệ người dân tham gia sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm đến gần 60%, thì phân bón, giá phân bón có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người nông dân. Việc tháo gỡ khó khăn, điều chỉnh luật pháp tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp sản xuất phân bón là giải pháp cấp bách mà các cơ quan Nhà nước cần sớm thực hiện.

Những bất cập trong chính sách thuế

Khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước, chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu là một trong những chủ trương quan trọng của Chính phủ, nhằm điều tiết cung cầu khi thị trường phân bón có biến động. Để thực hiện chủ trương này, Quốc hội đã ban hành Luật thuế 71/2014/QH13 (Luật 71), có hiệu lực từ năm 2015, quy định các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ khâu nhập khẩu đến khâu sản xuất, thương mại bán ra… với kỳ vọng có thể giảm chi phí giá thành sản phẩm phân bón, giúp người nông dân tăng lợi nhuận trong quá trình canh tác nông nghiệp. Song, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật 71 đã nảy sinh khá nhiều bất cập, không những giá bán phân bón trong nước không giảm, mà còn làm hạn chế sản xuất kinh doanh, kìm hãm sự phát triển của các dự án đầu tư sản xuất phân bón.

Khoản 1, Điều 13 Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam quy định, phân bón là mặt hàng thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) kể từ ngày 1/1/2015. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào (kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định) dùng cho sản xuất phân bón, toàn bộ chi phí này phải tính vào chi phí sản xuất, khiến người nông dân vẫn phải mua phân bón nội địa với giá cao. Từ thực trạng trên kéo theo không ít nông dân đã chuyển qua dùng phân bón nhập khẩu do cạnh tranh về giá hơn.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, kể từ năm 2015, khi thực hiện Luật thuế 71, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%, phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 - 6,1%... so những năm trước đó khi còn áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón. Thực tế, ngay sau khi Luật 71 có hiệu lực, năm 2015, do sức cạnh tranh kém hẳn so với hàng nhập khẩu, sản lượng phân bón tồn kho cuối năm tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, tồn kho phân đạm ure tăng 2,4 lần, tồn kho phân DAP tăng xấp xỉ 02 lần (trong đó tồn kho của hai doanh nghiệp sản xuất trong nước tăng 23 lần). Cũng Theo Luật Thuế 71, thuế GTGT lại giảm 5% đối với mặt hàng phân bón nhập khẩu, qua đó giúp phân bón nhập khẩu có lợi thế về giá so với phân bón sản xuất trong nước. Chưa kể, do hầu hết các nước như Indonesia, Malaysia, Philipines, Nga, Trung Đông và đặc biệt là Trung Quốc có chi phí nguyên liệu sản xuất phân bón rất thấp nên sản phẩm phân bón có giá cạnh tranh. Điều này dẫn đến thực tế là việc cạnh tranh giữa phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước ngày càng khốc liệt và khoảng cách ngày một nới rộng theo hướng có lợi cho phân bón nhập khẩu.

Việc áp dụng Luật Thuế 71 còn làm tăng tổng mức đầu tư các dự án sản xuất phân bón mới, dẫn đến các doanh nghiệp sẽ không "mặn mà" đầu tư sản xuất các loại phân bón thế hệ mới, với các tính năng ưu việt hơn như phân bón tan chậm, phân bón điều khiển tan, phân bón nhiều tính năng... Doanh nghiệp phân bón khó khăn, Nhà nước cũng thất thu do không thu được thuế VAT với cả hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu.

Tóm lại, khi Luật Thuế số 71 ngày 26/11/2014 của Quốc hội quy định, phân bón là mặt hàng thuộc đối tượng không phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) kể từ ngày 1/1/2015 đã có những ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp sản xuất phân bón tại Việt Nam. Chủ trương lớn của Chính phủ là tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phát triển, hạn chế việc phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu đối với sản phẩm phân bón đã chưa đạt được. Việc miễn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp sản xuất phân bón để nhằm mục đích hạn giá bán, cải thiện thu nhập cho người nông dân nhưng khi triển khai thực tế đã không đem lại hiệu quả. Giá phân bón vẫn bị đẩy lên cao, các sản phẩm phân bón do doanh nghiệp trong nước sản xuất không cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu. Doanh nghiệp không được khấu trừ các khoản thuế GTGT đầu vào dẫn đến toàn bộ những chi phí này được tính vào chi phí sản xuất khiến giá thành sản phẩm tăng lên, sức cạnh tranh giảm đi. Trong khi đó các sản phẩm phân bón của các nước khi xuất khẩu thường được các quốc gia áp dụng thuế suất xuất khẩu 0%, được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT cho nguyên vật liệu, dịch vụ sản xuất nên giá thành rất thấp, sức cạnh tranh lớn. Điều này làm hạn chế đi chủ trương lớn của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, sản xuất phân bón cho các doanh nghiệp tại Việt Nam khi trình Luật Thuế số 71 để Quốc hội thông qua. Việc này cũng làm hạn chế sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp khi muốn tham gi vào lĩnh vực sản xuất phân bón.

Cần chính sách hỗ trợ thúc đẩy thị trường phân bón

Tác động chính sách, sự thúc đẩy thị trường phân bón

Sau khi Luật 71 có hiệu lực, mặc dù các nhà máy sản xuất phân bón trong nước có thể đáp ứng đủ nhu cầu phân urê, phân lân, phân NPK và hướng tới xuất khẩu một số sản phẩm, song từ năm 2015 đến nay, mỗi năm nước ta vẫn nhập khẩu khoảng hơn 4 triệu tấn phân bón, chủ yếu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Nga, Trung Đông… trị giá khoảng 1,33 tỷ USD.

Có thể thấy, chi phí giá thành phân bón trong nước tăng, dẫn đến bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước khi cạnh tranh thị trường với phân bón nhập khẩu. Phân bón nhập khẩu đang hưởng lợi nhiều nhất bởi không phải chịu thuế GTGT, giá bán giảm 5%. Trong khi theo chính sách khuyến khích xuất khẩu của các nước, thuế suất xuất khẩu phân bón là 0%, sản phẩm phân bón được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT cho nguyên vật liệu, dịch vụ sản xuất. Ngoài ra, hầu hết các nước này còn có chi phí nguyên liệu sản xuất phân bón rất thấp. Do vậy, phân bón nhập khẩu càng có lợi thế cạnh tranh về giá thành và giá bán, dẫn đến nhập khẩu phân bón tăng, còn sản xuất phân bón trong nước lại phải thu hẹp quy mô sản xuất.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2018, cả nước nhập khẩu hơn 600.000 tấn ure, với kim ngạch gần 70 triệu USD, chủ yếu từ Nga và Trung Quốc. Chín tháng đầu năm 2019, lượng đạm nhập khẩu về tiếp tục tăng hai con số. Trong khi đó, Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ, hai doanh nghiệp lớn nắm 70% thị phần phân đạm trong nước lại phải đối mặt với thách thức thiếu khí và giá khí tăng cao. Sản phẩm phân bón chất lượng bị thu hẹp càng tạo điều kiện cho hàng giả, hàng lậu kém chất lượng chiếm lĩnh thị trường.

Theo Bộ Công thương, trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường phát hiện và xử lý khoảng 3.000 vụ liên quan đến phân bón lậu, phân bón giả. Hàng lậu có giá thấp hơn hàng chính ngạch từ một đến hai triệu đồng/tấn, khi đến tay người dân thấp hơn thị trường khoảng 500 - 1.000 đồng/kg, nên dễ thu hút bà con nông dân. Mặt khác, do nhận thức của người dân nhiều nơi, đặc biệt là nông dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, cộng với tâm lý ham rẻ nên dễ mua phải phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng.

Sản phẩm phân bón chất lượng bị thu hẹp càng tạo điều kiện cho hàng giả, hàng lậu kém chất lượng chiếm lĩnh thị trường.

Cả nước hiện có khoảng 13 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và khoảng 7.000 loại phân bón khác nhau đang được lưu thông. Tuy nhiên, việc quản lý phân bón còn nhiều bất cập và kẽ hở để các đối tượng nhập lậu đưa phân bón kém chất lượng tới ruộng đồng của nông dân. Tác động tiêu cực của phân bón giả, phân bón kém chất lượng sẽ gây suy kiệt sức sống của cây trồng dẫn đến giảm năng suất; cây yếu sẽ bị sâu bệnh tấn công nhiều hơn, làm tăng thêm chi phí cho phòng và trị sâu bệnh hại, gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và chất lượng nông sản. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu trung bình phân bón giả gây thiệt hại mỗi ha là 200 USD thì mỗi năm ngành nông nghiệp thiệt hại tới 2,6 tỷ USD. Nguy hại hơn, các mặt hàng nông sản Việt Nam đang hướng tới thị trường quốc tế nếu không đảm bảo chất lượng, việc xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Phân bón, giá phân bón có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người nông dân

Một số chuyên gia trong lĩnh vực phân tích, khi sản phẩm phân bón bán ra không được trừ thuế GTGT thì doanh nghiệp không được trừ thuế GTGT đầu vào, vì vậy doanh nghiệp buộc phải cộng thêm toàn bộ giá trị thuế GTGT này vào giá thành sản xuất. Còn các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón từ nước ngoài vào thì không phải chịu thuế GTGT đầu vào. Vô hình chung, chính sách này đang tạo ra “hỗ trợ” cho nhập khẩu từ nước ngoài mà không hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Song, nếu đánh thuế VAT với phân bón thì lập tức phân bón ngoại nhập cũng phải chịu thuế VAT. Và ngân sách Nhà nước ngay khi nhập lượng phân bón vào biên giới là đã thu được một khoản từ thuế VAT đó. Thuế VAT làm cho giá phân bón cao lên tuy nhiên cũng làm cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước được nâng theo. Từ đó tạo sự cạnh tranh công bằng về giá cho các bên tham gia thị trường phân phối, sản xuất phân bón.

Theo bao cáo tóm tắt số. 587/BC-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ do Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình trình bày tại kỳ họp thứ X, Quốc hội khoá XIV thì “Việc xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương được tập trung chỉ đạo, từng bước phân nhóm các dự án để xác định phương án xử lý cụ thể, khả thi, dứt điểm, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính Trị và theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Xử lý trên nguyên tắc đề cao tự chủ, tự quyết của doanh nghiệp, theo nguyên tắc, cơ chế thị trường, Nhà nước không cấp thêm vốn vào dự án, hạn chế tối đa thiệt hại cho Nhà nước, quan tâm tới quyền lợi của người lao động, an sinh xã hội, môi trường và ổn định xã hội. Cụ thể:

(1) Nếu tháo gỡ được vướng mắc về thuế suất GTGT 5% đối với phân bón (QH sẽ có ý kiến về dự thảo Nghị quyết về Thuế GTGT phân bón tại kỳ họp này), bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu thì sẽ tháo gỡ được cho các dự án DAP-1 Hải Phòng, DAP-2 Lào Cai, Đạm Ninh Bình và có thể đưa DAP-1 Hải Phòng ra khỏi danh sách 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả trong thời gian tới…”.

Điều chỉnh mức thuế suất thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón sau năm năm áp dụng (từ năm 2015 đến nay) là một đòi hỏi bức thiết của thị trường. Thời gian đã đủ dài để các cơ quan quản lý Nhà nước có những nhìn nhận, đánh giá khách quan từ đó đưa ra các điều chỉnh hợp lý về chính sách nhằm kích thích, tạo điều kiện công bằng, minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển. Thuế suất là một công cụ hữu hiệu để điều tiết nền kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp nhưng để đem lại hiệu quả cao cơ quan Nhà nước cần phải sử dụng công cụ này nhanh chóng, kịp thời và hợp lý. Các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất trong lĩnh vực phân bón tại Việt Nam đang mong đợi sự điều chỉnh của Chính phủ “liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp lên hàng đầu”.

Nhóm PV Pháp luật