Đi tìm mục đích tồn tại có ý nghĩa cho doanh nghiệp

16:53 10/11/2021

Ngày nay, hầu hết các nhà lãnh đạo công ty đều tin rằng mục tiêu lớn lao hơn của doanh nghiệp là tạo ra sự khác biệt tích cực chứ không chỉ chú ý đến tối đa hóa giá trị cổ đông. Do đó, xác định lý do tồn tại của một công ty và định hướng trong các quyết định cũng như hoạt động đã trở thành điều kiện kiên quyết trong quá trình kinh doanh.

Theo tác giả Hubert Joly, cựu chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Best Buy đặt trọng tâm vào cách công ty phát triển. Chính động lực này đã giúp truyền cảm hứng cho những nhân viên từng chán nản, lo lắng trước đây đồng thời tăng giá cổ phiếu công ty lên gấp10 lần kể từ năm 2012. Mặc dù ý tưởng về một công ty được xây dựng dựa trên các mục đích tưởng chừng đơn giản, dễ hiểu nhưng trên thực tế rất khó để biến thành hiện thực. Dưới đây, ông Joly trình bày năm điều quan trọng để có thể xác định mục đích cho từng doanh nghiệp. 

Xây dựng mục đích cho công ty sẽ giúp điều hướng các thay đổi tích cực
Xây dựng mục đích cho công ty sẽ giúp điều hướng các thay đổi tích cực. (Ảnh: Forbes)

Năm 2015, ngay sau khi đảm nhận cương vị chủ tịch của Best Buy bên cạnh chức vụ giám đốc điều hành công ty, Joly đã quyết định đi thăm tất cả các thành viên hội đồng quản trị. Ông có dịp đến Michigan trò chuyện với Patrick Doyle, khi đó là giám đốc điều hành của Domino’s Pizza cùng một đồng nghiệp khác. Người này hỏi Joly: “Ông đã xem video TED Talk của Simon Sinek giảng về cách các nhà lãnh đạo vĩ đại truyền cảm hứng chưa?”. Ngay trong khoảnh khắc đó, vị lãnh đạo Best Buy nhận ra chân lý từ câu nói của Sinek: “Mọi người không mua những gì bạn làm, họ mua lí do tại sao bạn làm điều đó”. Trong nhiều năm, Joly vẫn luôn trăn trở làm thế nào để cân nhắc các mục đích của công ty cũng như vai trò của công việc đối với cá nhân, rốt cuộc nhiệm vụ của mỗi người có ý nghĩa như thế nào. Mặc dù khám phá triết học đã thuyết phục ông về sức mạnh của mục đích cá nhân và công ty nhưng những điều Sinek chỉ ra nhắc nhở Joly rằng tại sao mục đích tồn tại quá đỗi quan trọng đối với Best Buy vào thời điểm đó.

Ngày nay, hầu hết các nhà lãnh đạo công ty đều tin rằng mục tiêu lớn lao hơn của doanh nghiệp là tạo ra sự khác biệt tích cực chứ không chỉ chú ý đến tối đa hóa giá trị cổ đông. Chẳng hạn, hơn 8 trong số 10 giám đốc điều hành cho rằng ý thức mạnh mẽ về tạo lập mục đích chung sẽ thúc đẩy sự hài lòng ở nhân viên, tạo điều kiện chuyển đổi kinh doanh và giúp tăng lòng trung thành của khách hàng. Đa số các giám đốc đều hiểu rằng mục đích hay còn là động lực tồn tại giúp công ty điều hướng trong một môi trường đầy biến động và khó lường, đồng thời mang lại hiệu suất cao hơn và bền vững hơn.

Mục đích của doanh nghiệp nằm ở giao điểm bốn vòng tròn

Mặc dù đã có rất nhiều bài viết, bài giảng về mục đích của công ty nhưng không phải ai cũng thực sự hiểu rõ. Vì vậy, trước tiên, Hubert đưa ra định nghĩa về mục đích của một tập đoàn: Đó là mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp, lý do cốt yếu khiến công ty tồn tại và đóng góp như thế nào cho lợi ích chung. Ví dụ, mục đích ban đầu của Google là “sắp xếp thông tin của thế giới” hay như Netflix đã xác định mục đích thành lập đem lại công cụ “giải trí cho thế giới”. Rõ ràng trong những định nghĩa trên là quan điểm của mỗi doanh nghiệp về những gì có thể và nên trở thành động lực cho lợi ích chung, thay vì chỉ đơn thuần là một phương tiện để đạt mục tiêu duy nhất là tối đa hóa lợi nhuận của cổ đông. 

Mục đích của công ty nằm ở giao điểm của 4 vòng tròn
Mục đích của công ty nằm ở giao điểm của 4 vòng tròn. (Ảnh: The Heart of Business, Hubert Joly)

Để đạt được mục đích có ý nghĩa, đích thực, đáng tin cậy và mạnh mẽ, hãy khám phá kỹ lưỡng tất cả bốn vòng kết nối. Dưới đây là một số yếu tố cần xem xét:

Thế giới cần gì: Đây là những nhu cầu cụ thể, thiết yếu nhưng chưa được đáp ứng. Giải quyết những nhu cầu trên có vai trò như thế nào và có điều gì khác biệt?

Đội ngũ nhân lực hoạt động vì lý do gì: Điều gì thúc đẩy đội ngũ nòng cốt làm việc tại công ty? Họ muốn tạo ra sự khác biệt nào trên thế giới? (Yếu tố này áp dụng cho cả giới lãnh đạo cấp cao cũng như toàn bộ nhân viên).

Điểm sáng của công ty: Doanh nghiệp sở hữu những công cụ độc đáo nào cho phép giải quyết các nhu cầu nhất định?

Làm thế nào công ty có thể tạo ra giá trị kinh tế: Doanh nghiệp có thể tiếp cận các cơ hội kinh doanh nào? Các nhóm lợi nhuận tiềm năng liên quan có sức hấp dẫn ra sao? Công ty có thể nắm bắt những giá trị như vậy hay không?

Phát hiện mục đích của công ty trong các nhu cầu cơ bản của con người

Tập trung vào các nhu cầu cơ bản của con người thay vì các sản phẩm chỉ mang tính chất công cụ giải quyết vấn đề là điều quan trọng khi xác định mục đích của công ty. Đầu tiên, nhu cầu thực tế luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo. Thứ hai, nhu cầu mở rộng tầm nhìn của công ty, mở ra thị trường mới chưa được khám phá. Nói một cách dễ hiểu, liệu thế giới có cần nhiều vô tuyến truyền hình, điện thoại di động và máy tính xách tay hơn không? Hay những sản phẩm này chỉ đơn thuần là phương tiện hỗ trợ.

Nghiên cứu của Hubert nhấn mạnh rằng mặc dù đổi mới công nghệ rất thú vị, nhưng thực tế nhiều khách hàng cần trợ giúp để tìm ra sức mạnh và tận dụng lợi thế của các công cụ, phương tiện. Đây chính là nhu cầu cơ bản chưa được đáp ứng và nằm ngay trong tầm tay của doanh nghiệp, mang lại cơ hội kinh doanh đáng kể nếu mở rộng thêm các dịch vụ như tư vấn kỹ thuật tại nhà, hỗ trợ 24/7.

Kết nối và sẻ chia

Trong hội thảo với chủ đề đi tìm mục đích làm việc của Hubert tại Trường Kinh doanh Harvard, ông và đồng nghiệp bắt đầu buổi thảo luận bằng cách yêu cầu những người tham gia là sinh viên MBA hoặc giám đốc điều hành các công ty, phản ánh và chia sẻ đâu là động lực thúc đẩy và lý do họ làm việc.

Về cơ bản, kinh doanh là về các mối quan hệ con người trong đó một công ty là một tổ chức bao gồm các cá nhân làm việc cùng nhau để theo đuổi một mục đích chung. Đó cũng chính là những gì mà nhà lãnh đạo ở tất cả các cấp cần hiểu rõ để thúc đẩy nhân viên. Giờ thì bạn đã hiểu tại sao các công ty thường có hoạt động tập thể như tổ chức ăn tối, đi nghỉ dưỡng cũng là dịp khuyến khích nhân viên suy ngẫm và chia sẻ về công ty, về động lực và là chìa khóa làm nên một nhà lãnh đạo con người.

Bên cạnh đó, cá nhân hóa cũng là cách thức giúp xác định mục đích bởi điều này làm sáng tỏ đam mê của mỗi người. Khi niềm đam mê của mỗi cá cá nhân phù hợp với mục đích chung, mọi người sẽ cố gắng hết sức để theo đuổi tầm nhìn đã đặt ra, kế đó dễ dàng lan tỏa và mở rộng định hướng đến với khách hàng và mọi đối tượng khác.

Kinh doanh là vòng tròn các mối quan hệ khép kín phụ thuộc lẫn nhau

Larry Fink của Black Rock đã từng viết trong thư gửi CEO của các công ty đại chúng: Hoạt động kinh doanh không thể phát triển lâu dài nếu cộng đồng không có sự đồng thuận hay nhân viên không có hạnh phúc. Kinh doanh không thể thành công trong bối cảnh cô lập.

Vậy làm thế nào để các công ty có thể đảm bảo mọi bên liên quan đều được hưởng lợi từ mục đích chung? Câu trả lời bắt đầu với việc xác định rõ đối tượng là ai, có nhu cầu nào và công ty có khả năng giải quyết ra sao. Đáp án cho những khúc mắc trên phản ánh quan điểm kinh doanh vượt trội để huy động tất cả các bên theo đuổi mục đích cao cả của công ty. Theo cách tiếp cận này, doanh nghiệp là một hệ sinh thái tồn tại dựa trên sự phụ thuộc lẫn nhau, cùng chung lợi của tất cả các bên liên quan. Kiến trúc nêu trên lấy nhân viên làm trọng tâm, nuôi dưỡng các mối quan hệ không chỉ đóng góp vào mục đích của công ty mà còn đem lại kết quả tuyệt vời cho mỗi bên liên quan. 

Sự phụ thuộc lẫn nhau trong một tập thể tạo ra mục đích chung
Sự phụ thuộc lẫn nhau trong một tập thể tạo ra mục đích chung. (Ảnh: The Heart of Business)

Đặt ra tham vọng phù hợp

Cũng giống như trong Goldilocks and the Three Bears, doanh nghiệp không nên đặt mục đích quá tham vọng hoặc không đủ tham vọng, suy cho cùng cần phải cân nhắc ở mức độ vừa phải. Khi mục đích quá xa rời hoạt động kinh doanh cốt lõi, bao quát phạm vi quá rộng hay mơ hồ sẽ chỉ là những tuyên bố sáo rỗng, không có khả năng mang lại nhiều lợi ích hoặc truyền cảm hứng cho bất kỳ ai. Hãy suy ngẫm những điều sau đây sau khi xác định mức độ tham vọng đặt ra cho mục đích của công ty:

Khơi dậy khát vọng: Hãy nghĩ về cách công ty có thể tiếp tục đáp ứng nhu cầu của khách hàng ngay cả trong bối cảnh công nghệ và thị trường không ngừng phát triển. Chẳng hạn, Disney luôn cố gắng “giải trí, cung cấp thông tin và truyền cảm hứng cho mọi người trên toàn cầu thông qua sức mạnh của nghệ thuật kể chuyện”. Điều này truyền cảm hứng và tham vọng hơn nhiều so với việc đơn thuần làm phim hoạt hình và xây công viên giải trí. Tương tự, mục đích của Apple là “trao quyền cho sự khám phá sáng tạo và thể hiện bản thân”. Đây là những tham vọng táo bạo và đầy cảm hứng. Họ hướng đến việc tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của mỗi người, bỏ qua các vấn đề như thị phần, lợi nhuận hay phải trở thành số một trong ngành.

Mục đích tồn tại vì lợi ích xã hội: Thế giới đa cực hiện nay khuyến khích các công ty đem lại nhiều tác động tích cực. Mỗi thực thể đều tuyên bố mục đích thành lập doanh nghiệp là mang lại lợi ích cho nhiều người hơn nữa thông qua giải quyết nhu cầu rộng lớn. Tesla từng nói: “Chúng tôi tồn tại để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của hành tinh sang vận tải bền vững”. Và với trường hợp của  Patagonia, công ty “đang kinh doanh để cứu hành tinh thân yêu”. Cuối cùng hãy tự hỏi mục đích tồn tại cho doanh nghiệp của bạn là gì:

Trở nên có ý nghĩa: Nói cách khác, mục đích đặt ra có mang lại khác biệt thực sự trong cuộc sống của mỗi người không? Có tạo ra tiềm năng mang ý nghĩa đặc biệt cho tất cả các bên liên quan hay không?

Trở nên đáng tin cậy: Tham vọng có tận dụng được hết khả năng hoặc tài sản của công ty và mang lại ý nghĩa kinh doanh không? Thậm chí, làm thế nào để chuyển đổi mục đích thành hành động cụ thể cũng là điều đáng suy ngẫm.

Mạnh mẽ: Các nhu cầu mà công ty giải quyết có quan trọng và lớn không? Có bao nhiêu tác động tích cực được mang lại từ việc giải quyết những nhu cầu này?

Thuyết phục: Mục đích có đủ rõ ràng, cụ thể và đầy khát vọng để có thể truyền cảm hứng và huy động mọi người cả trong và ngoài công ty không?

Đức Nguyễn