![]() |
Ông Trần Khánh Tư - Chuyên gia nhà đào tạo, CEO Unica, Chủ tịch Unica Club |
Tại buổi toạ đàm: “Quản trị doanh nghiệp thực chiến trong kỷ nguyên AI" do Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập tổ chức sáng ngày 9/7/2025, ông Trần Khánh Tư - Chuyên gia nhà đào tạo, CEO Unica, Chủ tịch Unica Club đã mang đến một góc nhìn đầy thực tiễn và truyền cảm hứng về cách doanh nghiệp có thể tận dụng AI để tối ưu vận hành, tăng trưởng doanh thu và quan trọng hơn, là giải phóng chính mình khỏi guồng quay bận rộn.
Ông bắt đầu bài chia sẻ bằng một hình ảnh quen thuộc nhưng giàu ý nghĩa là chiếc đồng hồ cát, biểu tượng của thời gian, để dẫn dắt người nghe suy ngẫm về câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất căn cốt: “Thời gian có phải là tài sản quý giá nhất của mỗi con người?”
Theo ông, trí tuệ nhân tạo (AI) hay bất kỳ công nghệ nào hiện nay, rốt cuộc cũng chỉ là công cụ nhằm phục vụ một mục tiêu duy nhất: tiết kiệm thời gian. Trong kinh doanh, tốc độ là yếu tố sống còn, doanh nghiệp không thể tồn tại nếu vận hành chậm chạp. Nhưng ở cấp độ rộng hơn, trong chính cuộc đời mỗi người, việc tiêu tốn thời gian cho những công việc lặp lại, vận hành thủ công hay quy trình thiếu hiệu quả chẳng khác nào đang đánh mất cơ hội được sống đúng nghĩa. Khi được sử dụng đúng cách, công nghệ không chỉ giúp doanh nghiệp tăng trưởng mà còn trao trả cho con người những khoảng thời gian đáng giá để sống hiện diện, tập trung và có mục tiêu hơn.
Ông dẫn lại một câu nói ẩn chứa triết lý sâu sắc: “Ánh nắng của ngày hôm qua không thể phơi khô chiếc áo của hôm nay.” Theo đó, quá khứ chỉ là lý thuyết, còn tương lai nằm ở hành động của hiện tại. "Nếu các doanh nghiệp đến tham dự buổi tọa đàm này chỉ để nghe cho có, rồi quay về làm như cũ, thì đó không chỉ là sự lãng phí thời gian cá nhân mà còn là sự bỏ lỡ cơ hội thay đổi quan trọng cho chính tổ chức của mình", ông Tư nhận định.
Ông Trần Khánh Tư là minh chứng rõ nét cho khả năng tận dụng công nghệ để tối ưu vận hành doanh nghiệp. Với vai trò là người sáng lập và điều hành Unica - nền tảng giáo dục trực tuyến phát triển mạnh trên các kênh số, ông cho thấy rằng một doanh nghiệp hoàn toàn có thể hoạt động hiệu quả mà không cần văn phòng cố định hay bộ máy cồng kềnh. Làm việc từ xa tại một khu núi ở Hòa Bình, ông vẫn quản trị toàn bộ hệ thống từ xa, giúp doanh nghiệp tăng trưởng gấp 2–3 lần nhờ vào việc ứng dụng công nghệ, tự động hóa quy trình và đặc biệt là khai thác AI một cách bài bản, có chiến lược.
"Không cần bám lấy điện thoại từng phút, cũng không cần hiện diện vật lý ở văn phòng mỗi ngày - doanh nghiệp vẫn có thể phát triển bền vững, miễn là biết ứng dụng công nghệ đúng cách", ông Trần Khánh Tư chia sẻ.
![]() |
Toàn cảnh buổi toạ đàm: “Quản trị doanh nghiệp thực chiến trong kỷ nguyên AI". |
Ông Tư nêu ra một thực tế đáng chú ý, hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn vận hành theo mô hình truyền thống, chưa bắt kịp xu hướng vận hành không tiếp xúc - nơi người bán và người mua không cần gặp nhau, mọi giao dịch diễn ra chỉ qua một cú click. Trong khi đó, các mô hình mới như Grab - hãng taxi lớn nhất thế giới không sở hữu chiếc xe nào hay các doanh nghiệp bán hàng qua nền tảng video ngắn đang tạo ra doanh thu hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng. Điều đó cho thấy hành vi người tiêu dùng đã thay đổi hoàn toàn, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng thích nghi.
Một trong những vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay là không thể tiếp cận được khách hàng tiềm năng một cách ổn định, không có hệ thống thu hút hiệu quả, tỷ lệ chốt đơn thấp và chăm sóc khách hàng thiếu chuyên nghiệp, dẫn đến việc mất dần khách hàng cũ. Với kinh nghiệm thực chiến, ông Tư chia sẻ từng chỉ đăng một bài viết duy nhất trên Facebook nhưng thu về hơn 4.000 lượt chia sẻ trong vòng 24 giờ, nhờ đánh trúng vào nhu cầu của người đọc. Ông cũng xây dựng một kênh TikTok ứng dụng AI, chỉ sau ba tháng đã thu hút hơn 2 triệu lượt xem, khiến đội ngũ nhân viên không kịp trả lời tin nhắn và phải huy động hơn 30 trợ lý để hỗ trợ.
Trong bối cảnh hành vi tiêu dùng ngày càng “một chạm”, ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò sống còn của thương hiệu cá nhân. “Hôm nay bạn bán mặt hàng thực phẩm, mai có thể bán thứ khác. Nhưng nếu không ai biết bạn là ai, thì mọi nỗ lực đều trở thành vô nghĩa", ông chia sẻ.
Ông cũng dẫn chứng trường hợp của chính mình, khi chỉ cần tìm tên “Trần Khánh Tư” trên Google, người dùng có thể dễ dàng tiếp cận thông tin chính xác, đầy đủ, điều mà nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa làm được. Rất nhiều đơn vị xây dựng mô hình lớn, nhưng khi khách hàng cần tìm hiểu lại không hiện diện trên bất kỳ nền tảng số nào, khiến họ gần như “tàng hình” trên thị trường.
Không chỉ nêu vấn đề, ông còn đưa ra một lộ trình cụ thể gồm 5 bước để ứng dụng AI nhằm giải phóng doanh nghiệp:
"Đây chính là hành trình năm bước giúp doanh nghiệp vận hành linh hoạt, tinh gọn và hiệu quả trong thời đại số", ông chia sẻ.
Ông cũng chia sẻ nhiều ví dụ thực tế cho thấy tiềm năng khổng lồ khi kết hợp áp dụng AI với nội dung video khi một kênh TikTok bán đồ ăn vặt có thể thu về doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng; một video mỹ phẩm mang lại hàng chục tỷ đồng. "Bài học rút ra là không cần sản phẩm đắt tiền, điều quan trọng là xuất hiện đúng lúc, đúng nơi và đúng cách để tiếp cận khách hàng", ông Tư chia sẻ.
Cũng tại tọa đàm, ông Tư cảnh báo về tình trạng “quá tải nhận thức” khi người Việt dành 5-10 tiếng mỗi ngày cho điện thoại, khiến bộ não phải xử lý đến 62.000 suy nghĩ mỗi ngày, thậm chí lên tới 200.000 khi bị căng thẳng. Khi não bộ quá tải, con người dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, phản xạ máy móc và mất khả năng linh hoạt trong hiện tại. Chính vì vậy, ông kêu gọi doanh nghiệp không chỉ áp dụng công nghệ để giải phóng hệ thống vận hành, mà còn để giải phóng chính mình khỏi vòng xoáy bận rộn để có thể sống và làm việc một cách hiện diện và trọn vẹn hơn.