Dệt may cần tận dụng cơ hội để bứt phá

00:00 12/10/2020

Giới chuyên gia lưu ý, để đạt được mục tiêu và mốc cán đích đặt ra là 35 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu năm 2018 này thì các doanh nghiệp (DN) dệt may cần phải tận dụng thời cơ, nhất là chớp được những cơ hội lớn từ các FTA.

Được đánh giá có nhiều thuận lợi nhưng dệt may vẫn phải đối diện với nhiều thách thức lớn (Ảnh TL)

Cơ hội trong tầm tay

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đến thời điểm này ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,49% so với cùng kỳ năm 2017.

Xuất khẩu dệt may đang được coi là một trong những ngành có bước tăng trưởng khá mạnh mẽ với những thị trường trọng điểm phải kể đến như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN… 

Như vậy, có thể thấy, Dệt may là một trong những lĩnh vực có bước tăng trưởng khá ổn định. Đặc biệt, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng đang mở ra những cơ hội để ngành dệt may nước nhà tăng tốc. 

Cụ thể, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết ngày 8/3/2018 và dự kiến bắt đầu có hiệu lực trong năm 2019 đặt ra kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ  xuất khẩu vào 6 nước trong CPTPP trong đó có dệt may.

Bên cạnh đó, FTA Việt Nam - EU (EVFTA) có triển vọng được ký kết trong năm nay sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường này. Ngoài ra, khả năng Hoa Kỳ tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dệt may từ Trung Quốc cũng đang mở ra những cơ hội tốt cho các DN Việt Nam từng bước mở rộng và gia tăng thị phần xuất khẩu sang Hoa Kỳ... 

Theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VINATEX), căn cứ vào các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế thì dệt may Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu sang thị trường này. 

Trong danh sách 20 mặt hàng mà Việt Nam có cơ hội tăng xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian tới, hiện đã có 5 mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như vải canvas, vải mành làm lốp xe các loại, vải dệt thoi từ sợi xơ dài tổng hợp, sợi xơ ngắn tổng hợp PE, với các mã HS 59019040; 59022000; 54072000; 59021000 và 55032000. 

Cần bứt phá

DN dệt may đang có nhiều giải pháp để tăng lợi nhuận (Ảnh TL)

Đánh giá về tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may trong thời gian qua, VITAS cho rằng, đây là con số cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm trở lại đây. Đây là kết quả của cộng đồng DN ngành đã thích ứng được với sự chuyển dịch thị trường. DN đã và đang có giải pháp thay đổi kết cấu mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng giá trị gia tăng cao, chịu được áp lực đòi hỏi của thị trường. Nhờ vậy, giá trị gia tăng trong XK dệt may nói chung được nâng lên rõ rệt. 

Dù có những bước tăng trưởng khá thuận lợi, song cũng không thể phủ nhận ngành dệt may đang đối diện với khá nhiều khó khăn. Theo Bộ Công Thương, trong năm nay, ngành dệt may dự báo phải đối mặt với một số khó khăn như: Chi phí đầu vào tiếp tục có xu hướng tăng như lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, chi phí điện, nước; tình hình nguyên phụ liệu biến động khi giá bông có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu bông tăng cao tại Pakistan, Bangladesh và Việt Nam... 

Có thể thấy, những rào cản trước mắt đối với ngành dệt may là không nhỏ, DN dệt may cần phải chủ động hơn nữa trong nắm bắt thời cơ, thuận lợi từ các FTA để thúc đẩy xuất khẩu. Đồng thời cần chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thị trường, trước hết là xu hướng bảo hộ.

Để bứt phá và về đích ngoạn mục, DN cũng nên chú ý hơn tới vấn đề cắt giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh. Hiện nay các lô hàng vận chuyển sang EU 100% đi bằng đường biển, chỉ một ít lô hàng đi bằng đường hàng không và dệt may cũng nên chú ý đến xuất khẩu hàng hóa qua các tuyến đường sắt như Nga, Belarus… để  giản tiện hơn về chi phí.

Song Nguyên