Đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiếu áp lực thiếu lương thực

23:35 10/04/2022

Các doanh nghiệp có thể tự bảo vệ mình bằng cách tìm các nguồn cung ngũ cốc thay thế, thông qua việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng hoặc tìm kiếm lựa chọn khác tại thị trường nội địa hoặc những thị trường không bị ảnh hưởng.

Theo Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) - cơ quan chung của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Liên hợp quốc, sản xuất ngũ cốc của Nga và Ukraine chiếm 6% tổng sản lượng toàn cầu.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, kéo theo các biện pháp trừng phạt, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, giá lương thực toàn cầu đã tăng cao chóng mặt trong khi lượng hàng tồn kho giảm, đẩy thế giới vào nguy cơ mất an ninh lương thực.

Đa dạng hóa chuỗi  cung ứng để giảm thiếu áp lực thiếu lương thực
Đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiếu áp lực thiếu lương thực.

Xuất khẩu các loại ngũ cốc như lúa mỳ, ngô, yến mạch và lúa mạch của hai nước này cũng chiếm đến 16% xuất khẩu các mặt hàng này của toàn cầu. Bên cạnh đó, Nga và Ukraine cũng cung cấp thức ăn chăn nuôi, đồng nghĩa lạm phát đối với thực phẩm cung cấp protein như thịt gà hoặc thịt lợn sẽ tiếp tục tăng.

Nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận The Conference Board dự báo Chỉ số giá cả của chi phí tiêu dùng cá nhân (PCE), đo lường giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, sẽ dao động tăng quanh ngưỡng 6% so với cùng kỳ năm ngoái trong phần lớn năm 2022.

Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia đã đề xuất các cách thức giải quyết tình trạng thiếu lương thực toàn cầu. Theo đó, các doanh nghiệp có thể tự bảo vệ mình bằng cách tìm các nguồn cung ngũ cốc thay thế, thông qua việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng hoặc tìm kiếm lựa chọn khác tại thị trường nội địa hoặc những thị trường không bị ảnh hưởng.

PV