Luật Đất đai 2024, bước ngoặt đột phá
Ðể khuyến khích việc “tích tụ”, tập trung đất đai trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, nhiều địa phương đã thực hiện chính sách “dồn điền, đổi thửa” để thúc đẩy sản xuất quy mô lớn. Mục đích để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hình thành những cánh đồng lớn…
Ảnh minh hoạ về "Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn". |
Nghị quyết số 19-NQ/TW BCH Trung ương Đảng khóa XIII về “nông nghiệp -nông dân - nông thôn” đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nêu: “Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học- công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa”...
Để thực hiện được điều này, cần phải: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật đất đai bảo đảm quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung, sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất lúa; khắc phục tình trạng bỏ hoang, làm thoái hóa đất”...
Hiện nay, quá trình “tập trung” đất nông nghiệp còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu phát triển với quy mô lớn. Đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp. Nhiều ruộng đất vẫn bị bỏ hoang vì người nông dân canh tác không hiệu quả. Luật Đất đại 2024 (có hiệu lực từ 1/8/2024) được xem như bước ngoặt mang tính đột phá cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, có quy định rõ:
Tập trung đất nông nghiệp là: “việc tăng diện tích đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất thông qua chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo phương án dồn điền, đổi thửa; thuê quyền sử dụng đất và hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất”…
Tích tụ đất nông nghiệp là: “việc tăng diện tích đất nông nghiệp của người sử dụng đất để tổ chức sản xuất thông qua việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện tập trung, tích tụ đất để sản xuất nông nghiệp; ứng dụng khoa học- công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất”…
Ảnh minh hoạ về Luật Đất đai (nguồn: internet). |
Có thể thấy những chính sách mới của Luật Đất đai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, khoa học kỹ thuật tiếp cận đất đai, đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Vì những quy định mới sẽ làm tăng khả năng kêu gọi đầu tư, nhất là những doanh nghiệp lớn đầu tư khoa học- công nghệ vào nông nghiệp. Người dân có nhiều lựa chọn để gia tăng giá trị đất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, hạn chế tình trạng bỏ hoang đất...
“Luật Đất đai mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp từ 10 lần lên không quá 15 lần hạn mức giao đất tại địa phương”; đồng thời, mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa cho tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt: “Người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp; được kết hợp thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu”...
Thế mạnh của quê “chị hai 5 tấn”
Nếu cụ thể hóa Luật Đất đai 2024 sớm đi vào thực tiễn, thì Thái Bình sẽ thể hiện được thế mạnh của mình, vì là tỉnh có trình độ thâm canh lúa trong top đầu cả nước. Việc hình thành các “đại điền” trong khoảng vài năm gần đây không những giúp địa phương này giữ vững sản lượng lúa gạo khoảng 1 triệu tấn/năm mà còn tạo ra “lớp nông dân mới” để đưa máy móc, khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang tính “bề rộng lẫn chiều sâu”...
Đưa máy móc, khoa học kỹ thuật vào sản xuất tại tỉnh Thái Bình (Ảnh: minh hoạ). |
Theo người dân nơi đây cho biết, quy trình cấy một giống lúa trên diện tích lớn, kết hợp đưa khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào các khâu sản xuất đã khẳng định trồng lúa là có lãi. Tính ra, cứ 1 sào lúa người dân lãi khoảng 600.000 đồng.
Cả tỉnh hiện có khoảng 2.000 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, với tổng diện tích hơn 8.000 ha; bình quân 4,08 ha/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Qua rà soát, có 1.511 hộ tích tụ quy mô dưới 5 ha; 324 hộ tích tụ được từ 5 - 10 ha và 133 hộ tích tụ được diện tích hơn 10 ha.
Các huyện: “Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Vũ Thư và Kiến Xương” là những nơi có phong trào tích tụ đất khá sôi động, với hơn 1.000 ha/địa phương và liên kết, sinh hoạt cùng nhau thông qua CLB đại điền.
Theo Sở NN và PTNT tỉnh này cho biết: Việc tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất đã tạo hiệu quả rõ rệt về kinh tế, giảm chi phí đầu vào khoảng 2,6 triệu đồng/ha; đồng thời tạo thuận lợi để người dân đầu tư máy móc, thực hiện đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, bảo quản, giúp thu hút được nhiều tổ chức, doanh nghiệp thu mua sản phẩm theo hợp đồng liên kết…