Cơ hội để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn từ Hàn Quốc

18:55 12/09/2022

Không có đủ tài sản để thế chấp vay vốn; báo cáo tài chính không khả thi do đầu tư ban đầu quá lớn... khiến các doanh nghiệp rất khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, vốn tín dụng.

Nhằm nỗ lực hóa giải những trở ngại trong việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, vốn tín dụng, Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó doanh nghiệp có thể chủ động chuẩn bị nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Cả nước hiện có  khoảng 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (Ảnh minh họa)

Cả nước hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (Ảnh minh họa).

Cụ thể, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam có cơ hội giao lưu, kết nối cũng như tăng cường xúc tiến, thu hút, tìm kiếm đối tác đầu tư từ nước ngoài, Bộ Công Thương (Cục Công nghiệp) phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc sẽ tổ chức Hội thảo "Giao lưu doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc".

Được biết, chương trình dự kiến diễn ra vào lúc 8h30 sáng ngày 6/10 tới đây tại Khách sạn Pan Pacific, số 1 đường Thanh Niên, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

Trong kế hoạch dự kiến, chương trình Hội thảo sẽ bao gồm 5 phần: Kết nối nhà đầu tư Hàn Quốc; Giới thiệu các trang thiết bị đã qua sử dụng; Tư vấn xuất khẩu, tìm kiếm khách hàng Hàn Quốc; Nội địa hóa linh kiện, phụ tùng và Thương mại hóa công nghệ.

Ban Tổ chức chương trình cho hay, tại chương trình tổ chức lần này 10 doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo (ưu tiên cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp đã có dự án, có nhu cầu mở rộng sản xuất nhưng vốn đầu tư còn hạn hẹp...) sẽ có cơ hội giới thiệu về công ty, dự án sản xuất trước 52 nhà đầu tư, tổ chức tín dụng đến từ Hàn Quốc.

Thời điểm hiện nay, do những đặc thù của sản xuất công nghiệp cũng như xuất phát điểm thấp của doanh nghiệp Việt Nam như: doanh nghiệp không có đủ tài sản để thế chấp vay vốn; báo cáo tài chính không khả thi do đầu tư ban đầu quá lớn, hồ sơ vay vốn khó thuyết phục cơ quan tín dụng... các doanh nghiệp rất khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, vốn tín dụng.

Hoạt động "Kết nối nhà đầu tư Hàn Quốc" được triển khai với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận với các khoản vay dài hạn để mở rộng sản xuất, đầu tư tiếp nhận công nghệ mới. Tại hội thảo, Ban tổ chức sẽ bố trí 10 bàn tư vấn để các doanh nghiệp có thể trao đổi chi tiết với các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng Hàn Quốc quan tâm.

Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ký kết hợp tác với Quỹ bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc

Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ký kết hợp tác với Quỹ bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc.

Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VITASK) là dự án ODA hợp tác quốc tế giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, với mục tiêu thông qua các hoạt động hỗ trợ đa dạng giúp doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp ô tô và điện - điện tử tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVC - Global Value Chain), từ đó doanh nghiệp có thể chủ động chuẩn bị nền tảng cho sự phát triển bền vững. Để hoàn thành mục tiêu như đã nêu, VITASK sẽ xúc tiến nhiều chương trình hỗ trợ đa dạng, như: chương trình hỗ trợ kỹ thuật với đội ngũ chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm của Hàn Quốc giúp các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề kỹ thuật ngay tại nơi sản xuất, chương trình đào tạo kỹ sư với đối tượng là sinh viên, chương trình bồi dưỡng chuyên gia tư vấn với đối tượng là công nhân viên của các cơ quan, doanh nghiệp, xây dựng cơ sở vật chất thử nghiệm đánh giá nhằm hỗ trợ đánh giá tính năng sản phẩm, phân tích lỗi, chương trình kết nối thúc đẩy giao lưu kỹ thuật giữa doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc.

Nững năm qua, nhiều chính sách, chương trình đã được ban hành để khuyến khích tập trung nguồn lực phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, như: Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT; Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Mới đây nhất là Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách mới, được kỳ vọng sẽ tạo ra sự kích thích mạnh mẽ cho công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới…

Các Bộ, ngành, địa phương cũng đã có nhiều chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như các chương trình hợp tác quốc tế với sự tham gia của nhiều tập đoàn đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam có nhu cầu về các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Số liệu thống kê cho biết, đến nay cả nước mới có 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chiếm 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động với doanh thu sản xuất kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, tương đương 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô vốn mỏng và sức cạnh tranh thấp. Năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn bị đánh giá hạn chế. Sản xuất công nghiệp của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào các nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu. Khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong nước chiếm tỉ lệ thấp.

Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục có những chính sách nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thông qua cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng minh bạch, thuận lợi để doanh nghiệp yên tâm hơn khi đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với đó, có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận tài chính hiệu quả để đầu tư dây chuyền công nghệ, máy móc phục vụ cho quá trình sản xuất.

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng cần chủ động tìm kiếm giải pháp, tăng cường kết nối, tập trung đầu tư để từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cấp máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các tập đoàn toàn cầu.

Trần Linh