Đề cập tới điểm sáng vĩ mô, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc phân tích cổ phiếu SSI Research nêu, mục tiêu tăng trưởng trong năm 2022 là 7% có thể đạt được, tương đương với mức tăng 7,5% trong nửa cuối năm 2022. Chỉ số PMI tháng 8 đạt trên mức 50 điểm tháng thứ 11 liên tiếp, với sự cải thiện về số lượng đơn đặt hàng mới từ khách hàng cả trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, lạm phát bình quân 8 tháng được kiểm soát ở mức thấp 2,6%; cán cân thương mại 8 tháng ước tính thặng dư 4 tỷ USD và thặng dư ngân sách với thu 8 tháng tăng gần 20% so với cùng kỳ. Ngoài ra, ngành tiêu dùng hồi phục với doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng tăng mạnh 19% so với cùng kỳ; khách du lịch nội địa 8 tháng tăng đã vượt mức trước COVID-19, tăng 34% so với cùng kỳ 2019.
Ông Châu đánh giá, trong thời gian tới, động lực tăng trưởng quý 4/2022 và năm 2023 đến từ chính sách tài khóa, với gói kích thích kinh tế có thể được giải ngân nhiều hơn vào quý cuối năm nay và trong năm 2023.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục được hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc có thể dần nới lỏng các chính sách phong tỏa COVID-19 giúp thúc đẩy nhu cầu khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch.
Nhắc đến các yếu tố rủi ro, ông Châu cho biết áp lực kinh tế thế giới càng tăng với rủi ro suy thoái sẽ ảnh hưởng tới kênh xuất khẩu của Việt Nam. CPI Việt Nam có độ trễ so với thế giới và có thể tăng mạnh vào cuối năm khi chính phủ điều chỉnh các mặt hàng như giá điện, giá y tế và kỳ vọng tiếp tục cao trong năm 2023.
Chính sách tiền tệ ngày càng có xu hướng thắt chặt hơn với cung tiền giảm và lãi suất tăng trong quý 4/2022 và 2023 trong bối cảnh NHTW trên thế giới liên tục thắt chặt chính sách. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
Thanh khoản thị trường bất động sản có nguy cơ sụt giảm, đặc biệt thị trường trong 2023 và 2024 có rủi ro lớn đến từ đáo hạn nợ trái phiếu, trong hai năm tới khối lượng TPDN đáo hạn gần 250.000 tỷ, sẽ tác động tới ngành bất động sản và ngân hàng.
Chuyên gia SSI nêu, thị trường chứng khoán được đánh giá vẫn hấp dẫn khi P/E (dựa trên số liệu lợi nhuận quá khứ) hiện tại khoảng 12.x, trong khi các thị trường khác như Thái Lan, Philippines, Malaysia hay Indonesia đều cao hơn Việt Nam nhiều (khoảng 16.x).
ROE của VN-Index khoảng 15% cao hơn so mức 9-10% của khu vực. Tỷ giá ổn định là yếu tố NĐTNN quan tâm, tỷ giá từ đầu năm đến nay mất giá hoảng 4% so với USD, nhiều quốc gia khác (Thái Lan, Malaysia, Philippines) mất giá khoảng 10-15% so với USD.
Về triển vọng trong thời gian tới, ông Châu dự phóng lợi nhuận nhóm công ty niêm yết đạt mức khả quan, khoảng 16,7% và mức tăng trưởng lợi nhuận này sẽ có thể giảm trong 2023 xuống 13,3%.
Theo đó, chuyên gia SSI dự báo P/E năm nay khoảng 11,3 lần, P/E dự phóng cho 2023 khoảng trên 9,4 lần, thấp so với quá khứ.
Điểm đáng nói là chỉ số định giá của VN-Index rất nhạy cảm với đường lãi suất. Thời gian qua, lãi suất điều chỉnh tăng 1 điểm %, dự báo cuối năm nay và đầu năm sau vẫn có mức tăng khoảng 1 điểm % nữa sẽ gây áp lực lên định giá của chỉ số nói chung.
“Nhìn chung xu hướng TTCK trong thời gian tới sẽ tiếp tục khó lường trong bối cảnh điều kiện vĩ mô chưa thuận lợi, không rõ ràng. Nền kinh tế cùng một lúc chịu nhiều yếu tố bất định. Trong bối cảnh đó, TTCK sẽ vẫn có những nhịp tăng - giảm, có sự phân hoá giữa các nhóm ngành và chính các cổ phiếu trong từng nhóm ngành. Các doanh nghiệp đầu ngành sẽ được lưu ý hơn do có sức khoẻ tài chính tốt”, ông Châu đánh giá.
Theo ông Châu, các nhóm ngành cổ phiếu tiềm năng gồm: ngành mang tính phòng thủ, ít phụ thuộc chu kỳ kinh tế (bán lẻ, tiêu dùng, y tế, công nghệ thông tin); cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công và FDI; cổ phiếu hưởng lợi từ khi giá đầu vào giảm (cao su, săm lốp, hoá chất,…); cổ phiếu có câu chuyện kinh doanh riêng như IPO, thoái vốn công ty con hoặc kết quả kinh doanh phục hồi từ đáy; các cổ phiếu có vị thế tiền mặt lớn hưởng lợi từ môi trường lãi suất.
“Tựu chung lại, trong nguy có cơ, nhà đầu tư cần chắt lọc, thẩm định kỹ hơn. Trong bối cảnh thị trường khó khăn, thị trường sẽ xảy ra hiện tượng thanh lọc thị trường, tuy nhiên cơ hội đầu tư dài hạn sẽ tốt khi TTCK suy giảm nhưng cũng cần định giá kỹ. Nhà đầu tư cần lưu ý giá nào, thời điểm nào cần mua - bán, đặc biệt là”, ông Châu cho biết.
Bình Phương