Nhà đầu tư trước APEC 2027: “Đây là thời điểm vàng để đầu tư du lịch, bất động sản Phú Quốc” Đề xuất nâng cấp sân bay Phú Quốc, đón 10 triệu khách/năm vào 2030 |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đã có bài tham luận quan trọng, đề xuất một loạt cơ chế đặc thù để giúp Phú Quốc vượt qua thách thức hiện tại, phát huy cơ hội đón APEC 2027, và vươn lên trở thành trung tâm du lịch hàng đầu Đông Nam Á.
Theo ông Châu, việc Phú Quốc được chọn làm nơi đăng cai Tuần lễ Cấp cao APEC 2027 là một cơ hội lịch sử, mở ra bước ngoặt để thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam khẳng định vị thế, thu hút đầu tư quốc tế và trở thành điểm đến đẳng cấp toàn cầu. Tuy nhiên, để biến cơ hội này thành hiện thực, Phú Quốc cần một hành lang pháp lý thông thoáng, hạ tầng hiện đại, chính sách linh hoạt và một chiến lược phát triển bền vững.
![]() |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM. |
Theo thống kê, thị trường bất động sản du lịch Phú Quốc hiện đang trong tình trạng trầm lắng, với hàng ngàn căn hộ condotel, villa và shophouse không thể khai thác do vướng pháp lý và hạ tầng hạn chế. Cả nước có tới 239 dự án du lịch bị đình trệ, tương đương gần 30 tỷ USD bị “đóng băng”, trong đó Phú Quốc là một trong những tâm điểm.
Ngoài rào cản pháp lý, ông Châu chỉ rõ những yếu kém nghiêm trọng về hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là nước sạch, điện, xử lý rác thải và giao thông. Tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch mới chỉ đạt 29,65%, ảnh hưởng lớn đến đời sống và kinh doanh du lịch.
Trước thực trạng đó, Chủ tịch HoREA đề xuất 7 nhóm cơ chế chính sách đặc thù, trong đó nhấn mạnh đến việc:
Một là, áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác vật liệu xây dựng phục vụ dự án APEC.
Hai là, lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo Nghị định 17/2025/NĐ-CP.
Ba là, dùng vốn đầu tư công theo cơ chế khẩn cấp để triển khai nhanh các công trình trọng điểm.
Bốn là, phân cấp thẩm quyền đầu tư PPP cho tỉnh Kiên Giang, nhằm huy động tối đa nguồn lực tư nhân.
Năm là, điều chỉnh quy hoạch và chỉ tiêu đất đai theo thủ tục rút gọn, bao gồm đề xuất giảm 1.000 ha đất rừng phòng hộ để phục vụ tái định cư, hạ tầng và du lịch.
Sáu là, “trải thảm đỏ” thu hút di dân cơ học, lao động chất lượng cao, kết hợp chính sách khuyến sinh nhằm tăng quy mô dân số Phú Quốc, chuẩn bị nguồn nhân lực dài hạn.
Bảy là, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc hữu, dựa trên thế mạnh của Phú Quốc như nuôi biển, thủy hải sản kết hợp du lịch trải nghiệm.
Một điểm đáng chú ý trong bài tham luận là đề xuất mang tính chiến lược của ông Châu: học tập kinh nghiệm quốc tế trong việc mời các ngôi sao nổi tiếng toàn cầu đến biểu diễn, tham quan tại Phú Quốc, tương tự như Singapore đã làm với Taylor Swift tạo nên hiệu ứng “Swiftonomics”.
![]() |
Hướng đến xây dựng Phú Quốc thành trung tâm du lịch hàng đầu khu vực. |
Ông cho rằng nếu có thể kết hợp với các tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup và các thương hiệu du lịch quốc tế để mời những nhân vật tầm cỡ như nghệ sĩ, tỷ phú, nhà khoa học đến Phú Quốc, thì thành phố không chỉ quảng bá hình ảnh mạnh mẽ mà còn tạo cú hích cho cả nền kinh tế du lịch – dịch vụ.
Không dừng lại ở việc tăng trưởng ngắn hạn, ông Lê Hoàng Châu cũng lưu ý Phú Quốc cần chuẩn bị cho giai đoạn sau 20–30 năm, khi đối mặt với rủi ro phát triển du lịch quá mức như tình trạng ở Tây Ban Nha hay Bali. Ông đề xuất nghiên cứu các mô hình thu thuế du lịch, để đầu tư ngược trở lại cho hạ tầng, xử lý chất thải, bảo tồn di sản và bảo vệ môi trường sống.
Với hàng loạt chính sách hỗ trợ từ Trung ương như các luật mới (Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS 2023...), cùng với hạ tầng ngày càng hoàn thiện như sân bay quốc tế, đường điện ngầm, hồ chứa nước Dương Đông... Phú Quốc đang dần hội tụ đủ điều kiện để cất cánh trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, để thành công, theo ông Châu, cần một “cú hích chính sách” thật sự mạnh mẽ, kịp thời và linh hoạt. Chỉ khi đó, Phú Quốc mới có thể “bứt tốc” để vừa phục vụ thành công APEC 2027, vừa vươn tầm thành thiên đường du lịch của khu vực và thế giới.